NĐT cá nhân gom nghìn tỷ nhóm bất động sản và chứng khoán, ghi nhận tuần mua ròng mạnh nhất từ tháng 6
Mở cửa tuần 9 - 13/8, sự trở lại của bộ ba "bank, chứng, thép" đã kéo VN-Index tăng hơn 18 điểm, bứt phá qua mốc 1.350 điểm. Tuy vậy, áp lực bán chốt lời của dòng tiền trước ngưỡng cản tiếp theo 1.370 điểm là lực cản lớn khiến VN-Index chưa thể tăng tốc mạnh mẽ dù vẫn tìm lại được sắc xanh trong phiên 13/8.
Đóng cửa tuần, VN-Index dừng lại ở 1.357,05 điểm, có thêm 15,6 điểm tương đương 1,16%, HNX-Index tăng 3,53% lên ngưỡng 336,96 điểm, còn UPCoM-Index tăng mạnh hơn 4,4% lên mức 92,17 điểm.
Tuy giao dịch giằng co, thanh khoản trong tuần trên sàn HOSE được cải thiện 15,27% so với tuần trước, với giá trị giao dịch trung bình đạt 23.647 tỷ đồng.
Trong tuần tăng điểm thứ ba của VN-Index, các cá nhân trong nước trở lại mua ròng trên cả 5 phiên, đưa tổng giá trị mua ròng lên mức 4.869 tỷ đồng tại HOSE. Như vậy, xét riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân có tuần mua ròng bùng nổ nhất kể từ tháng 6.
Với lực cầu gia tăng, cá nhân trong nước trở thành phía đối ứng với áp lực bán chốt lời mạnh từ khối ngoại (3.144 tỷ đồng) và các tổ chức trong nước (1.888 tỷ đồng). Đồng thuận với cá nhân, nhóm tự doanh công ty chứng khoán mua ròng nhẹ 163 tỷ đồng trên HOSE.
Duy trì lực cầu tại bất động sản, trở lại mua ròng nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính
Thống kê theo nhóm ngành, hoạt động mua ròng của các cá nhân diễn ra tại 14/18 nhóm cổ phiếu. Trong đó bất động sản tiếp tục là nhóm được mua gom nhiều nhất với giá trị áp đảo 1.908 tỷ đồng, gần như tương đương quy mô giao dịch trong tuần đầu tháng. Trong tuần, cổ phiếu bất động sản là nhóm đóng góp lớn nhất cho đà tăng điểm của chỉ số.
Trái ngược với tuần trước, dòng tiền quay lại nhóm dịch vụ tài chính và ngân hàng sau khi đã chốt lời mạnh. Cụ thể, hai nhóm này được mua ròng lần lượt 1.046 tỷ đồng và 675 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Lực mua cũng phân bổ tại nhiều nhóm như hóa chất, tài nguyên cơ bản, điện, hàng & dịch vụ công nghiệp...
Trái lại, giao dịch bán ròng chỉ diễn ra ở 4 nhóm ngành, với áp lực chốt lời tập trung tại nhóm dầu khí (197,5 tỷ đồng). Động thái diễn ra khi giá dầu thế giới giảm trước nhận định sự lây lan của biến thể Delta có thể làm chậm đà phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu.
Tâm điểm mua ròng SSI đối ứng với khối ngoại
Nổi bật tại chiều mua ròng là giao dịch tại cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI. Mẫ này được mua ròng 934 tỷ đồng, trái ngược với lực xả 692 tỷ đồng trong tuần trước đó. Vừa qua, SSI thông báo lựa chọn ngày 9/9 là ngày đăng ký cuối cùng chào báo cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành của Chứng khoán SSI đợt này là 328,7 triệu đơn vị. Nếu hoàn tất, SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 9.860 tỷ đồng, tiếp tục là công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nối tiếp, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng được mua ròng 544,7 tỷ đồng. Trong tuần qua, hai cổ đông lớn của DIG là Phó Chủ tịch HĐQT và CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân đồng loạt báo cáo kết quả giao dịch lượng lớn cổ phiếu khi giá đã tăng mạnh 38% trong 1 tháng diễn ra giao dịch.
Tiếp tục mua ròng nhóm bất động sản, dòng tiền tìm đến bộ ba cổ phiếu họ Vingroup là VHM (385 tỷ đồng), VIC (337 tỷ đồng) và VRE (279 tỷ đồng). Đáng chú ý, sau phiên cuối tuần tăng 2,56% lên đỉnh mới 120.000 đồng/cp, VHM đã vượt VCB về vốn hóa, trở thành doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên thị trường với 401,9 nghìn tỷ đồng.
Một ông lớn khác là NVL của Địa ốc Nova cũng được mua ròng 209 tỷ đồng. Đối ứng với các cá nhân, khối ngoại liên tục xả ròng NVL trong tuần qua với tổng giá trị bán ròng 206 tỷ đồng, khiến mã này giảm điểm trong 5 phiên liên tiếp và dừng lại ở 103.500 đồng/cp.
Cũng tại chiều mua, lực cầu được ghi nhận tại các mã DPM (294 tỷ đồng), VPB (259 tỷ đồng), HPG (230 tỷ đồng), LPB (191,3 tỷ đồng).
Chiều giao dịch ngược lại, STB của Sacombank dẫn đầu danh mục bán ròng với 215 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân gần như đối ứng với khối ngoại khi nhóm này có tuần mua ròng STB thứ 9 liên tiếp, đưa tổng giá trị mua gom từ đầu năm lên 3.340 tỷ đồng và là một trong những mã được nước ngoài mua ròng mạnh nhất.
Theo sau, PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bị xả ròng 212 tỷ đồng. Đồng thuận với các cá nhân, tổ chức trong nước cũng xả ròng 109 tỷ đồng để các nhà đầu tư nước ngoài gom mua.
Phía mua ròng còn có sự góp mặt của VNM (84,5 tỷ đồng). Vinamilk mới đây đã công bố ngày 8/9 là hạn chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Ước tính VNM sẽ chi 3.135 tỷ để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông vào ngày thanh toán là 30/9. Cùng chiều, lực mua với giá trị dưới 50 tỷ đồng phân bổ tại các cổ phiếu DRC, PHR, DGC, HCM, NLG, HDB, FRT.