|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Mỹ - Trung tranh nhau gom hàng, giá nhôm chạm đỉnh 10 năm

07:35 | 31/08/2021
Chia sẻ
Giá nhôm đang chạm đỉnh 10 năm khi doanh nghiệp từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu cạnh tranh nhau mua hàng để phục vụ việc sản xuất lon nước giải khát, máy bay và xây dựng tại quê nhà.

Giá nhôm chạm đỉnh

Giá nhôm giao sau trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) đã tăng hơn 30% trong năm nay lên khoảng 2.650 USD/tấn, chạm mức đỉnh 10 năm. 

Hiện tại, giá của kim loại này đã phục hồi gần 80% so với mức thấp vào tháng 5 năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không và vận tải, những ngành tiêu thụ nhiều nhôm.

Theo Wall Street Journal (WSJ), giá nhôm tăng nóng đang giúp vực dậy hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất từng phải vật lộn với tình trạng dư thừa nguồn cung, vốn xảy ra từ trước khi COVID-19 xuất hiện.

Cổ phiếu của tập đoàn Alcoa (trụ sở tại bang Pennsylvania, Mỹ) đã nhảy vọt hơn 90% trong năm nay, vượt xa mức tăng trưởng trung bình 20% của chỉ số S&P 500. Cổ phiếu của ông lớn Norsk Hydro (trụ sở tại Na Uy) cũng tăng hơn 50%.

Doanh nghiệp Mỹ - Trung tranh nhau gom hàng, giá nhôm chạm đỉnh 10 năm - Ảnh 1.

Các công ty như hãng nước uống tăng lực Monster Beverage (trụ sở tại California) lại đang chịu ảnh hưởng vì giá nhôm chạm đỉnh 10 năm. Monster phải dốc sức tìm thêm nguồn cung cấp lon từ Mỹ, Nam Mỹ và châu Á.

Hồi đầu tháng 8, ban giám đốc của Monster cho biết hãng vừa đạt được thỏa thuận với hai nhà cung ứng lon tại Mỹ. Ông Hilton Schlosberg, đồng CEO của công ty nước tăng lực này, cho biết: "Chúng tôi đang trải qua tình cảnh chưa bao giờ có. Tôi đã ở trong ngành này nhiều năm nhưng chưa khi nào thấy giá nhôm leo cao đến vậy".

Bối cảnh hoàn hảo để giá nhôm tăng nóng

Trên thực tế, thế giới có thể xoay xở đủ nguồn cung nhôm, theo WSJ. Song, vấn đề là phần lớn dự trữ đang ở châu Á và khách hàng ở Mỹ cũng như châu Âu rất khó tiếp cận nguồn hàng.

Ông Roy Harvey, CEO của hãng sản xuất nhôm Alcoa, cho biết: "Nguồn cung nhôm ở Bắc Mỹ đang bị khan hiếm".

Các cửa ngõ giao thương lớn của phương Tây với châu Á như hai cảng Long Beach và Los Angeles đang kẹt cứng tàu biển, khi mà doanh nghiệp hối hả đặt hàng để bổ sung tồn kho và kịp chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt container vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, kéo cước vận tải biển không ngừng tăng cao.

Ngoài ra, dòng chảy thương mại đảo chiều cũng gây ảnh hưởng đến nguồn cung nhôm tại phương Tây, nhà phân tích Colin Hamilton của BMO Capital Markets thông tin. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu ròng nhôm hợp kim và nhôm sơ cấp.

Điều đó đồng nghĩa rằng, các khách hàng ở Mỹ và châu Âu phải cạnh tranh mua nhôm với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ở diễn biến khác, các kho dự trữ nhôm của LME đã chuyển từ những địa điểm như Rotterdam (Hà Lan) sang Malaysia, giúp Trung Quốc dễ dàng thâu tóm nguồn cung hơn.

Ban đầu, Trung Quốc chỉ nhân cơ hội giá nhôm rớt mạnh khi đại dịch mới bùng phát để gom hàng, ông Hamilton nói. Tuy nhiên, nhà phân tích này dự đoán đất nước tỷ dân sẽ tiếp tục nhập khẩu nhôm trong vài năm tới để phục vụ cho các dự án năng lượng sạch trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp Mỹ - Trung tranh nhau gom hàng, giá nhôm chạm đỉnh 10 năm - Ảnh 2.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu bật tăng, sản lượng nhôm lại không theo kịp, một phần là do các nhà sản xuất tại Trung Quốc thiếu điện phục vụ sản xuất. Các lò luyện kim ở Vân Nam, Quảng Tây và một số tỉnh khác đang hoạt động dưới mức công suất bình thường.

Không dừng lại ở đó, giá nhôm trên sàn LME còn đang phải chịu một khoản phí bổ sung do cước vận tải, thuế quan và các chi phí khắc tăng lên. Khách hàng tại vùng trung tây nước Mỹ gần đây phải trả thêm khoảng 761 USD cho mỗi tấn nhôm, mức cao nhất trên Sàn Giao dịch Liên lục địa (ICE) kể từ năm 2012.

Nga, một trong những nhà xuất khẩu nhôm lớn nhất thế giới, đã áp thuế xuất khẩu nhôm trong tháng 8. Do đó, mức phí bổ sung ở Mỹ và châu Âu cũng đi lên.

Cuối cùng, một lượng nhôm khác vẫn đang bị kẹt trong các giao dịch mà nhà đầu tư, ngân hàng và công ty thương mại thỏa thuận với nhau vào năm ngoái, chiến lược gia Wenyu Yao của ING Groep cho hay. Điều này khiến nguồn cung nhôm ngoài thị trường thêm khan hiếm.

Các thỏa thuận trên có liên quan tới việc thu mua nhôm, trữ hàng trong kho và bán hàng trên thị trường giao sau. Các bên tham gia đã có lãi khi cung vượt cầu và lãi suất giảm mạnh vào đầu năm 2021.

Khả Nhân