|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạ lãi suất vào tháng 9, Fed có nguy cơ làm phật lòng lưỡng đảng Mỹ

08:02 | 02/08/2024
Chia sẻ
Để ngỏ khả năng giảm lãi suất vào tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ gây xáo trộn cuộc bầu cử tổng thống, đụng độ với cả hai đảng lớn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg).

Đối với một ngân hàng trung ương thận trọng luôn muốn đứng ngoài các cuộc đấu đá chính trị như Fed, việc thực hiện một thay đổi chính sách lớn vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống không phải là chuyện dễ dàng.

Cắt giảm lãi suất trước cuộc bầu cử có thể khiến Đảng Cộng hoà và cựu Tổng thống Donald Trump nổi giận, nhưng trì hoãn có thể làm suy yếu nền kinh tế và làm phật lòng Đảng Dân chủ.

Viễn cảnh khó xử này sẽ buộc các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ phải dành những tuần tới để thiết lập kỳ vọng và giải thích lý do đằng sau bất kỳ chuỗi cắt giảm lãi suất nào mà họ có thể khởi xướng tại cuộc họp tiếp theo.

Chủ tịch Jerome Powell đã tiếp tục đặt nền tảng cho một đợt hạ lãi suất vào ngày 31/7, khi ông nhấn mạnh Fed đang rất tập trung để đảm bảo lạm phát đi xuống mà các đợt tăng lãi suất trước đây không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

“Chúng tôi đang rất tập trung vào mục tiêu đó”, ông Powell nhấn mạnh.

Ông phản đối những cáo buộc cho rằng Fed sẽ bị lung lay bởi chính trị.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương này nói: “Chúng tôi không bao giờ sử dụng các công cụ của mình để ủng hộ hoặc phản đối một đảng phái chính trị, chính trị gia hay bất kỳ kết quả chính trị nào”.

“Bất kỳ quyết định nào chúng tôi đưa ra trước, trong hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống đều sẽ dựa trên dữ liệu, triển vọng kinh tế và cán cân rủi ro”, ông một lần nữa nhấn mạnh.

 

Fed hiện giữ lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. Chiến dịch thắt chặt tiền tệ đã giúp áp lực giá đi xuống. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ vào tháng 6.

các động thái của Fed có thể thay đổi hướng đi của nền kinh tế, chúng cũng có thể gián tiếp gây ra biến động chính trị.

Các nhà đầu tư đã kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay, nên thời điểm nới lỏng của các quan chức sẽ không có nhiều tác động tức thì đến thị trường lao động, tăng trưởng và lạm phát.

Tuy nhiên, những người tiêu dùng có nợ thẻ tín dụng và doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ ngắn hạn sẽ không được hưởng lợi cho đến khi Fed hạ lãi suất.

Hơn nữa, những thay đổi về chính sách tiền tệ thường có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng và có thể thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng.

Cho nên, trong bối cảnh thị trường đã kỳ vọng chắc nịch rằng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9, chi phí đi vay có thể tăng và các điều kiện tài chính có nguy cơ thắt chặt nếu Fed không hành động đúng như dự kiến.

Đảng Cộng hoà gây áp lực

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek vào tháng 6, ông Trump cho biết mức lãi suất hiện tại đang gây “khó khăn” cho nền kinh tế. Song, việc hạ lãi suất trước cuộc bầu cử là điều mà các quan chức “biết rằng họ không nên làm”.

Các đồng minh của vị cựu tổng thống đã ra hiệu rằng họ sẽ gây áp lực chính trị lên Chủ tịch Powell nếu ông tiến hành cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Họ lo ngại điều đó có thể thúc đẩy tâm lý cử tri và trao lợi thế về kinh tế cho Đảng Dân chủ.

Ông Michael Faulkender, một nhà kinh tế từng làm việc trong chính quyền ông Trump, nhận xét: “Tác động từ quyết định chính sách tiền tệ sẽ giảm đáng kể nếu Fed đợi đến tháng 11 mới hạ lãi suất”.

Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 17 - 18/9 và cuộc họp sau đó sẽ bắt đầu ngay sau ngày bầu cử 5/11.

Cựu Tổng thống Donald Trump tại Michigan. (Ảnh: Shutterstock).

Ông Faulkender, hiện là kinh tế trưởng tại viện chính sách America First Policy Institute, chia sẻ với Wall Street Journal rằng giảm lãi suất trước cuộc bầu cử sẽ làm hoen ố uy tín của Fed.

Ngay cả khi ông Trump gia tăng áp lực lên ngân hàng trung ương Mỹ, một số đảng viên Cộng hoà nhận định bất kỳ phản ứng gay gắt nào cũng sẽ phai nhạt nếu ông Trump được bầu, vì ông muốn một nền kinh tế mạnh mẽ.

“...ông Trump sẽ nhanh chóng tha thứ cho Fed nếu ông thắng cử và trên thực tế sẽ rất hài lòng khi họ cam kết sẽ giảm lãi suất ngay khi ông nhậm chức”, cố vấn kinh tế Marc Sumerlin của Tổng thống George W. Bush cho biết.

Thuốc đắng của Đảng Dân chủ

Ba năm nước, nhiều đảng viên Dân chủ đã cố gắng thông qua các chương trình chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền ông Biden tại Đồi Capital. Họ dự đoán cho dù giá cả tăng do các gói chi tiêu, tác động sẽ dần tan biến.

Bây giờ, một số người lại lên tiếng cảnh báo rằng chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ không được hưởng lợi từ xu hướng hạ nhiệt mới đây của lạm phát, vì liều thuốc lãi suất của Fed cũng đắng không khác gì lạm phát.

Lãi suất cao hơn khiến người Mỹ khó mua ô tô và nhà ở. Bà Kitty Richards, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: “Lãi suất thực sự khiến những mặt hàng có thể mua được, xét đến mức tăng lương của người lao động, nằm ngoài tầm với của họ”.

Phó Tổng thống Kamala Harris trên đường vận động tranh cử. (Ảnh: WSJ).

Trong vài tuần qua, các cựu quan chức chính quyền ông Biden và một số cựu quan chức Fed đã kêu gọi ngân hàng trung ương nên hạ lãi suất từ bây giờ để ngăn nền kinh tế suy yếu một cách không cần thiết và tăng khả năng hạ cánh mềm.

“Chính sách tài khoá và tiền tệ đã tạo ra sự phục hồi cực kỳ mạnh mẽ. Vạch đích đã ở trong tầm mắt và sẽ thật bi thảm nếu Fed vấp ngã khi còn cách đích chẳng bao xa”, cựu cố vấn Nhà Trắng Bharat Ramamurti nói.

Trong một bức thứ thúc giục ông Powell hạ lãi suất, ba thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cho biết giữ lãi suất ở mức cao là không cần thiết.

Tiền tệ trong quá khứ

Lịch sử cho thấy không có gì bất thường khi Fed thực hiện các thay đổi chính sách quanh thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống.

Chẳng hạn, ngân hàng trung ương Mỹ đã hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 7/1992 và thêm 25 bps vào tháng 9 khi nền kinh tế vật lộn để phục hồi sau suy thoái.

Động thái nới tay vào tháng 7 diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống George H.W. Bush, người đang tìm cách tái đắt cử, kêu gọi Fed giảm lãi suất.

Năm đó, ông Bush thua cuộc và nhiều năm sau, vị cựu tổng thống đổ lỗi cho Chủ tịch Fed lúc bấy giờ là ông Alan Greenspan vì đã giữ lãi suất quá cao.

Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 6/2004 và thắt chặt chính sách tại mọi cuộc họp tiếp theo trong khi Tổng thống George W. Bush phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử gay gắt.

Các quan chức đã hạ lãi suất trong suốt năm 2008 khi thị trường nhà ở chậm lại và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính lớn chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử.

Yên Khê