Ngành than vẫn “đen"
Từ vị thế của nhà xuất khẩu than, ngành công nghiệp than Việt Nam nay phải nhập khẩuvới số lượng lớn và nếu không điều chỉnh kịp thời, nó sẽ đối mặt với thua lỗ kéo dài và nguy cơ xóa sổ.
Ở thời kỳ hoàng kim, giai đoạn năm 2006-2011, ngành than được coi là niềm tự hào của nền kinh tế vì trung bình mỗi năm xuất đi khoảng 21 triệu tấn than. Nhưng 2 năm gần đây, ngành than đã đảo ngược tình thế và trở thành ngành nhập khẩu với số lượng tăng nhanh chóng mặt. Theo Bộ Công Thương, bắt đầu từ năm 2016, ngành than phải nhập khẩu khoảng 3,1 triệu tấn.
Nhưng theo số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 9, Việt Nam nhập khẩu than đá gấp 3 lần với sản lượng đạt 10,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 629,5 triệu USD. Dự báo tỉ lệ nhập khẩu than sẽ còn tăng cao hơn nữa, năm 2020 khoảng 35 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn. Thực tế, tính đến giữa năm nay, Việt Nam đang tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được nhưng vì giá cao hơn từ 5-10% so với các nước khác nên phải nhập khẩu.
Trong 18 doanh nghiệp nhập khẩu than, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đơn vị nhập khẩu nhiều nhất với hơn 300.000 tấn. Những năm trước, Trung Quốc phải nhập khẩu than của Việt Nam thì nay Trung Quốc, Úc, Nga và Indonesia... đều là những nước xuất khẩu than cho Việt Nam với số lượng lớn. Trong đó, than từ Indonesia có chất lượng và giá thấp nhất 44 USD/tấn, tiếp đến là Nga, Úc với giá khoảng 64 USD/tấn và than nhập từ Trung Quốc có mức giá cao nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV, những năm trước, thế giới sản xuất được khoảng 6 tỉ tấn than nhưng đến nay đã sản xuất 7 tỉ tấn. Trong khi nguồn cung tăng thì nguồn năng lượng thay thế như dầu khí, năng lượng gió, năng lượng mặt trời có xu hướng giảm giá dần. Vì thế, than là mặt hàng ngày càng giảm giá không phanh và nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Việt Nam trung bình tiêu thụ trên 50 triệu tấn nhưng từ năm 2014 đã giảm còn 38 triệu tấn.
Không chỉ có TKV mà nhiều doanh nghiệp than cũng trong vòng xoáy sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Tình hình kinh doanh của TKV vẫn liên tục lao dốc. Năm 2012, Tập đoàn lãi gần 2.600 tỉ đồng, sang năm 2015, bất ngờ sụt mạnh xuống 473 tỉ đồng. Tính đến 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm hơn 3.000 tỉ đồng, lợi nhuận của Tập đoàn đạt chưa tới 200 tỉ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ.
Theo số liệu trên sàn chứng khoán năm 2015, trong 8 doanh nghiệp than trên sàn, có đến 6 doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận, mức giảm trung bình lên đến 45% so với trước đó. Chỉ có hai doanh nghiệp than Cao Sơn và Hà Lầm có lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Tính đến quý II năm nay, ngoài Than Núi Béo vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng, các doanh nghiệp than như Vàng Danh, Mông Dương, Đèo Nai đều báo lỗ. Trong khi đó, Hà Lầm, Hà Tu, Cao Sơn và Cọc Sáu đều có kết quả kinh doanh không như mong đợi. Theo giải thích của TKV, ngành than lao đao là vì một số ngành tiêu thụ than cũng gặp khó, như một số doanh nghiệp ngành đạm không bán được sản phẩm, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm, nhiều nhà máy xi măng trong nước quay ra nhập khẩu than 100%. Than là nguyên liệu quan trọng của một số ngành và là nguồn cung cấp năng lượng cho các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện gang thép, nhà máy xi măng... Vì thế, dù ngành than trong nước giá cao và ngừng khai thác thì Việt Nam sẽ vẫn phải nhập khẩu than.
Tính đến giữa năm nay, Việt Nam đang tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được. Ảnh: ndh.vn
Than đá hiện nay trở thành “tội đồ” gây biến đổi khí hậu. Chính vì thế, than đá một thời được coi là “vàng đen” nay bị lên án và xếp vào nguồn năng lượng bẩn cần loại bỏ. Thế giới coi “kỷ nguyên than đá” những năm đầu thế kỷ XXI đã kết thúc. Nhiều nước đã chuyển hướng sang các loại nhiên liệu sạch hơn nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về những nguồn năng lượng thay thế mà vẫn phụ thuộc vào than đá. Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 46 nhà máy điện chạy than với tổng trữ lượng than tiêu thụ 77 triệu tấn than, trong đó có khoảng 25 nhà máy sẽ sử dụng than trong nước với khối lượng 29 triệu tấn/năm và 21 nhà máy sẽ sử dụng than nhập khẩu với tổng khối lượng lên tới 48 triệu tấn/năm.
Cũng phải nói thêm, nguồn than trong nước sẽ còn tăng cao hơn nữa khi vào năm 2018, các dự án Nhiệt điện Thái Bình 1 và Thái Bình 2 sẽ tăng hết công suất và sẽ cần thêm khoảng 4 triệu tấn than. Đến năm 2019, nhà máy Vĩnh Tân 2 cũng cần thêm 4 triệu tấn than nữa. Như thế, nhu cầu sử dụng than ngày càng tăng và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu than cho điện sẽ còn tăng hơn gấp đôi.
Nhưng ngành than trong nước không đáp ứng được nhu cầu này vì giá thành và nguồn nguyên liệu than ngày càng khó khai thác. Hiện nay, giá than trong nước vẫn còn thấp hơn giá thành. Nhà nước đã tăng giá than bán cho ngành điện lên 2 lần nhưng cũng chỉ đạt từ 70-83% so với giá thành. Giá bán cho các nơi tiêu thụ khác như xi măng, hóa chất, sắt thép, vật liệu xây dựng… cũng đều thấp hơn giá thành. Điều đó dẫn đến ngành than sẽ bị lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ngành than hiện nay được xếp vào ngành khó khai thác và gây ô nhiễm môi trường nên không được Nhà nước ưu tiên. Điều kiện khai thác cũng ngày càng khó khăn do các mỏ lộ thiên đã cạn kiệt, chỉ còn lại 2 mỏ Na Dương và Khánh Hòa. Mỏ Na Dương có tỉ lệ lưu huỳnh cao chỉ phục vụ cho nhà máy nhiệt điện Na Dương không xuất, bán được. Còn mỏ Khánh Hòa có sản lượng, trữ lượng lại quá thấp, muốn khai thác lại phải có hệ số bóc đất đá cao hơn các mỏ khác. Số còn lại là hầm lò, điều kiện khai thác vô cùng khó khăn đã xuống mức khai thác sâu đến 400-500 m, áp lực mỏ lớn, nguy cơ bục nước, cháy, nổ, sập lò cao hơn.
Ngành than không được ưu đãi mà còn bị áp nhiều loại thuế do ảnh hưởng đến môi trường. Cũng chính vì phí và thuế cao nên ngành than gặp trở ngại trong việc hạch toán giá thành. Trong điều kiện sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm, giá bán than thấp và giá xuất khẩu giảm, thì ngược lại, các chính sách thuế, phí đối với ngành than ngày càng tăng cao. Ví dụ, ngoài các loại thuế như thu nhập doanh nghiệp, thuế đất… ngành than còn chịu thuế tài nguyên môi trường như hầm lò tăng lên 5%, lộ thiên tăng từ 5% lên 7%. Mới đây, ngày 1.7, thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13%, trong khi thuế nhập khẩu hiện nay 0%.
Hiện nay, nhiều nhà máy và doanh nghiệp trong nước đang tìm nguồn nhập khẩu than giá rẻ thay vì mua than trong nước giá cao. Chẳng hạn, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 tại Trà Vinh sắp đi vào hoạt động sẽ nhập khẩu than giá rẻ từ Indonesia, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Bình Thuận cũng nhập khẩu than… Với mức tiêu thụ và nhu cầu sử dụng than vẫn còn tăng cao, chắc chắn thời gian tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu. Ở thế độc quyền, TKV bắt buộc phải tham gia theo cơ chế thị trường. Với mức giá bán ngày cao như hiện nay, TKV sẽ phải thay đổi hoặc trở thành tập đoàn nhập khẩu than chứ không còn là tập đoàn khai thác than nữa.
Theo Mai Hân
Nhịp cầu đầu tư