Thị trường dầu - quân cờ của Tổng thống Trump
Không để mất mặt trước Iran, hay không mất lòng đối tác
Washington đang gây áp lực buộc Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân và ngừng ủng hộ các đội quân trên khắp Trung Đông, bằng chiến dịch gia tăng áp lực kinh tế tối đa đối với quốc gia này và thông qua các lệnh trừng phạt, cuối cùng, nhằm ngăn chặn xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông và từ đó bóp nghẹt nguồn doanh thu chính của Tehran.
Mặc dù vậy, Washington cũng đã cấp miễn trừ cho 8 nền kinh tế, đã giảm thu mua dầu Iran, cho phép họ tiếp tục nhập khẩu mà không phải chịu lệnh trừng phạt trong thêm 6 tháng. Các nền kinh tế này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.
Điều này đã giúp xuất khẩu dầu của Iran phục hồi trong những tháng qua và không phải kết quả Mỹ mong muốn.
Dữ liệu từ TankerTrackers, sử dụng hình ảnh vệ tinh và tín hiệu để theo dõi các chuyến hàng dầu, cho thấy trong tháng 3, Iran đã xuất khẩu 1,9 triệu thùng mỗi ngày, bao gồm 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 500.000 thùng khí ngưng tụ mỗi ngày. Khí ngưng tụ là một loại dầu siêu nhẹ được một số nhà máy lọc dầu đánh giá cao.
Ảnh: Bloomberg.
Trước khi ông Trump phải ra quyết định có nên gia hạn miễn trừ cho 8 quốc gia hay không, hôm 17/4, Frank Fannon, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Năng lượng Mỹ, đã lặp lại quan điểm của chính quyền Washington rằng mục tiêu của họ là đưa xuất khẩu dầu Iran xuống 0 càng nhanh càng tốt.
Và dù thị trường dầu đang có dấu hiệu thắt chặt cũng không thể ngăn chặn chính quyền ông Trump đưa ra quyết định cứng rắn của mình.
"Chúng tôi sẽ không miễn trừ nữa", Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết khi tuyên bố việc miễn trừ lệnh trừng phạt hiện tại đối với 5 quốc gia sẽ hết hạn vào ngày 2/5, dọn đường cho các hình phạt kinh tế của Mỹ đối với tất cả công ty hoặc tổ chức tài chính tiếp tục tham gia giao dịch liên quan đến mua dầu Iran.
Quyết định ngăn chặn 5 khánh hàng lớn nhất của Iran mua dầu là một đòn giáng mạnh đối với phao cứu sinh của chính quyền Tehran – 1 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày, với một nửa trong số đó được vận chuyển tới Trung Quốc.
Việc không gia hạn lệnh miễn trừ cũng tác động tới Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - các quốc gia có thương mại lớn, đồng thời là đối tác với Mỹ về vấn đề an ninh và ngoại giao lớn không liên quan đến Iran.
Trung Quốc ngay lập phản đối tuyên bố này, mặc dù các nhà phân tích cho biết cả Bắc Kinh và Washington sẽ cẩn trọng không gây rủi ro cho các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên.
"Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ", ông Geng Shuang, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho hay. "Chính phủ cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Trung Quốc là người mua dầu lớn nhất của Iran và đã tăng lượng mua trong năm nay, đi ngược với yêu cầu của chính quyền ông Trump rằng sẽ dần đưa nhập khẩu về 0.
Các chuyên gia phân tích nhận định lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ trở thành thử thách lớn đối với mối quan hệ Mỹ - Trung.
Giá dầu đạt mức cao nhất trong 2019
Ngay sau tuyên bố từ chính quyền Washington, giá dầu thô đã chạm đỉnh gần 6 tháng trong phiên giao dịch ngày 23/4 vì lo ngại về nguồn cung gia tăng.
Cụ thể, giá dầu thô Brent chốt phiên ở mức 74,51 USD/thùng; còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ghi nhận ở mức 66,3 USD/thùng.
Đây có lẽ là điều Tổng thống Trump không muốn nhìn thấy nhất khi việc hạ giá dầu xuống thấp có thể trở thành chủ đề chính trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Trump.
Trước đó, tại những thời điểm giá dầu tăng cao, ông Trump đã công khai chỉ trích Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh về thỏa thuận giảm sản lượng để cân bằng lại thị trường dầu.
Cuối tháng 3, ông Trump một lần nữa kêu gọi OPEC tăng sản xuất để hạ giá dầu.
"Việc OPEC tăng sản lượng dầu là rất quan trọng. Thị trường thế giới rất mong manh, mà giá dầu đang quá cao. Cảm ơn!", ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân.
Ngay sau đăng tải của ông Trump, giá dầu thô WTI của Mỹ đã giảm hơn 1 USD xuống 58,33 USD/thùng và giá dầu thô Brent giảm hơn 1 USD xuống mức thấp trong phiên ngày 28/3 ở 66,76 USD/thùng.
OPEC cho biết thỏa thuận giảm nguồn cung của tổ chức và sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela và Iran đã đẩy thị trường dầu rơi vào tỉnh trạng thâm hụt, với nguồn cung đang ở dưới mức nhu cầu ước tính của tổ chức đối với dầu thô.
Trong khi đó, dù ông Trump đặt niềm tin vào việc Arab Saudi sẽ tăng sản xuất để bù đắp vào phần sụt giảm từ Iran, mới đây hôm 24/4, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih cho biết, ông thấy rằng không cần phải tăng sản lượng dầu ngay sau khi Mỹ chấm dứt miễn trừ cho người mua dầu thô Iran.
Ông nhấn mạnh Arab Saudi sẽ vẫn tập trung vào việc cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ông Falih nói thêm ông được dẫn dẵn bởi các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ, chứ không phải giá cả và sự gia tăng của lượng dầu dự trữ toàn cầu.
Giá dầu tăng cao sẽ là "ngôi sao băng" cho các quốc gia xuất khẩu dầu lớn, nhưng là "sao chổi" đối với những nhà tiêu thụ dầu lớn và người tiêu dùng toàn cầu.