Ngành dệt may 'bắt tay' doanh nghiệp cảng lên kế hoạch logistics năm 2022
Năm 2020, Việt Nam vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới với trị giá 29 tỷ USD. Do đó, sản lượng hàng hóa của ngành hàng thông qua hệ thống cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) rất lớn, theo Tạp chí Hải quan.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy khiến ngành dệt may khó đảm bảo giao nhận đơn hàng đúng hạn vì thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu và kẹt cảng.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) đánh giá, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP… mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường.
Tuy nhiên, chi phí logistics lại trở thành rào cản khiến cho doanh nghiệp không thể tận dụng được các FTA.
Cụ thể, khi dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp dệt may liên tục giao hàng chậm vì các cảng biển, sân bay hạn chế ra vào dẫn tới việc thông thương hàng hóa khó khăn, thiếu lực lượng bốc xếp.
"Nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không, khiến cho chi phí bị đội lên rất nhiều.
Có trường hợp một doanh nghiệp đã phải tốn chi phí lên tới 1,8 triệu USD để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không" – bà Mai cho biết.
Sau khi các tỉnh thích ứng với COVID-19 với tâm thế mới, tình hình bốc xếp hàng hóa tại cảng được cải thiện nhưng việc thiếu container rỗng vẫn tiếp diễn, cước vận tải tăng cao hơn.
Trước thực trạng này, đại diện Vitas khuyến cáo doanh nghiệp cần lên kế hoạch sử dụng nhà chung cấp đa nhiệm, vận hành tinh gọn và chỉ sử dụng một nền tảng quản lý và xem xét các dịch vụ thuê ngoài. Đồng thời, luôn có phương án dự phòng cho các tình huống bất khả kháng.
Theo khảo sát của SNP với 50 doanh nghiệp dệt may lớn về kế hoạch năm 2022, 64% doanh nghiệp dự báo sản lượng tăng 10-30% so với năm 2021; 26% doanh nghiệp dự báo sản lượng ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ 5%; số còn lại đưa ra dự báo giảm.
Để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics, SNP kết nối cơ sở ICD Tân cảng Long Bình và ICD Tân cảng Nhơn Trạch với khu vực Cái Mép.
Đồng thời, kết nối ICD Tân cảng Long Bình với khu vực cảng Cái Mép, hiện có 3 hãng tàu hạ container rỗng tại đây là Hapag Lloyd, Cosco và Yangming.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Giám đốc Marketing của SNP cho biết: "Với xu hướng doanh nghiệp kết nối trực tiếp hàng đi Mỹ, EU qua khu vực Cái Mép thì ICD Long Bình, ICD Nhơn Trạch là một trong những giải pháp giúp kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, những doanh nghiệp nằm gần ICD Tân Cảng Long Bình có thể tiết giảm 20-30% chi phí vận chuyển so với việc doanh nghiệp trực tiếp ra Cái Mép để lấy container rỗng về nhà máy đóng hàng rồi chuyển về Cái Mép".
Ngoài ra, SNP cũng triển khai giải pháp khai thác và quản lý kho hàng theo chuỗi cung ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho mặt hàng dệt may và phương thức quản lý hiện đại.
Các ICD cũng có thể quản lý đơn hàng và phân phối đơn hàng đến tận nhà máy theo yêu cầu của khách hàng.
Đồng thời, cung cấp giải pháp dịch vụ logistics trọn gói cho doanh nghiệp như book cước, vận chuyển, door to door, dịch vụ hải quan.
Cơ quan hải quan và doanh nghiệp cảng sẽ bố trí khu làm thủ tục riêng, bãi hàng riêng, quy trình làm hàng đặc biệt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.