Ngành nhôm Trung Quốc rối bời sau cuộc đảo chính ở 'cường quốc khoáng sản' Guinea
Cuối tuần trước, một nhóm quân đội tại Guinea đã nổi dậy, tuyên bố giải tán chính phủ và áp lệnh giới nghiêm từ 20h ngày 5/9. Hiện chưa rõ số phận Tổng thống Guinea, ông Alpha Conde ra sao. Theo một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, ông Conde đã bị các binh sĩ đảo chính bao vây.
Sau cuộc đảo chính tại Guinea, quốc gia Tây Phi được mệnh danh là "cường quốc khoáng sản" của thế giới, giá nhôm đã leo lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Cuộc chính biến ở Guinea đang đe dọa tham vọng kiểm soát giá nhôm của Bắc Kinh.
Guinea liên quan gì đến ngành nhôm Trung Quốc?
Điều này liên quan đến bauxite, một loại quặng màu đỏ cần phải được xử lý chuyên sâu để trở thành kim loại nhôm sáng bóng dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất lon đồ uống.
Trước năm 2015, Guinea hoàn toàn không có dấu ấn trong ngành công nghiệp nhôm thế giới. Sau cột mốc đó, quốc gia Tây Phi mới nổi lên như một nhà khai thác bauxite quan trọng và gần như toàn bộ nguồn hàng xuất khẩu của nước này đều được xuất sang Trung Quốc.
Hiện tại, Guinea là nhà cung ứng quặng bauxite hàng đầu của đất nước tỷ dân, chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp nội địa. Xếp sau Guinea là một đối tác thương mại lâu năm của Trung Quốc, Australia.
Theo Bloomberg, nguồn cung bauxite giá rẻ, chất lượng cao của Guinea đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế dẫn đầu toàn cầu về sản lượng nhôm. Song, việc này cũng khiến thị trường nhôm thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn nếu đất nước Tây Phi gặp chính biến.
Tỷ phú người Nga Oleg Deripaska hay còn được gọi là "vua nhôm" cho biết khoảng 20% sản lượng nhôm trên thế giới có nguồn gốc từ nguyên liệu thô của Guinea.
Tại sao giá nhôm lại tăng?
Kết quả của nỗ lực đảo chính đến nay chưa rõ ràng, nhưng cuộc chính biến vẫn là một bài kiểm tra cho chuỗi cung ứng tương đối mới này. Bloomberg cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc một loạt khả năng, từ kịch bản chuyển giao quyền lực hòa bình ở thủ đô Conakry đến nguy cơ bất ổn có thể làm gián đoạn nguồn cung bauxite.
Bất kỳ sự đứt đoạn nào cũng kéo giá nguyên liệu thô lên cao hơn, làm tăng chi phí cho ngành nhôm Trung Quốc giữa lúc các doanh nghiệp đã phải chịu áp lực từ việc giá điện tăng cũng như những chính sách trấn áp của Bắc Kinh đối với các ngành gây ô nhiễm.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg cách đây hai năm, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc đã từng cảnh báo rằng đất nước tỷ dân đang quá phụ thuộc vào Guinea.
Ai thắng, ai bại?
Doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất trong phiên giao dịch hôm 6/9 là China Hongqiao Group, công ty ngành nhôm rất được công chúng quan tâm và cũng là người tiên phong mua quặng bauxite của Guinea.
Báo cáo thường niên năm 2020 của China Hongqiao cho biết, công ty "vẫn tiếp tục nhập khẩu quặng bauxite" từ Guinea ở mức 50 triệu tấn/năm. Tổng nhập khẩu quặng bauxite của Trung Quốc năm ngoái là 111 triệu tấn.
Ngược lại, các doanh nghiệp hưởng lợi lớn là các nhà sản xuất nhôm bên ngoài Trung Quốc. Cổ phiếu của United Co. Rusal International của Nga, công ty lớn nhất trong nhóm này, đã tăng gần 15% lên mức cao nhất kể từ năm 2012.
Tập đoàn Alumina của Australia cũng chứng kiến cổ phiếu bật tăng tới 9% khi nhà đầu tư đặt cược rằng Trung Quốc sẽ cần phải tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thô từ các thị trường khác.
Các lựa chọn thay thế của Trung Quốc là gì?
Hoạt động thương mại bauxite chỉ tập trung ở một số nước, trong đó Guinea, Australia và Indonesia chiếm 99% lượng mua của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là đất nước tỷ dân có rất ít lựa chọn thay thế nếu đơn hàng từ Guinea bị gián đoạn.
Indonesia từng là nhà cung ứng quặng bauxite lớn nhất của Trung Quốc, trước tạm dừng ba năm kể từ năm 2014 khi quốc gia Đông Nam Á ban hành lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô. Hiện tại, các hạn chế vẫn còn duy trì dù lệnh cấm đã được nới lỏng.
Xuất khẩu bauxite của Australia sang Trung Quốc cho đến nay vẫn còn tương đối trắc trở sau rạn nứt ngoại giao giữa Bắc Kinh và Canberra vào năm ngoái. Ngoài bauxite, các lô hàng than đá, rượu vang, thịt bò, tôm hùm,… của Australia đến thị trường tỷ dân cũng bị đứt đoạn.
Trung Quốc còn có thể mất thêm
Guinea cũng là quê hương của Simandou, một dự án quặng sắt khổng lồ chưa được hoàn thiện do tập đoàn khai khoáng Rio Tinto Group và ông lớn ngành thép Trung Quốc Baowu Steel Group hậu thuẫn.
Trung Quốc coi Simandou là một món hời, có thể giúp nước này giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung quặng sắt của Brazil và Australia. Trong tương lai, Bắc Kinh chắc chắn sẽ theo dõi sát diễn biến môi trường đầu tư ở Conakry.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/