Trở lại thời điểm đầu những năm 70 của thế kỉ trước, Tadashi Yanai quay trở về thị trấn nổi tiếng với nghề khai thác than Ube, nằm ở phía tây nam Hiroshima, để tiếp quản cửa hàng may mặc của gia đình.
Khi đó, ở độ tuổi 20, Yanai nhanh chóng biến cửa hàng này thành một nơi làm việc không ai mong muốn. "6 trên 7 nhân viên nghỉ", Yanai chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Nikkei Asian Review. "Cho tới thời điểm đó, tôi vẫn nghĩ quản trị doanh nghiệp không dành cho bản thân mình".
Hiện nay, sau 4 thập niên, Yanai, ở độ tuổi 68, Yanai đang là Chủ tịch của Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo. Những bài học đầy đau đớn khi tiếp quản kinh doanh gia đình cùng với sự tò mò của vị trí lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa Tadashi Yanai tới được thành công về sau.
Với vẻ ngoài đậm người và mái tóc cắt ngắn, Yanai tự nhận ông là một người hướng nội khi còn trẻ. Ông thích đọc sách hơn tiếp xúc với mọi người. Khác với việc giao thiệp với xã hội, việc đọc sách đến với ông một cách cực kì tự nhiên.
"Về cơ bản, tôi là một con mọt sách", ông giải thích.
"Tôi thích đọc hồi kí của những doanh nhân huyền thoại, ví dụ như Kanosuke Matsushita, người sáng lập Panasonic hay Soichiro Honda, người sáng lập Honda Motor". Chủ tịch Fast Retailing chia sẻ đôi khi những cuốn sách nói trên không thực sự là những cuốn sách về kinh doanh, song chúng dường như trở thành một trải nghiệm đối với ông.
"Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ, 'Đợi đã, điều này có thể có gì đó liên quan với những gì các doanh nhân kia đã trải qua", ông nói.
"Tôi cũng đọc cuốn 'Managing' của Harold Geneen nhiều lần", Yanai nói, nhắc đến một cuốn sách viết bởi cựu Chủ tịch và CEO của ITT, một tập đoàn lớn của Mỹ nay đã dừng hoạt động.
Sở thích đọc sách đã giúp định hình phương châm kinh doanh của Tadashi Yanai. Ông ví mọi thứ như đọc một cuốn sách từ cuối lên đầu. "Bạn biết trước phần kết. Và rồi bạn quyết định xem mình cần làm gì để đến đó và triển khai chúng. Nó là nguyên tác đơn giản".
Thời còn trẻ, Tadashi Yanai nhiều lần tới Anh và Mỹ để tìm hiểu về ngành may mặc ở đây bởi ông thích văn hoá tại các quốc gia này, đặc biệt là văn hoá của giới trẻ.
"Ở thời điểm đó, tôi biết đến doanh nhân Leslie Wexner của thương hiệu The Limited (nay là L Brands) cùng chuỗi Victoria's Secret, với thành tích đạt 1 nghỉn tỉ yên doanh số bán hàng trong một thời gian ngắn. Ông là người tôi rất ngưỡng mộ", ông Yadai nhớ lại.
Tadashi Yanai cũng biết đến thương hiệu bán lẻ quần áo Next với tốc độ tăng trưởng doanh số từ 2 tỉ yên đến 200 tỉ yên chỉ sau 8 năm. "Khi nhìn vào danh mục sản phẩm của họ vào những năm 1980, ngay cả hiện nay bạn cũng không hề nghĩ đến việc nó bị lỗi mốt".
Tadashi Yanai ấp ủ dự định làm được những điều tương tự tại Nhật Bản.
Trở về nước, thực tế u ám hơn rất nhiều. "Chúng tôi là một cửa hàng đồ nam ở một tỉnh thành có dân số 170.000 người", ông nói. "Tùy vào tình hình thực tế lúc đó, cũng không tệ khi vào cuối sự nghiệp, tôi có thể phát triển công ty với 30 cửa hàng và doanh thu hàng năm 3 tỉ yên".
Ở thời điểm hiện tại, Fast Retailing đang có 110.000 nhân sự làm việc ở 22 thị trường toàn cầu. Họ đang vận hành khoảng 1.920 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới với hơn 1.000 trong số đó nằm ngoài quê nhà Nhật Bản. Với sự hiện diện đậm nét tại Trung Quốc, Hong Kong và Đông Nam Á, 47% doanh thu của Fast Retailing đến từ các thị trường quốc tế.
Mặc dù tham vọng ban đầu khá khiêm tốn, Tadashi Yanai đang cho thấy mình đang làm rất tốt những gì cần làm. Ông chưa từng hối hận đã quay trở về quê nhà làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, nhất là khi có một vị trí rất tốt ở Aeon, đơn vị vận hành bán lẻ lớn nhất Nhật Bản.
"Nhiều người không hiểu điều này", ông nói, "nhưng những doanh nhân thực sự thành công đều là người cẩn trọng".
Phương châm của Uniqlo là "Thay đổi thời trang. Thay đổi những suy nghĩ thông thường. Thay đổi thế giới". Thế nhưng, theo lời "trần tình" của Tadashi Yanai, nó rất hay bị hiểu nhầm.
Cửa hàng Unique Clothing Warehouse đầu tiên mở cửa vào ngày 2/6/1984 ở Fukuromachi, Hiroshima (trái) và một cửa hàng Uniqlo hiện nay ở Osaka, Nhật Bản.
Với nhiều người, khẩu hiệu nói trên chẳng khác nào việc chinh phục thế giới và kiếm một khoản kếch xù. Song Tadashi Yanai nói chưa bao giờ trong cuộc đời ông "làm việc vì tiền."
"Tôi không quan tâm nhiều đến tiền. Bạn sẽ vô vọng khi để tiền dẫn dắt. Quá nhiều doanh nhân như vậy, với mục tiêu đưa công ty lên sàn và lấy tiền. Nhưng tiền sẽ bốc hơi nhanh chóng. Bạn kiếm hàng trăm tỉ yên? Rồi sao?"
Tadashi Yanai áp dụng nguyên tắc khiêm tốn nói trên vào cả giờ giấc làm việc của ông. Yanai dậy vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày và đến công sở lúc 6h45. Khoảng thời gian yêu thích trong ngày của ông là từ 6h30 đến 7h30 khi không có cú điện thoại hay vị khách nào cần tiếp đón. Khoảng thời gian quý giá này thường được Tadashi Yanai dùng để lên kế hoạch cho một ngày.
"Nhiệm vị của lãnh đạo là suy nghĩ", Tadashi Yanai chia sẻ.
"Lãnh đạo phải nghĩ cách để biến công ty thành một thứ đáng làm cho nhân viên của mình, một thứ mà họ sẵn lòng cống hiến". Yanai cũng rời văn phòng rất sớm, vào khoảng 3 hoặc 4 giờ chiều mỗi ngày. Ông thậm chí mong muốn về sớm hơn trong tương lai.
Đứng trước những thách thức trong tương lai, Fast Retailing cũng đang thay đổi. Chìa khoá tồn tại trong thời đại số, ông Yanai nói, chính là khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng vào tạo ra các sản phẩm mà họ muốn.
Từ nhận thức trên, Fast Retailing đã hợp tác cùng Google vào năm ngoái để áp dụng các công nghệ nhận diện hình ảnh và máy học cho mục tiêu phân tích xu hướng sản phẩm và dự đoán nhu cầu của thị trường.
"Tôi muốn biến may mặc thành ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới", Yanai nói trong hội thảo Google Cloud Next hồi tháng 9 năm ngoái.
Song cho ra đời những sản phẩm ăn khách là chưa đủ. Tương tự Amazon, Fast Retailing cần phát triển được hệ thống kho vận và chuỗi cung ứng mượt mà để có thể chuyển hàng tới tay những khách hàng thuộc thế hệ "cần-ngay-và-luôn" nhanh chóng.
Nếu như Google là đối tác của Fast Retailing ở mảng trí tuệ nhân tạo, đồng minh của công ty trong chuỗi cung ứng là ông lớn kho vận quốc tế Daifuku với mục tiêu chuyển đổi nhà kho của Fast Retailing ở Tokyo thành một nhà kho vận hành 24 giờ mỗi cùng bằng cách thay thế 90% nhân sự bằng robot.
Công ty cũng đang dự tính đầu tư 900 triệu USD vào các nhà kho trên khắp thế giới trong một vài năm tới để giải quyết các vấn đề về nhân lực, chi phí lưu kho và chậm trễ giao hàng.
"Mặc cho thực tế rằng sản phẩm và cửa hàng của chúng tôi tốt đến mức nào, chúng tôi vẫn cần kho vận vận hành mạnh mẽ để kết nối chúng", ông Yanai nhấn mạnh.
Với Fast Retailing, các chuyên gia cũng nhận định thách thức lớn nhất sẽ nằm ở việc tìm ra điểm cân bằng giữa trải nghiệm mua sắm trực tuyến và trải nghiệm bên trong cửa hàng vật lí trong khi vẫn duy trì biên lợi nhuận.
Ở thời điểm hiện tại, doanh số bán hàng trực tuyến của Fast Retailing tại Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc đang lần lượt rơi vào khoảng 7%, 20% và 30%. Tadashi Yanai nói ông muốn tỉ lệ tăng lên 30% trong một vài năm tiếp theo.
"Thương mại điện tử càng phát triển, các cửa hàng vật lý sẽ biến mất. Đó là những gì Châu Âu và Mỹ đã trải qua và Fast Retailing có thể cũng sẽ đi cùng con đường", Kensuke Kojima, một chuyên gia tư vấn ngành thời trang ở Tokyo, nhận định.
Fast Retailing có một lợi thế hiếm hoi trong ngành công nghiệp may mặc khi tự làm mọi thứ từ sản xuất đến phát triển chất liệu, quản trị nhà máy, kho vận và phân phối. Bên cạnh đó, thành công của Fast Retailing còn đến từ khả năng chọn đúng đối tác của Tadashi Yanai.
Trước khi tìm đến những cái tên như Google hay Daifuku, hợp tác của Fast Retailing cùng nhà sản xuất sợi carbon Toray đã giúp nó tạo ra nhiều chất liệu mới như Heattech hay Sarafine với khả năng giữ ấm vào mùa đông hay thoát nhiệt tốt vào mùa hè.
Fast Retailing kì vọng danh sách đối tác công nghệ của hãng sẽ tiếp tục mở rộng. "Trong ngành may mặc, một công ty sẽ không thể thống lĩnh thế giới và cần phát triển cùng đối tác", ông Tadashi Yanai nói vào cuối năm 2017.
"Tôi không nghĩ có công ty nào ngoài Fast Retailing có thể hợp tác với nhiều ông lớn thế giới như thế, từ Toray, Mitsubishi, Accenture, Disney, Apple, Google cho tới Alibaba và Tencent".