Nga lệnh cho doanh nghiệp hủy niêm yết ở nước ngoài, hạn chót ngày 5/5
Nỗ lực 30 năm bị đạp đổ
Dù có là mục tiêu bị trừng phạt của phương Tây hay không thì giới tỷ phú Nga cũng đang đối mặt với khó khăn mới sau khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức đặt dấu chấm hết cho việc niêm yết ở nước ngoài của doanh nghiệp Nga.
Ngày 16/4, ông Putin đã ký ban hành một số sửa đổi pháp lý, yêu cầu các công ty Nga hủy niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, kết thúc quá trình được thúc đẩy kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Đến ngày 19/4, ngân hàng trung ương Nga ra thông báo: “Trước ngày 5/5/2022, các nhà phát hành của Nga phải chấm dứt những thỏa thuận phát hành cổ phiếu nước ngoài theo quy định trước đó, cũng như chấm dứt các chương trình chứng chỉ lưu ký".
Giới tài phiệt Nga, bao gồm người đàn ông giàu nhất nước Vladimir Potanin, cùng hai tỷ phú thép Vladimir Lisin và Alexey Mordashov có thể sẽ phải tái cấu trúc mô hình sở hữu tại những doanh nghiệp mà họ kiểm soát. Cấu trúc hiện thời đã giúp những nhà tài phiệt này thu được ngoại tệ qua cổ tức của các cổ phiếu ở nước ngoài.
Ông Anton Zatolokin, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty đầu tư Otkritie Broker, cho biết: “Hầu hết các công ty và cổ đông chủ chốt mà có niêm yết hoặc phát hành chứng chỉ lưu ý ở nước ngoài đều được hưởng lợi lớn từ môi trường tự do tài chính và quan hệ kinh tế với phương Tây. Khi quá trình mất 30 năm để xây dựng này bị phá hủy, doanh nghiệp và các cổ đông lớn sẽ chịu hậu quả trực tiếp lẫn gián tiếp”.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sức ảnh hưởng kinh tế đi lên và sự hội nhập tài chính toàn cầu của Nga cuối thập niên 1990 cho đến những năm 2000 là việc các công ty lớn nhất nước này - MMC Norilsk Nickel và Lukoil – đều đăng ký chương trình chứng chỉ lưu ký tại New York, London và Frankfurt.
Các cuộc IPO ở nước ngoài của doanh nghiệp Nga đạt quy mô đỉnh điểm 17 tỷ USD vào năm 2007, nhưng trong những năm gần đây đã đi xuống. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các vụ IPO chỉ huy động được tổng cộng 6 tỷ USD. Khi đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đã cho thấy doanh nghiệp Nga dễ bị tổn thương như thế nào trên thị trường nước ngoài khi tình hình địa chính trị xấu đi.
Một số tài phiệt Nga đã lợi dụng sự sụt giảm của giá cổ phiếu để tăng cường vị thế. Ông Vagit Alekperov, Chủ tịch hãng dầu khí Lukoil, thường xuyên mua chứng chỉ lưu ký ở nước ngoài trong những năm qua, theo phân tích của Bloomberg.
Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra ngày 24/2, các sàn chứng khoán nước ngoài đã đóng băng việc giao dịch chứng chỉ lưu ký của doanh nghiệp Nga. Phương Tây đã nhắm vào giới tài phiệt, hệ thống ngân hàng và cả kho dự trữ quốc tế của Nga, đồng thời biến các doanh nghiệp niêm yết của Nga thành cổ phiếu penny chỉ trong vài ngày.
Dự luật mà ông Putin ký ban hành cho phép các công ty tiến hành “carve-out” đặc biệt nếu xin phép tiếp tục được giao dịch. “Carve out” là một kiểu tổ chức lại doanh nghiệp, trong đó công ty mẹ bán một số cổ phần của công ty con thông qua IPO, qua đó biến công ty con thành công ty độc lập.
NLMK, một trong những công ty thép lớn nhất của Nga, dự định nộp đơn xin giấy phép chính phủ để duy trì niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu ở London. Trong khi đó, công ty dầu Tatneft thì đang đánh giá các lựa chọn, “bao gồm việc có nên xin giấy phép tương tự hay không”.
Nhà đầu tư quốc tế chịu thiệt
Theo luật mới được sửa đổi, chủ sở hữu nước ngoài của các chứng chỉ lưu ký bị hủy bỏ sẽ được nhận cổ phiếu phổ thông được đặt trong tài khoản của người không cư trú ở Nga.
Kể từ khi mở màn chiến sự ở Ukraine, Moscow đã ban hành lệnh kiểm soát vốn, cấm người nước ngoài bán chứng khoán Nga. Cho đến nay, người nước ngoài vẫn không thể bán cổ phiếu phổ thông của Nga và chuyển số tiền thu được về nước.
Nguồn tin của Reuters cho biết từ trước khi dự luật có hiệu lực, JPMorgan đã bắt đầu cho phép những người nắm giữ chứng chỉ lưu ký của doanh nghiệp Nga hủy bỏ chúng. Citigroup đã khởi động quá trình tương tự với chứng chỉ của tập đoàn kim loại và năng lượng tái tạo En+ Group của tỷ phú Oleg Deripaska.
Tỷ phú Lisin, Chủ tịch công ty thép NLMK có lời bình luận về bộ luật mà ông Putin ban hành trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Kommersant tháng này: “Quyền lợi của những cổ đông tin tưởng vào Nga, đã đầu tư vào thị trường Nga trong nhiều năm cũng như không thể nắm giữ cổ phiếu Nga trực tiếp, đang bị tổn thương. Những người này không dính líu gì đến chính trị, nhưng có nguy cơ rằng quyền tài sản của họ sẽ bị mất”.