|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nếu Uber, Grab trốn thuế, sẽ kiến nghị xử lý hình sự

07:23 | 03/03/2017
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội vận tải VN: ​Cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab, nếu không thực hiện sẽ kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế.

Theo đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế, sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab phần lớn do sự lỗi thời của cơ chế và cơ quan quản lý Nhà nước phải sửa đổi chứ không thể bắt Grab hay Uber phải “tụt lại”.

neu uber grab tron thue se kien nghi xu ly hinh su
Uber, Grab đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến taxi truyền thống lao đao.

Giá cước “đè bẹp” taxi truyền thống

Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” mới đây, theo đại diện các đơn vị taxi, mỗi lần muốn thay đổi giá cước đều phải làm thủ tục đăng ký trước 3 ngày và phải giải trình lý do tăng, giảm. Trong khi, xe hợp đồng chạy Grab, Uber được tự do làm giá, không cần đăng ký giải trình. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh taxi ganh tỵ.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình kiến nghị, các xe Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn làn. Nếu thấy không quản lý được thì nên dừng đề án thí điểm, để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và ùn tắc giao thông.

“Đề nghị tạm dừng hoạt động của đề án thí điểm Grab và Uber để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội”, ông Bình nói.

Còn ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, cách tính thuế Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu cho ngành thuế.

Cụ thể, năm 2016, chỉ tính riêng các doanh nghiệp taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế phí. Trong khi thực tế, tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống, vậy với cách tính dành cho Grab, Uber liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền?

neu uber grab tron thue se kien nghi xu ly hinh su
Các hãng taxi truyền thống đang phải gồng mình chạy đua với taxi công nghệ Uber, Grab hiện nay.

“Uber, Grab cũng phải chịu chung mức thuế đang áp dụng với taxi truyền thống. Nếu thuế suất khác nhau thì chắc chắn sẽ có giá cước khác. Taxi truyền thống cũng được áp dụng mức thuế suất như 2 đơn vị trên thì giá cước mềm hơn, sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải sẽ thực sự công bằng. Hiệp hội vận tải kiến nghị thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%”, ông Hỷ nhấn mạnh.

Uber và Grab giảm được chi phí nhờ ứng dụng công nghệ, vì thế ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh cho rằng, taxi truyền thống cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại.

Nhiều doanh nghiệp taxi và Hiệp hội Vận tải taxi khẳng định các hãng taxi chấp nhận cạnh tranh nhưng phải bình đẳng trong quản lý về áp thuế giữa 2 loại hình này, khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá...

Cần “vá” lỗi cơ chế và thay đổi cách ứng xử

Trả lời câu hỏi liệu có thất thu thuế của Uber, đại diện Vụ Chính sách thuế (Tổng cục thuế-Bộ Tài chính) cho biết, mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu, doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân.

“Uber là doanh nghiệp của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên ấn định thuế trên doanh thu. Các Bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bởi hiện nay chỉ đánh vào pháp nhân nước ngoài. Nếu quản lý được số km xe, đầu xe thì có thể thu thuế của lái xe tham gia kinh doanh với Uber. Thuế ấn định theo giá trị gia tăng của ngành nghề chứ không phải vì được mức thuế thấp mà họ được lợi nhuận nhiều hơn”, vị đại diện này giải thích.

Thừa nhận cạnh tranh bất bình đẳng là do cơ chế đã lỗi thời tạo ra và phải thay đổi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chính sách giá của một nước phụ thuộc vào chính sách thuế và phí của nước đó. Hiện nay, thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên phải đổi mới về cơ chế.

Theo quan điểm của ông Long, mặt hàng nào độc quyền thì Nhà nước phải quy định giá trần, nếu cạnh tranh thực sự để thoải mái về giá, không ngăn cản, triệt tiêu làm hạn chế sự phát triển cái mới.

Đại diện các Vụ Vận tải và Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86 mới tạo được sự ổn định trong quản lý Nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo động lực cho các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao.

“Một số quốc gia cấp biển riêng cho xe kinh doanh vận tải nhằm tách bạch xe sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải đồng thời cần bổ sung phương tiện vận tải hợp đồng phải có sơn, logo trên thành xe, công khai giá cước cho dễ phân biệt”, đại diện này cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng Uber và Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không, đây là hoạt động “chui”, phải tịch thu xe khi lượng chức năng phát hiện.

"Bộ Tài chính cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua. Nếu không thực hiện chúng tôi sẽ kiến nghị với nhà nước để xử lý. Thậm chí, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế", ông Thanh nói.

Phi Long