|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

463 cơ hội giúp tài khoản chứng khoán 'ăn bằng lần' năm 2021, kỷ lục tăng giá hơn 2.000%

13:53 | 30/12/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 giao dịch thăng hoa với nhiều đỉnh mới được thiết lập. Theo thống kê, thị trường có tới 463 cổ phiếu tăng giá trên 100%, gấp 3 lần so với con số 148 trong năm 2020. Kỷ lục cổ phiếu tăng giá năm 2021 gấp 21,5 lần, tương ứng tỷ lệ tăng 2.050%.

Dòng tiền FOMO đẩy giá cổ phiếu tăng phi mã

Năm 2021 là một năm đầy cảm xúc của giới đầu tư cả Việt Nam và trên thế giới khi mọi người đều đổ xô đầu tư vào một thứ gì đó thay vì kiếm tiền bằng nghề của chính mình, từ tiền kỹ thuật số đến chứng khoán, bất động sản. 

Hiệu ứng FOMO từ NĐT cá nhân đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lập các đỉnh cao mới cả về chỉ số, thanh khoản, số lượng tài khoản mở mới... Khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt "bank, chứng, thép" ở trạng thái nghỉ ngơi thì dòng tiền dồi dào tìm đến các cổ phiếu tăng nóng không đi kèm nền tảng cơ bản.

Trong "cơn say" tăng giá của cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, khái niệm về doanh thu, lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng… đều được nhà đầu tư bỏ qua và chạy theo cuộc đua của "ba chữ cái" với quan điểm "cổ phiếu tăng giá mới là cổ phiếu tốt". Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chơi trò chơi của dòng tiền, đua theo hiệu ứng FOMO với những cổ phiếu cứ mở cửa là đã tăng mạnh với hàng triệu lệnh mua chực chờ.

Thị trường của những người "sợ lỡ cơ hội kiếm tiền" không chỉ hấp dẫn những NĐT cá nhân mà một số không nhỏ NĐT chuyên nghiệp, nhà quản lý quỹ thận trọng cũng bị cuốn vào dòng xoáy này. 

Nếu như cuối năm 2020, toàn thị trường có 160 mã cổ phiếu có giá dưới 3.000 đồng thì đến trong những ngày cuối năm 2021, thị trường chỉ còn ghi nhận khoảng 50 cổ phiếu thị giá "trà đá, cọng hành". Trong đó, trên sàn HOSE hiện không còn bất kỳ cổ phiếu nào có thị giá dưới 3.000 đồng/cp và sàn HNX chỉ có 1 mã nằm trong số này, còn lại là trên thị trường UPCoM.

Về bản chất, thị trường chứng khoán "chóng nở sẽ sớm tàn", sự thật khắc nghiệt đã được chứng minh khi đến 90% người đầu tư chứng khoán thua lỗ, 90% NĐT mới mất 90% tài sản trong 90 ngày đầu tiên. Nhà đầu tư lỡ đu đỉnh theo con sóng đầu cơ ngậm ngùi ôm trái đắng và chỉ muốn "xuống tàu" sau những lần đặt niềm tin nhầm chỗ.

Song, về dài hạn không thể phủ nhận được vai trò của dòng tiền nhàn rỗi hiện nay. NĐT sau những pha đu đỉnh cũng học được bài học đắt giá, tự tích luỹ kinh nghiệm và nền tảng kiến thức. Thị trường chứng khoán là nơi cần "cái đầu lạnh" và dòng tiền đến cuối cũng sẽ chuyển qua những cổ phiếu trụ cột đi kèm những yếu tố nội tại tốt của doanh nghiệp.

Loạt cổ phiếu lập đỉnh lịch sử, HOSE ngày càng ít cổ phiếu dưới mệnh giá

Hơn 460 cơ hội giúp tài khoản chứng khoán 'ăn bằng lần' năm 2021, kỷ lục tăng giá 2.050% - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Dẫn đầu danh sách tăng trên sàn HOSE là cái tên quen thuộc "họ Louis" - cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital. Mã này đã tăng đến hơn 65 lần lên đỉnh lịch sử 74.800 đồng/cp vào cuối tháng 9 nhưng sau đó là chuỗi phiên nằm sàn liên tiếp. Mặc dù đã bốc hơi khoảng 80% từ đỉnh nhưng cổ phiếu TGG vẫn ghi nhận tỷ lệ tăng 1.497% từ đầu năm, chiếm vị thế số 1 trên sàn HOSE.  

Kế đến là cổ phiếu LCM của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai. Mặc dù ghi nhận đà tăng 14 lần tính từ đầu năm nay, mã này vẫn chưa thể về mệnh giá với giá chốt phiên 27/12 tại đỉnh 9.200 đồng/cp, tuy nhiên vẫn là cổ phiếu có thị giá thấp nhất sàn HOSE.  

Đáng chú ý, cổ phiếu LCM đang nằm trong diện kiểm soát từ tháng 4/2017 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ bị âm. Với kết quả kinh doanh bết bát, HĐQT và Ban Kiểm soát chỉ nhận thù lao tượng trưng mỗi người vỏn vẹn 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, các lãnh đạo sẽ nhận mức thù lao 0 đồng như đã từng thực hiện trong năm 2020.

Năm 2021, thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén chặt, cổ phiếu ngành này nổi sóng sau thời gian hậu giãn cách, cộng thêm liều "doping" từ hiệu ứng đất Thủ Thiêm gây xôn xao dư luận gần đây. Theo quan sát, từ đầu tháng 10, dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp mà còn phân hoá đến nhiều cổ phiếu bất động sản dân cư. 

Thực tế, đà tăng nóng của ngành địa ốc không đến từ các bluechips hay mã vốn hoá lớn mà chủ yếu từ các cổ phiếu midcap, penny. Có thể kể đến như cổ phiếu TNT (tỷ lệ tăng 1.024%), CIG (592%), DLG (552%)... 

Cũng không hề kém cạnh, cổ phiếu "họ" FLC có sự góp mặt của các cổ phiếu ROS (430%), FLC (308%), AMD (200%), HAI (192%). Trong năm 2020, cổ phiếu cùng hệ sinh thái là GAB cũng từng vô địch sàn HOSE với tỷ lệ tăng ấn tượng 1.100%.

Năm 2021 có thể nói là năm của ngành chứng khoán với sự tăng trưởng vượt bậc từ nền tảng kinh doanh cốt đến giá cổ phiếu. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu TVS đã tăng gấp 5 lần, VND tăng 4,5 lần, FTS tăng 3 lần. Ngoài ra, các mã APS, EVS, SSI, VCI, VIX cũng giúp cổ đông chứng khoán nhân 2, nhân 3 tài khoản.

Ngân hàng là ngành bị ghét bỏ trong những tháng cuối năm, những cổ phiếu trụ dần mất hút và nằm ngoài Top 100 tăng giá chỉ với duy nhất một đại điện là TPB (107%).

Hơn 460 cơ hội giúp tài khoản chứng khoán 'ăn bằng lần' năm 2021, kỷ lục tăng giá 2.050% - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Cổ phiếu đầu cơ dẫn sóng sàn HNX

Cổ phiếu CMS là một hiện tượng mới nổi trên thị trường gần đây. Trong một năm qua, cổ phiếu CMS đã tăng tăng gấp 11 lần lên mốc 33.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 29/12). Bất chấp thị trường chung đỏ lửa hay xanh lơ, mã này vẫn duy trì sắc tím trong nhiều phiên gần đây.

Trước đà tăng nóng, ban lãnh đạo và cổ đông công ty liên tục thoái vốn khỏi CMS như Chủ tịch Phạm Minh Phúc bán 5,3 triệu cp, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Kim Ngọc Nhân bán 625.434 cp, em trai của ông Phúc bán toàn bộ 146.000 cp, em dâu của ông Phúc bán toàn bộ 248.000 cổ phiếu CMS cùng thời điểm trên.

Trong danh sách tăng giá sàn HNX đặc biệt có sự xuất hiện phần lớn của các mã đầu cơ, đại diện đến từ cổ phiếu "họ" Louis và APEC. APS ghi nhận tỷ lệ tăng 709% trong năm 2021 và các cổ phiếu cùng hệ sinh thái như IDJ, API cũng ghi nhận tỷ lệ tăng bằng lần. Đối với nhóm cổ phiếu Louis, cùng với mã TGG và AGM trên sàn HOSE, BII, VKC, SMT cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng.

Đây là những ví dụ điển hình của "những món quà của thượng đế" trong năm vừa qua với chuỗi phiên tăng trần, giảm sàn. Cơn sốt nhóm cổ phiếu này náo động 3 sàn khi doanh nghiệp mẹ liên tục "bành chướng", thực hiện M&A, hô khẩu hiệu quyết tâm gồng lãi cùng những kế hoạch kinh doanh không tưởng được vẽ ra. 

Dưới "bàn tay vàng", các cổ phiếu đầu cơ như vịt hoá thiên nga khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Gần đây, thông tin liên quan đến hai nhóm cổ phiếu này đã không còn xuất hiện dày đặc trên truyền thông. Cơn sóng thần đang dần trôi về quá khứ chỉ còn lại những nhà đầu tư bị kẹp hàng gậm nhấm khoản lỗ khó "về bờ". 

Tương tự sàn HOSE, cổ phiếu vừa và nhỏ dòng bất động sản cũng chiếm vị thế trên HNX. Đáng chú ý là mã CEO có mức tăng thần tốc từ 12.000 đồng/cp lên 70.000 đồng/cp bất chấp lực bán ròng của khối ngoại. Cú bứt phá ngoạn mục này của CEO không được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh hay tiềm năng tăng trưởng mà chủ yếu do dòng tiền đầu cơ nóng.

Ngành chứng khoán cũng góp mặt với VIG (587%), EVS (398%), ART (351%), WSS (347%)... Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân cũng tìm đến một số nhóm ngành khác như xây dựng, tài nguyên với tỷ trọng không đáng kể.

Hơn 460 cơ hội giúp tài khoản chứng khoán 'ăn bằng lần' năm 2021, kỷ lục tăng giá 2.050% - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

UPCoM dẫn đầu về số cổ phiếu tăng bằng lần

Thị trường UPCoM xưa nay được biết đến là nơi quy tụ của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp vốn hoá nhỏ hoặc siêu nhỏ, thường ít được chú ý vì ít thông tin cũng như thanh khoản thấp. 

Tuy vậy, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu đầu cơ của lượng lớn nhà đầu tư cá nhân đã thổi sức nóng lên nhóm các cổ phiếu tại đây, thị giá nhiều mã sau nhiều năm đứng im bỗng leo dốc hàng trăm phần trăm. Từ khoảng 201 cổ phiếu giá dưới 5.000 đồng/cp, một năm bùng nổ giao dịch giúp con số này giảm mạnh chỉ còn khoảng 100 cổ phiếu. 

Kỷ lục được xác lập trong năm nay thuộc về mã ATA của NTACO với tỷ lệ tăng 21,5 lần so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, đây là một trong những cổ phiếu có thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Với biên độ dao động 15%, mức tăng hàng nghìn phần trăm dễ dàng tìm thấy trên thị trường UPCOM như PTO (1.287%), RGC (1.173%), NOS (1.100%), LIC (1.095%). Tuy nhiên, nhìn chung các mã này đều có thanh khoản èo uột với chuỗi dài mất thanh khoản. Các nhà đầu tư chỉ có thể đứng ngoài nhìn cổ phiếu tăng giá chứ không thể giao dịch kiếm lời. 

Bảo Ngọc