Nhà máy đường duy nhất của Hậu Giang muốn tạm dừng sản xuất niên vụ 2021-2022
Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty vừa có tờ trình để trình tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021.
Trong đó, xem xét, thông qua phương án tạm dừng vụ sản xuất mía (2021-2022) tại Nhà máy đường Phụng Hiệp, sắp xếp chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động do thu hẹp sản xuất...
Ngoài ra, Casuco cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua đề án xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu của công ty đạt tối thiểu 2.000 ha, tương đương 200.000 tấn mía. Sau khi đầu tư vùng nguyên liệu đạt sản lượng, cân đối hiệu quả, có lãi và đủ điều kiện sản xuất, thì giao HĐQT xem xét, quyết định tiếp tục đưa nhà máy vào hoạt động trở lại.
Theo báo Hậu Giang, ông Phạm Quang Vinh, thành viên HĐQT Casuco và là đại diện nhóm cổ đông ADC sở hữu trên 40% vốn điều lệ của công ty, cho biết trong những năm gần đây do nhiều yếu tố đã dẫn tới diện tích trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giảm dần qua các năm.
Cụ thể, đến niên vụ sản xuất năm nay, diện tích mía của tỉnh Hậu Giang chỉ còn 1.163ha, tương đương khoảng 138.390 tấn mía cây (theo số liệu điều tra của Casuco); trong đó Casuco đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp là 309ha.
Tuy nhiên, cách nay khoảng ba tháng, HĐQT của Casuco đã họp và đánh giá lượng mía còn ít nên không đủ sản xuất.
Do đó, HĐQT Casuco có tính đến phương án cho Nhà máy đường Phụng Hiệp - thuộc Casuco (đây là nhà máy đường duy nhất còn hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang) tạm dừng sản xuất ở vụ mía 2021-2022.
Hiện nay dù kế hoạch tạm dừng hoạt động Nhà máy đường Phụng Hiệp chưa được các thành viên cổ đông của Casuco thông qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thực hiện giãn cách xã hội nhưng nội dung trên sẽ được xem xét vào lần họp cổ đông gần nhất của Casuco trong thời gian tới.
Ông Phạm Quang Vinh cho biết thêm trước dự báo về những khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ gặp phải nếu Nhà máy đường Phụng Hiệp tạm ngưng hoạt động.
Đồng thời nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông Casuco và đặc biệt là duy trì được vùng mía nguyên liệu cho những năm tiếp theo, ông đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch HĐQT Casuco chỉ đạo cho Tổng giám đốc thực hiện gấp việc bảo trì máy móc thiết bị và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng vào vụ sản xuất đường từ tháng 10 tới nhằm tiêu thụ kịp thời mía cho người dân.
Thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh cho biết từ đầu tháng 8 đến nay, nông dân trồng giống mía chín sớm ROC 16 với mục đích bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) thì không bán được.
Theo nhận định của bà con nông dân, nguyên nhân là do các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên người dân hạn chế ra đường; từ đó nhu cầu tiêu thụ nước mía gần như không có trong lúc này. Vì vậy, với việc không tìm được đầu ra nên thời gian gần đây, thương lái không đến các vùng nguyên liệu mía chục để thu mua mía cho bà con.
Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 5.039 ha, riêng huyện Phụng Hiệp có 4.725 ha. Trong đó, giống mía chín sớm ROC 16 chiếm diện tích khoảng 60%, còn lại là các giống KK3, K88-92, VĐ 86-368, Pháp vàng...
Đến nay, diện tích mía được nông dân thu hoạch sớm để bán mía chục là 590 ha (chủ yếu giống ROC 16), năng suất bình quân đạt 105 tấn/ha, giá bán dao động từ 1.000-1.600 đồng/kg, tùy theo đường vận chuyển và chất lượng mía.