'Ngã ba' chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn
Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này gồm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sự phân kỳ chính sách tiền tệ được thị trường dự báo từ lâu đã trở nên ngày càng rõ ràng hơn.
Châu Âu đối mặt quyết định nhiều khó khăn
Sau khi khiến thị trường bất ngờ với đợt hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 8 năm vào đầu tháng 6, tại cuộc họp ngày 18/7, ECB đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 3,75% như dự báo của thị trường. Bên cạnh đó, ngân hàng này để ngỏ khả năng tiến hành cắt giảm lãi suất lần thứ hai tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín.
ECB đang đối mặt với bài toán nan giải: kìm hãm lạm phát mà không "bóp nghẹt" đà tăng trưởng vốn đã mong manh. Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận chưa thể khẳng định chắc chắn rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể tránh được suy thoái kinh tế, mặc dù có tín hiệu tăng trưởng nhẹ trong quý trước.
Trong ba tháng đầu năm nay, kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã có dấu hiệu phục hồi, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối tăng 0,3% so với quý trước đó và chấm dứt một năm trì trệ.
Tuy nhiên, bà Lagarde đã cảnh báo về rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế tại châu Âu, nhận định 2024 sẽ là một năm tăng trưởng chậm kèm theo bất ổn ngày càng tăng. Chủ tịch ECB nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý II/2024 có thể thấp hơn quý I.
Gây thêm khó khăn cho quyết định lãi suất của ECB là số liệu vừa công bố ngày 31/7 cho thấy lạm phát tại Eurozone bất ngờ tăng trong tháng Bảy. Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá cả tại khu vực này đã tăng 2,6% vào tháng Bảy, cao hơn mức tăng 2,5% của tháng Sáu.
Số liệu trên khiến chặng cuối của nỗ lực hạ nhiệt lạm phát của ECB thêm gập ghềnh. Chuyên gia kinh tế Fabio Balboni của ngân hàng HSBC nhận định đây là một điều bất lợi khi xu hướng giảm lạm phát trong giá hàng hóa đang có dấu hiệu dừng lại, trong khi lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, ông Balboni vẫn dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và tháng 12, dựa trên kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ giảm xuống.
Đối với ECB, ngân hàng trung ương này sẽ có thêm số liệu lạm phát tháng Tám để cân nhắc trước cuộc họp tiếp theo. ECB đã thể hiện rõ quan điểm rằng ngân hàng này sẽ không “lung lay” bởi các số liệu riêng lẻ, mà thay vào đó sẽ tập trung vào xu hướng tổng thể của lạm phát. Chủ tịch Lagarde cũng từng nói rằng hạ lãi suất không phải ưu tiên của ECB trong giai đoạn này.
Mỹ “bật đèn xanh” sẽ cắt giảm lãi suất
Triển vọng lãi suất của Mỹ có phần rõ ràng hơn châu Âu, khi Fed đang bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn nhờ việc lạm phát bắt đầu giảm.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vừa kết thúc vào ngày 31/7, Fed đã lần thứ 8 liên tiếp quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25% - 5,50%, đồng thời lưu ý tình hình lạm phát tiếp tục có một số tiến triển hướng tới mục tiêu 2% của cơ quan này.
Sự sụt giảm đều đặn của lạm phát trong những tháng gần đây đã cho phép các nhà hoạch định chính sách của Fed thêm đồng thuận rằng cuộc chiến lạm phát đã gần kết thúc. Fed đánh giá lạm phát hiện chỉ "tăng nhẹ", một sự thay đổi đáng kể so với đánh giá lạm phát "tăng cao" mà cơ quan này thường xuyên sử dụng trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đánh giá nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc, trong khi tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Fed cũng chuyển từ việc chỉ tập trung chú ý đến "rủi ro lạm phát" sang chú ý "rủi ro đối với nhiệm vụ kép của mình" – gồm duy trì thị trường việc làm phù hợp với giá cả ổn định.
Fed không đưa ra lời cam kết cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, nhắc lại rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2% một cách bền vững trước khi hạ chi phí đi vay. Tuy nhiên, những thay đổi trong tuyên bố chính sách mới nhất của Fed có vẻ phù hợp với niềm tin đó.
Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW đánh giá, Fed đã thực hiện những gì thị trường mong đợi về việc mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất mà không cần cam kết quá mức.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn trong triển vọng vẫn tồn tại và được thể hiện trong phát biểu sau cuộc họp của Chủ tịch Jerome Powell. Ông cho hay mình hình dung một kịch bản bao gồm từ không đến nhiều đợt cắt giảm trong phần còn lại của năm 2024, tùy thuộc vào cách nền kinh tế phát triển.
Triển vọng việc làm tại Mỹ hiện là thông tin quan trọng, với số liệu việc làm cho tháng 7/2024 dự kiến công bố vào ngày 2/8 (giờ địa phương). Thị trường nhận định tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại trong tháng này. Ngoài ra, các số liệu khác công bố ngày 1/8 đã cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần một năm.
Nhật Bản một mình một lối
BoJ đã khiến thị trường bất ngờ vào ngày 31/7 khi thông báo nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% từ mức phạm vi khoảng 0-0,1%. Quyết định sẽ được thực hiện từ ngày 1/8 và trái ngược với xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Fed và ECB.
Động thái này đánh dấu mức lãi suất cao nhất của BoJ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và diễn ra sau khi ngân hàng này chấm dứt chính sách lãi suất âm hồi tháng 3.
Sau thông báo trên, đồng yen tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng so với đồng USD và khép phiên 1/8 ở mức 149,29 yen đổi 1 USD, do động lực mua vào mạnh. Diễn biến này xảy ra sau khi Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát tín hiệu về khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời điểm Fed được cho là đang tiến gần đến việc hạ lãi suất vào tháng Chín tới.
Quyết định trên cho thấy BoJ dường như tự tin vào khả năng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, cùng với việc các doanh nghiệp sẽ tăng lương cho người lao động. Trong báo cáo mới công bố, BoJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống) có thể sẽ tăng lên 2,1% trong tài khóa 2025, cao hơn mức dự báo trước đó là 1,9% và củng cố khả năng BoJ tăng lãi suất cao hơn.
Chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách Hàn Quốc và Nhật Bản tại ngân hàng ING, bà Min Joo Kang cho rằng kịch bản tăng lãi suất vào tháng 10 tới là hoàn toàn khả thi, dù điều này có thể bị trì hoãn đến tháng 12. Theo bà, ngay cả khi BoJ tăng lãi suất lên 0,25%, lãi suất thực tế vẫn sẽ là âm - điều sẽ hỗ trợ việc bình thường hóa chính sách của BoJ.
Hiện tại, các yếu tố trong nước đang đóng vai trò chi phối chính đối với các ngân hàng trung ương, đồng nghĩa tốc độ và quy mô điều chỉnh lãi suất giữa các nền kinh tế sẽ khác nhau. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn đang tìm cách định hình chính sách tiền tệ phù hợp với những thực tế mà chính họ cũng chưa chắn chắn có thể nắm bắt rõ ràng.