|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 13/8: Khối ngoại tập trung chốt lời cổ phiếu SSI, VHM trong nhịp rung lắc của thị trường

17:11 | 13/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên cuối tuần, VN-Index chứng kiến những nhịp rung lắc mạnh trước khi bất ngờ tăng điểm trở lại trong phiên ATC. Khối ngoại duy trì vị thế bán ròng, với tâm điểm chốt lời hơn 700 tỷ đồng cổ phiếu SSI và VHM.

Mặc dù sắc đỏ bao trùm VN-Index trong phần lớn thời gian giao dịch, thị trường rung lắc với biên độ lớn và đột ngột tăng điểm trở lại vào cuối phiên khiến những nhà đầu tư đã chốt lời không khỏi tiếc nuối.

Đóng cửa, VN-Index tăng thêm 4 điểm (0,3%), dừng lại ở 1.357,05 điểm, HNX-Index tăng 0,79% lên 336,96 điểm, UPCoM-Index tăng 0,21% lên 92,17 điểm.

Dù kết phiên trong sắc xanh, cổ phiếu trên cả ba sàn vẫn giao dịch theo kịch bản "xanh vỏ, đỏ lòng" khi số mã giảm chiếm ưu thế so với cổ phiếu tăng giá. Toàn thị trường ghi nhận 479 mã tăng, 495 mã giảm và 196 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản thị trường ở mức cao, tăng 10,5% so với phiên trước, lên mức 30.749 tỷ đồng, tương đương 1,06 tỷ cổ phiếu giao dịch. Tính riêng thanh khoản trên sàn HOSE đạt 24.628 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, xu hướng bán ròng được duy trì. Tuy vậy, chiều bán áp đảo so với giao dịch mua khiến khối ngoại theo đó bán ròng 788,49 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần phiên liền trước, tương ứng 11.989.200 đơn vị cổ phiếu.

Phiên 13/8: Khối ngoại tập trung chốt lời cổ phiếu SSI, VHM trong nhịp rung lắc của thị trường - Ảnh 1.

Đáng chú ý tại chiều bán là giao dịch chốt lời trên 490 tỷ đồng cổ phiếu SSI, tương ứng 8.360.600 đơn vị. Như vậy, lũy kế sau 4 phiên bán ròng liên tục, nhà đầu tư nước ngoài đã xả ròng trên 1.015 tỷ đồng, chốt lời gần như toàn bộ khối lượng cổ phiếu SSI đã mua gom kể từ cuối tháng 7. Ghi nhận sau phiên 13/8, cổ phiếu SSI dừng lại ở 59.000 đồng/cp, hồi phục 2,25% sau hai phiên giảm nhẹ trước đó.

Theo sau, lực rút ròng bất ngờ gia tăng trở lại ở cổ phiếu VHM của Vinhomes khi mã này bị bán ròng 250,6 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 triệu đơn vị. Mới đây, VHM đã hoàn tất bán ra 60 triệu cp quỹ với giá 108.637 đồng/cp, ước tính thu về 6.518 tỷ đồng. Hai mảnh ghép còn lại thuộc nhóm Vingroup là VIC và VRE tiếp tục bị bán ròng lần lượt 82,1 tỷ đồng và 47,5 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng tiền cũng rút khỏi nhiều cổ phiếu như MSN (37 tỷ đồng), NLG (33,7 tỷ đồng). DPM của Đạm Phú Mỹ tiếp tục bị bán ròng 26 tỷ đồng, theo sau là một số cổ phiếu vốn hóa lớn như NVL (24,3 tỷ đồng), HPG (22,9 tỷ đồng), PVT (21,2 tỷ đồng)

Phiên 13/8: Khối ngoại tập trung chốt lời cổ phiếu SSI, VHM trong nhịp rung lắc của thị trường - Ảnh 2.

Tại chiều mua, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiếp tục được mua ròng nhiều nhất với 97,8 tỷ. Theo thống kê, PLX đã liên tục được khối ngoại gom mua kể từ đầu tháng 8. Cũng trong thời gian từ 6/8 đến ngày 3/9/2021, cổ đông lớn là Eneos Corporation vừa đăng ký mua thêm 8 triệu đơn vị. Trên thị trường, giá cổ phiếu PLX hiện dừng lại ở mức 52.900 đồng, giảm nhẹ 0,19%.

Nối tiếp, dòng tiền ngoại tìm đến một số cổ phiếu nhóm ngân hàng. MBB (68,6 tỷ đồng), STB (41,6 tỷ đồng), VCB (25 tỷ đồng) là ba đại diện được mua ròng nhiều nhất trong nhóm. Cùng chiều, dòng tiền cũng mua ròng 38,9 tỷ đồng cổ phiếu cảng biển - logistics là GMD của Gemadept. Mặc dù chịu áp lực bán mạnh trong đầu phiên, lực cầu đối ứng xuất hiện trở lại giúp GMD hồi phục và đóng cửa trong sắc xanh.

Lực mua cũng tìm đến một số cổ phiếu bluechips, lần lượt là KBC (21,7 tỷ đồng), KDH (19,9 tỷ đồng), DCM (19,6 tỷ đồng) và FRT (15,2 tỷ đồng).

Tại sàn HNX, giao dịch tiếp tục nghiêng về phía bán ròng với 11,96 tỷ đồng, giảm hơn 53% so với phiên giao dịch liền trước, tương ứng khối lượng mua ròng 180.176 đơn vị.

Mặc dù vẫn bị rút ròng nhiều nhất, lực xả tại VND sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp xuống còn 8,7 tỷ đồng. Theo thông báo từ HNX, ngày 17/8 tới đây, hơn 213 triệu cổ phiếu VND sẽ chính thức về tài khoản nhà đầu tư và được đưa vào giao dịch, nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên mức 430 triệu đơn vị.

Cùng chiều, lực bán tập trung ở BSI (4,4 tỷ đồng), NBC (1,7 tỷ đồng), VCS (1,5 tỷ đồng) và PLC (1 tỷ đồng). Khối ngoại cũng xả ròng dưới 1 tỷ đồng các mã CDN, EVS, HTP, DTD, PVS...

Trở lại chiều mua, lực cầu tập trung phần lớn ở PAN của CTCP Tập đoàn Pan (3,3 tỷ đồng) và DXS của Đất Xanh Services (3,2 tỷ đồng). Theo sau, nhóm này mua ròng nhẹ hơn các mã PSD (558 triệu đồng), BTS (489 triệu đồng), BAX (447 triệu đồng)...

Thị trường UPCoM vẫn ghi nhận giao dịch trái chiều với phần còn lại của thị trường. Theo đó, khối ngoại mua ròng 26,05 tỷ đồng, tương ứng 760.504 đơn vị cổ phiếu.

Cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi vươn lên dẫn dắt chiều mua với 13,46 tỷ đồng. Theo thông tin công bố, sau khi mua vào 91.000 đơn vị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc QNS đã đăng ký mua thêm 1 triệu cp QNS từ ngày 12/8 đến ngày 10/9.

Theo sau, loạt cổ phiếu được mua ròng trên 1 tỷ đồng tại UPCoM gồm có MCH (4,7 tỷ đồng), PVP (2,4 tỷ đồng), VTP (1,9 tỷ đồng), BVB (1,7 tỷ đồng), BSR (1,5 tỷ đồng) và HPP (1,3 tỷ đồng).

Trái chiều, dòng tiền ngoại vẫn bán ròng mạnh nhất ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (1,3 tỷ đồng). Nhóm này cũng rút ròng 837 triệu đồng khỏi ACV của Cảng hàng không Việt Nam, theo sau bán ròng nhẹ các mã PPH, VGG, QTP, SCG...

Thảo Bùi

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.