Tuần 9 - 13/8: Khối ngoại xả hơn 2.180 tỷ đồng, tâm điểm nhóm chứng khoán và bất động sản
VN-Index đóng cửa tuần thứ 33 của năm 2021 với 3 phiên tăng điểm so với 2 phiên điều chỉnh. Sau những diễn biến khởi sắc mở cửa tuần giao dịch, thị trường có xu hướng giằng co nhẹ trong phiên sáng và chịu áp lực chốt lời mạnh trong phiên chiều.
Tuy vậy, phiên cuối tuần ghi nhận diễn biến đảo chiều trong những phút cuối giúp chỉ số đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index dừng lại ở 1.357,05 điểm, tăng 15,6 điểm tương đương 1,16%. HNX-Index tăng mạnh hơn 11,5 (3,53%) điểm dừng lại ở 336,96 điểm, còn UPCoM-Index tăng hơn 4,4% lên mức 92,17 điểm.
Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE được cải thiện đáng kể, đạt 23.647 tỷ đồng và tăng 15,27% so với tuần giao dịch trước đó.
Trong tuần thị trường giằng co, khối ngoại bán ròng trong 4/5 phiên. Lực xả xuất hiện mạnh nhất trong phiên cuối tuần khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài có phiên xả ròng trên 818 tỷ đồng. Tổng quy mô rút vốn trên HOSE tuần qua là 2.183 tỷ đồng, trong đó 3.144 tỷ đồng được ghi nhận qua phương thức khớp lệnh.
Dòng tiền rút mạnh nhất khỏi nhóm dịch vụ tài chính (chủ yếu là các cổ phiếu chứng khoán) khiến nhóm này bị bán ròng tổng cộng 1.226 tỷ đồng, trái ngược với lực cầu 814 tỷ đồng trong tuần trước. Theo sau, các nhóm bị bán ròng bao gồm xây dựng và vật liệu (175 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ đầu tư (157 tỷ đồng) và thực phẩm (153 tỷ đồng).
Trài chiều, nước & khí đốt là nhóm ghi nhận giao dịch tích cực nhất từ khối ngoại với 233 tỷ đồng mua ròng, ngược chiều với áp lực bán ròng nhẹ 73 tỷ đồng của tuần 2 - 6/8.
Tại HOSE: Bán ròng 2.183 tỷ đồng, tâm điểm bán ròng cổ phiếu SSI
Chiều bán chiếm vị thế áp đảo so với chiều mua trên sàn HOSE với giá trị tương ứng 8.175 tỷ đồng so với 6.532 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại bán ròng tổng cộng trên 2.183 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện qua phương thức khớp lệnh.
Nổi bật tại chiều bán, khối ngoại bất ngờ đảo chiều rút ròng 970 tỷ đồng cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã chốt lời toàn bộ khối lượng cổ phiếu SSI đã gom mua trong 9 phiên liên tiếp kể từ 28/7. Thống kê từ cuối tháng 7 đến hết phiên 13/8, giá thị trường cổ phiếu SSI đã tăng 13,46%, ước tính mang lại khoản lãi đáng kể cho các nhà đầu tư sau thời gian nắm giữ.
Mới đây, SSI đã công bố ngày 9/9 là ngày đăng ký cuối cùng của chào bán 109,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cùng đợt này, công ty sẽ phát hành 219,1 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 6:2) cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu hoàn thành, SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 9.860 tỷ đồng, tiếp tục là công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nối tiếp, khối ngoại duy trì rút vốn khỏi VIC của Tập đoàn Vingroup với giá trị 368 tỷ đồng. Như vậy, nhóm này đã liên tục bán ròng VIC trong 10 phiên, nâng giá trị rút ròng lũy kế lên trên 733 tỷ đồng. Cũng thuộc nhóm Vingroup, cổ phiếu của VRE của Vincom Retail tiếp tục bị bán ròng 174 tỷ đồng, tăng 12% so với tuần trước đó. Lực xả xuất hiện tại một ông lớn khác của nhóm bất động sản là NVL của Tập đoàn Địa ốc Nova, với giá trị trên 206 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần.
Cùng chiều, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi DPM (190 tỷ đồng) của Đạm Phú Mỹ giữa những nhịp biến động mạnh của nhóm ngành phân bón. Theo sau, lực bán ròng xuất hiện tại nhiều cổ phiếu bluechips như HPG (172 tỷ đồng), chứng chỉ ETF FUEVFVND (172 tỷ đồng), MSN (148 tỷ đồng), GAS (127 tỷ đồng) và CTG (123 tỷ đồng).
Trở lại chiều mua ròng, VHM (Vinhomes) tiếp tục ghi nhận diễn biến trái ngược với VRE và VIC khi thu hút lực cầu lớn nhất lên đến 688 tỷ đồng. Sau khi liên tục giao dịch tích cực, VHM đã thiết lập đỉnh mới trong phiên 13/8 ở mức 120.000 đồng/cp (tăng 2,56%), qua đó ghi nhận vốn hóa vượt 400.000 tỷ và dẫn đầu thị trường.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) được mua ròng 344 tỷ đồng. Đây được cho là giao dịch của cổ đông lớn Eneos Corporation khi cổ đông Nhật Bản này đã đăng ký mua thêm 8 triệu cổ phiếu PLX từ 6/8 đến ngày 3/9/2021. Giao dịch trên tương ứng với thông tin PLX muốn bán ra 8 triệu cổ phiếu quỹ trong cùng khoảng thời gian, nên khả năng cao đây là thương vụ giữa PLX và Eneos.
Với 204 tỷ đồng mua ròng tuần qua, STB của Sacombank có tuần mua ròng thứ 9 liên tiếp, đưa tổng giá trị mua gom của nước ngoài từ đầu năm lên 3.340 tỷ đồng và là một trong những mã được nước ngoài mua ròng mạnh nhất. Theo sau, nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ dưới 50 tỷ đồng một số mã như DRC, E1VFVN30, DGC, FRT...
Trên sàn HNX: Chuyển bán ròng 78,24 tỷ đồng, chốt lời mã VND sau tuần mua ròng
Trong tuần giao dịch giằng co, khối ngoại đảo chiều bán ròng 78,24 tỷ đồng tại HNX, trái ngược lực mua trong tuần đầu tháng 8.
Về giá trị cụ thể, giao dịch tại mã VND của VNDirect có sự đảo chiều sau tuần mua ròng hơn 79 tỷ đồng trước đó. Mã này liên tục bị bán chốt lời trong cả tuần, với tổng giá trị 70,8 tỷ đồng sau khi đã tăng 11,5% kể từ đầu tháng.
Cùng chiều, lực xả tại PVS tăng 68% so với tuần trước lên mức 30 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng ghi nhận rút ròng khỏi các mã BSI (18,8 tỷ đồng), CDN (15,3 tỷ đồng), BVS (4,9 tỷ đồng).
Tại chiều mua ròng, DXS của Đất Xanh Services trở thành mã được mua ròng nhiều nhất 41,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tuần trước. Nối tiếp, lực cầu xuất hiện tại PAN (14,6 tỷ đồng), VCS (9,2 tỷ đồng), SHB (3,8 tỷ đồng), NTP (3,2 tỷ đồng).
Tại UPCoM: Duy trì mua ròng 86,12 tỷ đồng hàng loạt cổ phiếu
Trái ngược với diễn biến trên sàn HOSE và HNX, chiều mua chiếm ưu thế so với chiều bán tại thị trường UPCoM. Theo đó, khối ngoại mua ròng 86,12 tỷ đồng.
Dòng tiền vào các cổ phiếu tại UPCoM được đẩy mạnh với hàng loạt mã được mua ròng trên 1 tỷ đồng tuần qua. Dẫn đầu tại chiều mua, CTR của Viettel Construction được mua ròng 17,4 tỷ đồng. Theo ghi nhận, giá cổ phiếu CTR đã điều chỉnh nhẹ sau khi nhiều lãnh đạo CTR không mua hết số lượng đã đăng ký mua sau chuỗi phiên hồi phục.
Nối tiếp, các mã ghi nhận giao dịch cùng chiều là ACV (15,7 tỷ đồng), BSR (13,3 tỷ đồng), VEA (9,7 tỷ đồng). QNS của Đường Quảng Ngãi trở lại chiều mua với 11,5 tỷ đồng sau khi bị bán ròng 32,9 tỷ đồng trong tuần trước.
Trái ngược, cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp là mã duy nhất bị bán ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên, với 9,5 tỷ đồng rút ròng. Theo sau, nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ một số mã như SIP, VGT, ORS, PPH...