|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhờ đâu ruble tăng mạnh nhất thế giới mặc cho Phương Tây trừng phạt?

16:07 | 13/05/2022
Chia sẻ
Các biện pháp kiểm soát vốn của Nga đã biến ruble trở thành đồng tiền tăng mạnh nhất trong năm nay. Tuy nhiên, các quốc gia áp dụng những chính sách tương tự lại không đạt được kết quả như mong muốn.

Phục hồi thần kỳ

Theo Bloomberg, sau khi mất gần một nửa giá trị vào tháng 3 do các lệnh trừng phạt của Phương Tây, đồng tiền của Nga đã có một cú phục hồi ngoạn mục, đạt tới mức cao nhất trong vòng hai năm.

Hôm 11/5, đồng ruble tiếp tục đà tăng giá khi sàn giao dịch Moscow mở cửa trở lại sau hai ngày nghỉ lễ. Từ đầu năm đến nay, ruble đã tăng hơn 11% so với USD, vượt qua cả mức 9% của đồng real Brazil. Trên thị trường quốc tế, mức tăng của ruble so với USD còn lên tới 12%. Ruble hiện là đồng tiền tăng tỷ giá mạnh nhất trong 31 loại tiền tệ chính được Bloomberg theo dõi.

Mặc dù đã từng có lúc sụt giảm hơn 90% giá trị so với USD kể từ đầu năm, ruble đã có quá trình phục hồi ngoạn mục.

Thành công của ruble đến từ một loạt các biện pháp được chính phủ Nga triển khai nhằm bảo vệ đồng tiền khỏi các lệnh trừng phạt của Phương Tây. Ngoài việc kiểm soát không cho ngoại tệ chảy ra, Moscow còn bắt các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ và yêu cầu đối tác chi trả khí đốt bằng ruble.

Một số nhà chiến lược Phương Tây đánh giá diễn biến tăng giá của đồng ruble là không ổn định do nhiều cửa hàng giao dịch tiền tệ đã ngừng sử dụng tỷ giá trong nước do có sự chênh lệch lớn với thị trường quốc tế.

Việc ruble trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất, đặc biệt trong thời chiến là điều đáng nể, khi mà các quốc gia sử dụng biện pháp kiểm soát vốn tương tự đều không mang lại kết quả.

Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina cũng áp dụng các chính sách như Moscow, tuy nhiên lira và peso lại hứng chịu kết quả thảm hại, tụt xuống mức thấp lịch sử và không có dấu hiệu phục hồi. Kể từ đầu năm 2022, lira Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 13% so với USD, trong khi peso Argentina mất 12,3%.

Nguyên nhân phục hồi

Hãng tin RT của nhà nước Nga đã phỏng vấn ông Sergey Kopylov, nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế quốc dân Plekhanov để tìm câu trả lời cho sức mạnh của đồng ruble trong những tháng qua.

Theo ông, Phương Tây đã “phá hủy các quy tắc tài chính quốc tế dựa trên hoán đổi vốn, phân bổ lại rủi ro và đảm bảo quyền tài sản và phân bố quyền sở hữu” khi đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga. Những quy tắc trên quyết định tỷ giá hối đoái của ruble, tuy nhiên chúng đã “không còn được áp dụng nữa”.

Ông Kopylov giải thích rằng ruble phục hồi ngoạn mục là do đồng tiền của Nga chỉ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu và được xác định theo ngang giá sức mua (PPP). Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tính theo ngang giá sức mua, một USD tương đương với 29,127 ruble. Theo chỉ số Big Mac, con số này là 23,24 ruble/USD.

Chuyên gia cũng lưu ý rằng trước khi có các lệnh trừng phạt, sự suy yếu của ruble được hỗ trợ bởi dòng vốn chảy ra ngoài nước Nga. Vào năm 2021, xuất khẩu ròng (xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trừ đi nhập khẩu) lên tới 122 tỷ USD. Số tiền thu được từ ngoại hối được sử dụng để mua tài sản nước ngoài.

Ông Kopylov cho biết, thời điểm Phương Tây tung ra các lệnh trừng phạt, dòng chảy này đã bị chặn đứng. Do đó, 58 tỷ USD mà nền kinh tế Nga nhận được trong quý đầu tiên đã "thúc đẩy" làm ruble tăng giá.

Ông Kopylov kết luận: “Đánh giá của các chuyên gia cho thấy trong điều kiện hiện nay, ruble có thể mạnh lên ở mức 45-50 ruble/USD nếu không có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ”.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.