|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga đã thực sự né được khủng hoảng kinh tế hay chỉ đang giả vờ?

13:19 | 19/05/2022
Chia sẻ
Nga dường như đẩy lùi một cuộc khủng hoảng tài chính khi đồng ruble phục hồi và dữ liệu kinh tế được cải thiện. Thế nhưng các chiến lược gia Phương Tây cho rằng những con số này che giấu những sự thật xấu xí.

Theo CNBC, mặc dù lạm phát tại Nga vẫn đang ở mức cao, nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng giá đang chậm lạm, đồng thời ruble có cú lộn ngược dòng kỳ diệu, từ mức đáy vào tháng 3 trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất năm nay.

Cùng với đó, các chỉ số về hoạt động kinh tế đang được cải thiện. Nga cũng tránh được vỡ nợ nước ngoài, kể cả khi các biện pháp trừng phạt của Phương Tây đóng băng một nửa dự trữ ngoại hối. Lạm phát so với cùng kỳ năm trước của Nga vào tháng 4 là 17,8%, cao nhất trong vòng hai thập kỷ, đi lên từ mức 16,7% vào tháng 3. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá đang có chiều hướng chậm lại.

 Lạm phát tại Nga trong hai tháng qua ở mức hai con số, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại.

Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng so với tháng liền trước đã giảm mạnh từ 7,6% của tháng 3 xuống chỉ còn 1,6% vào tháng 4, trong khi hàng hóa phi thực phẩm chỉ tăng 0,5% trong tháng 4, so với 11,3% hồi tháng 3.

Mức tăng trong những tháng tới dự kiến sẽ khá khiêm tốn và thị trường ủng hộ Ngân hàng trung ương Nga (CBR) tiếp tục đảo ngược việc tăng lãi suất khẩn cấp, có thể với mức cắt giảm 200 điểm cơ bản vào tháng 6.

CBR thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp từ 9,5% lên 20% vào cuối tháng 2 nhằm giải cứu đồng ruble, vài ngày sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Ngân hàng trung ương Nga kể từ đó đã hạ lãi suất xuống còn 14% khi triển vọng lạm phát và tiền tệ được cải thiện. Capital Economics cho rằng sẽ có những thay đổi về lãi suất trong những tháng tiếp theo.

“Các số liệu về [lạm phát] sẽ hỗ trợ thêm cho đánh giá của CBR rằng giai đoạn cấp bách của cuộc khủng hoảng ở Nga đã qua”, Nhà kinh tế học Liam Peach cho biết. "Có thể giá tiêu dùng tháng 5 tăng ít hơn 1% so với tháng trước và lạm phát toàn phần sẽ duy trì dưới 20% vào cuối năm nay."

Sự bền bỉ của ruble

Lạm phát chậm lại kéo theo sự tăng giá mạnh của đồng ruble, do đó làm giảm giá nhập khẩu. Vào sáng 17/5 ở Châu Âu, ruble được giao dịch ở mức chỉ hơn 62 RUB/USD, so với mức thấp nhất mọi thời đại là 150 RUB/USD vào ngày 7/3.

Ruble là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong năm 2022.

Mặc dù USD đã tăng mạnh nhờ vào vị thế như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy rủi ro, đồng bạc xanh vẫn giảm gần 17% so với ruble.

Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ từ Ngân hàng trung ương của Nga, bao gồm việc ra lệnh cho các công ty chuyển đổi 80% nguồn thu ngoại tệ thành ruble đã giúp hồi sinh đồng tiền ốm yếu. 

Điện Kremlin ban đầu cũng cấm công dân Nga gửi tiền ra nước ngoài. Hiện tại, việc chuyển tiền bị giới hạn ở mức 10.000 USD/tháng đối với cá nhân cho đến cuối năm 2022.

“Nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi sau cú sốc ban đầu vào cuối tháng 2 đầu tháng 3”, nhà kinh tế Clemens Grafe của Goldman cho hay. “Những lo ngại về sự ổn định tài chính đang giảm dần, ruble đã mạnh lên trở lại mức đầu năm 2020”.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà phân tích, các hành động của Moscow để bảo vệ đồng nội tệ tương đương với sự thao túng. Nhu cầu ảo được tạo ra và các biện pháp kiểm soát vốn đã biến ruble thành tiền tệ “được quản lý”.

Ông Charles-Henry Monchau, Giám đốc đầu tư tại Syz Bank, gợi ý rằng CBR đã triển khai một loạt công cụ để làm cho đồng nội tệ trông có giá trị. Tuy nhiên, rất ít người bên ngoài nước Nga “muốn mua một ruble nào trừ khi bắt buộc” và các nhà giao dịch “không còn coi ruble là một loại tiền tệ thương mại tự do”.

Ông nói: “Nếu Nga tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine, với kết quả là các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và khôi phục quan hệ thương mại với Phương Tây, thì ruble có khả năng giữ nguyên giá trị hiện tại”.

“Mặt khác, nếu các biện pháp kiểm soát vốn hiện tại kết thúc mà không có giải pháp khác, ruble có thể sụp đổ, dẫn đến bùng nổ lạm phát trong nước và suy thoái kinh tế sâu sắc ở Nga”.

Nga cũng đã thực hiện một biện pháp khác để củng cố đồng tiền của mình. CBR tiếp tục mua vàng trên thị trường kim loại trong nước sau hai năm vắng bóng, với hy vọng tích trữ giá trị để bảo vệ sự giàu có của Nga trước lạm phát trong trường hợp thanh khoản ngoại hối có thêm cú sốc.

Ông Monchau của Syz Bank cho biết cho biết: “Một động thái mạnh mẽ không được chú ý trên các phương tiện truyền thông phương Tây: Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục mua vàng với mức giá cố định 5.000 ruble/gram từ ngày 28/3 đến ngày 30/6”.

 Nga có nguồn dự trữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới.

Vì vàng được giao dịch bằng USD, ông Monchau lưu ý rằng động thái này cho phép CBR liên kết ruble với vàng và đặt giá sàn tính theo USD. Do đó, ruble lên giá có thể làm tăng giá vàng. Nga đã tích lũy kim loại quý này kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, hiện là kho dự trữ lớn thứ năm trên thế giới.

Động thái thu mua vàng của Ngân hàng trung ương Nga cung cấp sự bảo vệ hơn nữa cho nền kinh tế Nga trước những hạn chế về thanh khoản từ các lệnh trừng phạt và suy giảm dự trữ ngoại tệ để trả các khoản nợ bằng USD.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được theo dõi chặt chẽ cũng đang cho thấy một số cải thiện. Sau khi giảm từ 48,6 điểm trong tháng 2 xuống còn 44,1 vào tháng 3, số liệu của tháng 4 đã tăng lên 48,2 điểm. Chỉ số PMI dưới 50 thể hiện sự sa sút của nền kinh tế.

Theo Goldman Sachs, kết quả này chủ yếu nhờ vào sản lượng được cải thiện và thời gian giao hàng của các nhà cung cấp ngắn hơn.

Ông Grafe của Goldman Sachs lưu ý: “Các điều kiện tài chính của Nga đã được cải thiện chủ yếu nhờ chênh lệch CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) thu hẹp khi Nga trả gốc và lãi cho trái phiếu Châu Âu bằng USD”. 

Nga đã thanh toán thành công cho chủ sở hữu hai trái phiếu chính phủ Nga mệnh giá USD, đáo hạn vào năm 2022 và 2042 với tổng trị giá 650 triệu USD, trước khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày vào ngày 4/5. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra một vụ vỡ nợ tại Nga trong vòng hai năm tới.

Chiến thắng tạm thời

Những sự cải thiện của nền kinh tế đã khiến Tổng thống Nga tuyên bố rằng “cuộc chiến kinh tế” hay “cuộc chiến chớp nhoáng” của Phương Tây đã thất bại.

Tuy Nga dường như đã chống đỡ được sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra, nhưng triển vọng dài hạn lại kém lạc quan hơn, do tác động trực tiếp từ các biện pháp tình thế của Nga hiện nay và mối đe dọa từ những biện pháp trừng phạt tiếp theo.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga với hơn 13.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy nhiều công ty đã gặp khó khăn khi nhập khẩu hàng hóa.

Cuộc khảo sát chỉ ra rằng phụ tùng xe hơi, bao bì và vi mạch, và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đang buộc một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động nhà máy hoặc tìm kiếm nguồn lực ở nơi khác.

Trong khi đó, bà Elina Ribakova, phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, nói với BBC rằng các chỉ số kinh tế "bề ngoài" sẽ không có ý nghĩa gì đối với người dân, khi mà an ninh việc làm vẫn còn khó khăn với nhiều người Nga.

Bà Ribakova nói với Grid News: “Trong năm nay, chúng ta sẽ thấy tác động đối với nền kinh tế Nga khi các công ty bắt đầu cạn kiệt các linh kiện hoặc thiết bị và phải bắt đầu sa thải hoặc cho nhân viên nghỉ việc không lương”.

Minh Quang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.