|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành năng lượng Trung Đông dự kiến đón nhận 1.000 tỉ USD đầu tư trong 5 năm

08:37 | 25/04/2019
Chia sẻ
Theo nghiên cứu mới, ngành năng lượng ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ tích lũy được gần 1.000 tỉ USD giá trị tiền đầu tư trong 5 năm tới, khi các nước phát triển năng lực năng lượng và xoay vòng cho năng lượng tái tạo. 

Tập đoàn Đầu tư Dầu khí Arab (Apicorp), một ngân hàng phát triển đa phương với tổng tài sản khoảng 7 tỉ USD, cung cấp một ước tính hàng năm cho cả các khoản đầu tư theo kế hoạch và cam kết trong giai đoạn 2019 - 2023.

"Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng trong tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực năng lượng", Giám đốc điều hành của Ahmed Apicorp, Ahmed Attiga nói với CNBC.

Tập đoàn này cho biết các khoản đầu tư theo kế hoạch chiếm phần lớn chi tiêu ở mức 613 tỉ USD trong khi các khoản đầu tư cam kết nhận phần còn lại.

Ngành năng lượng Trung Đông dự kiến đón nhận 1.000 tỉ USD đầu tư trong 5 năm - Ảnh 1.

Ảnh: CNBC.

Dầu vẫn là nhân tố chính, nhưng khí đốt đang gia tăng

Ngành năng lượng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư, đạt 348 tỉ USD. Trong đó, 90 tỉ USD là của các dự án đang được thực hiện. 

"Ngành điện năng đang thực sự cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đây là kết quả trực tiếp của các quốc gia trong khu vực về đa dạng hóa các loại năng lượng của họ và cũng cố gắng dựa vào năng lượng tái tạo như một nguồn năng lượng chính", ông Att Attiga nói. 

"Hầu hết quốc gia trong khu vực đều quyết tâm thực hiện chuyển đổi năng lượng mà không quan tâm tới biến động của giá dầu", ông nói thêm. 

Báo cáo cho biết trường hợp chuyển đổi từ dầu sang khí đốt và năng lượng tái tạo duy trì mạnh mẽ tại các quốc gia có trữ lượng khí lớn, như Arab Saudi và Iraq, hoặc nơi mà tỉ lệ chất lỏng trong sản xuất điện vẫnđáng kể. 

Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực khí đốt sẽ lên tới 186 tỉ USD trong 5 năm, gồm 87 tỉ USD đầu tư cam kết. 

Mặc dù vậy, lĩnh vực dầu mỏ (thượng nguồn, trung lưu và lọc dầu) vẫn là động lực đầu tư quan trọng ở mức 304 tỷ USD, trong đó các khoản đầu tư cam kết chiếm dưới 50% (tương đương 138 tỉ USD).

Arab Saudi giữ vị trí trung tâm trong khu vực

Arab Saudi có các khoản đầu tư theo kế hoạch và cam kết lớn nhất trong trung hạn, trị giá hơn 140 tỉ USD, khi quốc gia này tìm cách đưa năng lượng tái tạo và có thể năng lượng hạt nhân trở thành trở thành một nhân tố lớn hơn trong hỗn hợp cung ứng.

Iraq đứng thứ hai sau Arab Saudi về các khoản đầu tư đã cam kết và có kế hoạch, theo sau là Iran, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). UAE là quốc gia duy nhất trong GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) có các khoản đầu tư cam kết hàng năm, với các khoản đầu tư dầu thượng nguồn dự kiến đạt 20 tỉ USD.

Ngoại trừ Lebanon, tất cả nhà nhập khẩu ròng trong khu vực đều ghi nhận tăng trưởng hàng năm trong triển vọng đầu tư 5 năm của họ, với Jordan, Iraq và Tunisia đạt mức tăng phần trăm lớn nhất.

Nguồn của các khoản đầu tư năng lượng

Mặc dù số liệu ngày càng tăng, báo cáo cho biết tỉ lệ chuyển đổi từ các khoản đầu tư theo kế hoạch sang cam kết là khá thấp, do sự không chắc chắn mới về tăng trưởng và giá dầu.

Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư phi chính phủ đang tăng lên, đặc biệt là ở các quốc gia có dự trữ tài chính yếu hơn hoặc tỉ trọng cao hơn trong các dự án ngành điện. 

"Chính phủ không còn phải gánh các khoản đầu tư khổng lồ này, thay vào đó là vai trò của khu vực tư nhân và chúng tôi nghĩ đây là một sự phát triển rất tốt", ông Attiga nói thêm.

Lyly Cao