|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân trong nước đổ hơn 4 tỷ USD mua cổ phiếu, mã nào được gom xả mạnh nhất năm 2021?

11:27 | 30/12/2021
Chia sẻ
Đóng góp 90% thanh khoản thị trường và chiếm 99% số tài khoản mở mới kể từ đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã rót ròng tổng cộng hơn 4,1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán. Lực cầu dồi dào từ dòng tiền nội góp phần cân lại lực bán mạnh của khối ngoại.

Ồ ạt mở mới tài khoản, nhà đầu tư cá nhân đổ hơn 4,1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán

Tính đến hết phiên 29/12, VN-Index ở 1.485,82 điểm, tiệm cận vùng lịch sử 1.500 điểm. Theo đó, chỉ số tăng hơn 33% kể từ đầu năm. Trong năm COVID-19 thứ hai, chứng khoán Việt Nam không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, mà còn cả lượng nhà đầu tư.

Thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), chỉ riêng trong tháng 11, NĐT đã mở mới 221.314 tài khoản. Đây là kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam và nhiều hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 (với 192.567 tài khoản). 

Lũy kế đến ngày 30/11/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 4 triệu tài khoản giao dịch, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020.

Dấu ấn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Giao dịch sôi động trên thị trường chứng khoán đã thu hút sự chú ý không nhỏ của các cá nhân trong nước, trong đó không ít "nhà đầu tư F0" là những người lần đầu tham gia giao dịch trên thị trường. Việc dòng tiền nội ồ ạt đổ vào kênh đầu tư này đã khiến thị trường chứng kiến sự thăng hoa về cả điểm số, quy mô và thanh khoản toàn sàn.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, thị trường ghi nhận giá trị giao dịch bình quân phiên khoảng 25.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 11, con số này đã lên đến 40.000 tỷ đồng/phiên với mức đỉnh kỷ lục gần 56.000 tỷ đồng được thiết lập trong ngày 19/11.

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục khẳng định vai trò, khi đóng góp tỷ trọng gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường. Theo thống kê, các cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này tại HOSE đã lên đến con số gần 93.650 tỷ đồng (tương ứng 4,1 tỷ USD).

Dấu ấn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 - Ảnh 1.

Giá trị mua ròng của NĐT cá nhân tại HOSE qua kênh khớp lệnh từ đầu năm 2021. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mã nào được NĐT cá nhân mua nhiều nhất?

Thống kê Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất kể từ đầu năm, "anh cả" ngành thép HPG của Tập đoàn Hòa Phát đẫn đầu với giá trị mua ròng áp đảo 19.174 tỷ đồng. Đây chính là lực đỡ chính khi khối ngoại đồng loạt chốt lời HPG năm nay.

Theo quan sát, phần lớn lực mua HPG tập trung nửa đầu năm 2021 khi cổ phiếu này tăng từ vùng giá quanh 30.000 đồng/cp lên mức 51.500 đồng/cp. Nửa cuối 2021, cùng với đà giảm của giá thép thế giới, nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh và đã hạ nhiệt đáng kể so với nửa đầu năm.

Cùng với nhóm thép, cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút dòng tiền từ NĐT cá nhân trong năm nay.  Mặc dù diễn biến giá đi ngang trong những tháng cuối năm trước áp lực chốt lời diện rộng, các cá nhân trong nước vẫn rót vốn ròng hàng nghìn tỷ đồng vào hai đại diện VPB của VPBank (8.827 tỷ đồng) và CTG của Vietinbank (5.752 tỷ đồng).

Những tháng cuối năm, bất động sản và xây dựng là nhóm tăng nóng, hai nhóm này có tới 5 cổ phiếu lọt vào danh mục 10 mã được mua gom nhiều nhất của các cá nhân trong nước. Theo thống kê, cổ phiếu VIC được mua ròng mạn nhất với 5.359 tỷ đồng, theo sau là VHM (5.042 tỷ đồng), NVL (3.722 tỷ đồng), NLG (3.174 tỷ đồng) và DIG (2.572 tỷ đồng).

Dấu ấn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân mua bán ròng nhiều nhất năm 2021. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Ở chiều bán ra, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 2.439 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mã bị các cá nhân bán ròng nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm với quy mô 1.965 tỷ đồng.

Đối lập trạng thái mua VPB và CTG, dòng tiền cá nhân trong nước thoát khỏi các cổ phiếu ngân hàng như TCB (1.467 tỷ đồng), TPB (1.165 tỷ đồng), OCB (907 tỷ đồng), ACB (774 tỷ đồng). Theo sau, giao dịch bán ròng nhẹ hơn cũng xuất hiện ở loạt cổ phiếu gồm MSN (749 tỷ đồng), DHC (682 tỷ đồng), VHC (484 tỷ đồng), CTD (386 tỷ đồng)....

Thảo Bùi