Ngày thu hoạch mía cận kề, nông dân lo bí đầu ra vì nhà máy đường muốn đóng cửa
Nông dân lo lắng, đứng ngồi không yên
Thông tin nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép mía tới đây đã tạo ra sự lo lắng cho dân trồng mía của tỉnh.
Chia sẻ với người viết, bà Phùng Thị Hai, ở ấp Tân Phước A2, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Năm nay, nông dân rất mừng vì lần đầu tiên nhà máy đường cho vay phân và tiền mua giống.
Tôi đã vay 20 bao phân và hơn 10 triệu tiền giống, đợi đến khi nhà máy chạy tôi mới có thể trả trừ nợ nhưng nếu năm nay mà nhà máy nghỉ sản xuất là nông dân chết liền", bà Hai lo lắng.
Bởi theo hộ nông dân này, tiền nhân công chỉ 100.000 đồng/ngày/người nhưng năm nay họ tính 25.000 đồng/giờ, chưa kể tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng so với cùng kỳ, nhất là giá phân bón tăng gần 50%.
"Đến khi mía thu hoạch đưa ra nhà máy đường, trừ phí này phí nọ thì không còn lời bao nhiêu. Vì vậy, nếu nhà máy đường không thu mua mía, nông dân sẽ càng lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất”, bà Hai chia sẻ.
Cũng theo hộ nông dân này, vụ mía thường sẽ bắt đầu thu hoạch từ tháng 9, tháng 10, với diện tích đất hiện có hàng năm bà thu hoạch khoảng 500 - 600 tấn mía chủ yếu bán chữ đường cho nhà máy Phụng Hiệp và mía chục (mía dùng làm nước giải khát) cho thương lái.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, nông dân trồng giống mía chín sớm ROC 16 với mục đích bán mía chục thì không bán được. Nguyên nhân là các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên người dân hạn chế ra đường, từ đó nhu cầu tiêu thụ nước mía gần như không có trong lúc này.
Vì vậy, với việc không tìm được đầu ra nên thời gian gần đây, thương lái không đến các vùng nguyên liệu mía chục để thu mua mía cho bà con, cộng với đầu ra từ nhà máy đường nếu bị ngừng đột ngột thì người trông mía sẽ rất khó khăn.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện nay ngành nông nghiệp của địa phương chưa nhận được văn bản nào của nhà máy Phụng Hiệp thông báo về việc tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn: "Hiện nay cả ĐBSCL chỉ còn nhà máy Phụng Hiệp của Casuco hoạt động nên nếu nhà máy dừng hoạt động thì nông dân rất khổ sở vì một năm xuống giống chỉ trông chờ ngày thu hoạch, giờ nhà máy không chạy thì bao nhiêu vốn liếng đã đổ vào chỉ bỏ đi, nông dân khổ một năm".
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 5.000 ha, riêng huyện Phụng Hiệp có 4.700 ha. Trong đó, giống mía chín sớm ROC 16 chiếm diện tích khoảng 60%.
Đến nay, diện tích mía được nông dân thu hoạch sớm để bán mía chục là 590 ha (chủ yếu giống ROC 16), năng suất bình quân đạt 105 tấn/ha, giá bán dao động từ 1.000-1.600 đồng/kg, tùy theo đường vận chuyển và chất lượng mía
Đại diện ngành nông nghiệp Phụng Hiệp cho biết thêm, thường vào khoảng tháng 5 hàng năm lãnh đạo nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ đến liên hệ với chính quyền địa phương để cùng trao đổi về kế hoạch sản xuất cũng như những chính sách và giá bao tiêu mía, đồng thời tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân trước khi vụ ép bắt đầu.
Năm nay nhà máy chỉ đến đề nghị hợp tác với bà con nông dân hồi đầu vụ, sau đó tự liên hệ trực tiếp người trồng mía của huyện trong việc trao đổi các hình thức thu mua mía chứ không liên hệ và làm việc trực tiếp với ngành chức năng địa phương nữa.
"Thường hàng năm khoảng 25/9 nhà máy mới bắt đầu chạy, năm nay có thể do tình hình điều động nhân công khởi động nhà máy không thuận lợi do dịch bệnh nên không loại trừ khả năng hoạt động chậm", ông Tuấn cho hay.
Nhà máy đường Phụng Hiệp muốn đóng cửa vì thiếu nguyên liệu?
Trước những lo lắng của người nông dân về đầu ra của vụ mía năm nay, người viết đã liên hệ ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến doanh nghiệp này muốn dừng hoạt động nhà máy Phụng Hiệp cũng như kế hoạch giải quyết nguồn nguyên liệu mía đã bao tiêu, cam kết với nông dân.
Theo chia sẻ của ông Hiếu, niên vụ 2020-2021 tổng diện tích toàn vùng mía nguyên liệu Casuaco gần 2.800 ha, công ty ký hợp đồng đầu tư bao tiêu hơn 2.000 ha.
Tuy nhiên, Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép với sản lượng mía hơn 86.000 tấn/120.000 tấn, theo kế hoạch đạt 71,8%, nguyên nhân sản lượng mía giảm nhiều do người dân bán mía nước, bán mía cho lò đường thủ công, bán mía giống,…
Đến niên vụ 2021-2022 tổng diện tích toàn vùng mía nguyên liệu Casuco sụt giảm chỉ còn hơn 1.880 ha. Công ty đã ký hợp đồng đầu tư vụ 2021-2022 hơn 380 ha, tương đương sản lượng mía gần 44.800 tấn.
"Với diện tích và sản lượng mía sụt giảm thời gian qua và nhu cầu tiêu thụ cho mía nước của người dân ngày càng tăng. Mặt khác do giá đường trong những năm gần đây (khi Chính phủ chưa áp thuế chống bán phá và chống trợ cấp giá của sản phẩm đường Thái Lan) đang ở mức thấp, dẫn đến giá mía thu mua thấp nên nông dân trồng mía chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao.
Điều này đã khiến diện tích mía trong vùng giảm nghiệm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Casuco", ông Trần Ngọc Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, theo TTXVN, mới đây, ônh Phạm Quang Vinh, thành viên HĐQT của Casuco kiến nghị không dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp do nguồn cung mía đã đủ.
Theo đó, ông Vinh cho rằng do những tháng qua, giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19 kéo dài, nên mía nước bán không được dẫn đến sản lượng mía Casuco phải tiêu thụ cho nông dân sẽ cao hơn so dự báo cách đây ba tháng.
"Thời điểm này nên sửa chữa Nhà máy đường Phụng Hiệp để phục vụ ép mía 2021-2022. Việc sửa chữa nhà máy sẽ mất khoảng hai tháng, nên nếu không sửa chữa sớm đến mùa thu hoạch không sản xuất được; trong khi lũ về người trồng mía sẽ càng khó khăn trong tiêu thụ mía", ông Vinh cho biết.
Ông Đoàn Tấn Quan, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn ADC, là cổ đông và được ủy quyền của 38 cổ đông khác của Casuco cũng có văn bản kiến nghị khẩn việc thực hiện việc tu bổ thiết bị và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Nhà máy đường Phụng Hiệp sẵn sàng vào vụ sản xuất trong tháng 10/2021.
Trong khi trước đó, tại các cuộc họp HĐQT diễn ra hồi tháng 5, tháng 6 vừa qua, các thành viên đại diện cho nhóm cổ đông lớn ADC và ông Phạm Quang Vinh lại thống nhất tạm dừng sản xuất vụ 2021-2022 do lượng mía ít, không hiệu quả và dẫn đến lỗ vốn, không bảo toàn được nguồn vốn đầu tư của cổ đông.
Hiện tại, kế hoạch này vẫn chưa được thông qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thực hiện giãn cách xã hội nhưng nó sẽ được xem xét vào lần họp cổ đông gần nhất của Casuco trong thời gian tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/9.
Gần 44.800 tấn mía đã ký hợp đồng có được tiêu thụ như kế hoạch?
Vấn đề quan tâm hiện nay là phương án xử lý đối với lượng mía Casuco đã ký hợp đồng đầu tư gần 44.800 tấn mía sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch HĐQT Casuco cho biết công ty sẽ tổ chức xây dựng và trực tiếp điều hành đội công nhân thu hoạch và vận chuyển mía mang về Nhà máy đường Sóc Trăng hoặc Trà Vinh tiêu thụ nhằm thu hồi vốn đầu tư và học tập rút kinh nghiệm cho những vụ mía sau về việc quản lý thu mua mía trực tiếp từ người dân.
Giá thu mua thực hiện theo giá thông báo của Công ty đường Sóc Trăng hoặc Công ty đường Trà Vinh.
Về chi phí vận chuyển mía từ vùng Phụng Hiệp về Sóc Trăng hoặc Trà Vinh, Ban điều hành làm việc với công ty mía đường Sóc Trăng hoặc công ty mía đường Trà Vinh trên cơ sở đảm bảo hiệu quả của người dân trồng mía và công ty, nhằm mục tiêu phát triển vùng mía trong những năm kế tiếp.
"Casuco đảm bảo sẽ tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mía đã ký hợp đồng với bà con nông dân", ông Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh.
Trước đó vào năm 2019, Casuco đã tuyên bố đóng cửa Nhà máy đường Vị Thanh, một trong hai nhà máy đường của công ty trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Trong công văn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh và các ban ngành Hậu Giang về việc tạm ngưng sản xuất Nhà máy đường Vị Thanh, Casuco cho biết do sản xuất mía kém hiệu quả và thua lỗ liên tục nên một phần người trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc không quan tâm chăm sóc dẫn đến giảm năng suất, chất lượng.
Do đó, thực tế vùng trồng mía nguyên liệu của Casuco vụ 2018 – 2019 giảm mạnh, sản lượng mía qua khảo sát chỉ đáp ứng được 350.000 đến 400.000 tấn mía cho vụ sản xuất 2019 – 2020, không đủ nguyên liệu cho sản xuất hai nhà máy.
"Hội đồng quản trị Casuco đã đánh giá và xem xét khả năng nguyên liệu chỉ đủ cho một Nhà máy sản xuất, nên quyết định niên vụ sản xuất 2019 – 2020 chỉ tiếp tục hoạt động sản xuất một nhà máy đường Phụng Hiệp, tạm ngưng sản xuất Nhà máy đường Vị Thanh”, công văn của Casuco nêu rõ.
Theo dự kiến, niên vụ 2020 – 2021, Casuco sẽ đưa Nhà máy đường Vị Thanh hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến nay nhà máy này vẫn tiếp tục dừng sản xuất, trong khi nhà máy còn lại là Phụng Hiệp cũng sắp rơi vào tình cảnh tương tự.