|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 11/8: Khối ngoại gia tăng lực bán, tâm điểm xả ròng cổ phiếu SSI và chứng chỉ FUEVFVND

17:19 | 11/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index đánh mất đà tăng, khối ngoại tiếp tục gia tăng lực bán trên sàn HOSE lên trên 737 tỷ đồng. Giao dịch bán ròng tập trung chủ yếu ở cổ phiếu SSI và FUEVFVND, trong khi VHM vẫn được mua ròng mạnh trong phiên.

Mặc dù có thời điểm vượt lên trên ngưỡng 1.370 điểm, áp lực chốt lời đột ngột tăng mạnh về cuối phiên khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số khi lấy đi của VN-Index hơn 4 điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 4,64 điểm (0,34%) còn 1.357,79 điểm, HNX-Index giảm 0,63 điểm (0,19%) còn 334,44 điểm, riêng UPCoM-Index tăng 1,49% lên 91,88 điểm.

Sàn HOSE hôm nay có 205 mã giảm giá, nhỉnh hơn so với 182 mã tăng giá và 36 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường ở mức cao khi tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 31.824 tỷ đồng, tăng 10% so với phiên trước đó. Giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt trên 24.600 tỷ đồng.

Tại sàn HOSE, lực xả hàng gia tăng khi khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng 737,67 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 23 triệu đơn vị.

Phiên 11/8: Khối ngoại gia tăng lực bán, tâm điểm xả ròng cổ phiếu SSI và chứng chỉ FUEVFVND - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Sau khi mua ròng hơn 900 tỷ đồng cổ phiếu SSI trong 9 phiên liên tiếp, dòng tiền khối ngoại chính thức đảo chiều trong phiên 10/8 và tiếp tục xu hướng chốt lời trên trăm tỷ đồng cổ phiếu SSI. Về giá trị cụ thể, mã này bị bán ròng hơn 5,5 triệu đơn vị, tương ứng 326,8 tỷ đồng và tăng gấp 2,2 lần so với phiên trước. Như vậy, chỉ sau 2 phiên, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 475 tỷ đồng mã SSI.

Lực bán cũng bất ngờ được gia tăng đối với chứng chỉ quỹ FUEVFVND, theo đó khối ngoại bán ròng trên 10 triệu đơn vị, hay 263,2 tỷ đồng. Cùng với SSI, đây là 2 mã bị xả mạnh nhất trong phiên 11/8.

Kế tiếp, lực bán ròng tiếp tục xuất hiện ở bộ đôi VIC và VRE khi hai cổ phiếu bị rút ròng lần lượt 72,6 tỷ đồng và 36,1 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền nước ngoại cũng rút khỏi các cổ phiếu VCI (87,2 tỷ đồng), MBB (56,3 tỷ đồng), NVL (46,9 tỷ đồng), GAS (44,1 tỷ đồng), CTG (39,7 tỷ đồng), GMD (37,4 tỷ đồng).

Phiên 11/8: Khối ngoại gia tăng lực bán, tâm điểm xả ròng cổ phiếu SSI và chứng chỉ FUEVFVND - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

VHM (Vinhomes) là mảnh ghép duy nhất được mua ròng trong nhóm cổ phiếu họ Vingroup. Theo đó, lực cầu tìm đến VHM với giá trị 202,4 tỷ đồng, tuy đã giảm gần 50% so với phiên liền trước. Giao dịch được thực hiện phần lớn qua phương thức thỏa thuận khi cổ phiếu này ghi nhận giao dịch "trao tay" khoảng 3,8 triệu đơn vị trong phiên, tổng giá trị đạt trên 428 tỷ đồng.

Một đại diện cũng được mua ròng với quy mô trên 100 tỷ đồng là STB của Sacombank. Theo đó, khối ngoại mua ròng 103,9 tỷ đồng STB, tăng mạnh 3,4 lần so với phiên liên trước. Theo thông tin công bố mới đây, STB đã không còn là cổ đông lớn tại Chứng khoán SHS sau khi bán thành công hơn 7,4 triệu đơn vị từ tháng 7, ước tính thu về trên 90 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nối tiếp, lực cầu cũng tìm đến lần lượt các mã PLX (97 tỷ đồng), VNM (42 tỷ đồng), NLG (30,1 tỷ đồng). Cùng chiều, các mã được mua ròng dưới 20 tỷ đồng gồm có DGW (19,1 tỷ đồng), PTB (16,2 tỷ đồng), PDR (11,1 tỷ đồng), PHR (10,9 tỷ đồng) và DGC (8,9 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, giao dịch tiếp tục nghiêng về phía bán ròng khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 22,75 tỷ đồng, hay 626.698 đơn vị.

Cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect quay lại vị trí bị xả ròng nhiều nhất trên 31,4 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với phiên trước đó. Kế tiếp, PVS tiếp tục bị rút vốn mạnh 10,8 tỷ đồng, theo sau bởi BSI (5,2 tỷ đồng) và CDN (3,4 tỷ đồng). Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng với giá trị dưới 1 tỷ đồng loạt cổ phiếu NBP, PGN, SRA, INN, CVN...

Tại chiều mua, DXS của Đất Xanh Services tiếp tục thu hút 12,3 tỷ đồng giá trị mua ròng. Diễn biến cùng chiều được ghi nhận tại các mã VCS (6,4 tỷ đồng), PAN (4,2 tỷ đồng), IDJ (2,6 tỷ đồng), NTP (2,3 tỷ đồng). Một số cổ phiếu cũng được mua ròng nhẹ hơn lần lượt là PSD, SHB, DL1, VGS...

Trái ngược với xu hướng chung, thị trường UPCoM lại ghi nhận giao dịch mua ròng 14,11 tỷ đồng từ khối ngoại, tương ứng 397.534 đơn vị.

Cụ thể, hai mã BSR và VEA đồng loạt thu hút lượng lớn sức mua với giá trị 4,3 tỷ đồng và 4,1 tỷ đồng. Cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Agribank cũng được mua ròng 2 tỷ đồng, nối tiếp là NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (1,7 tỷ đồng). Giao dịch tương tự được ghi nhận tại VTP (882 triệu đồng), MCH (640 triệu đồng), VNA (636 triệu đồng), CTR (475 triệu đồng)...

Trái chiều, dòng vốn ngoại rút ròng nhẹ khỏi các cổ phiếu BSR (493 triệu đồng), ACV (368 triệu đồng), HPP (366 triệu đồng), VGI (163 triệu đồng)...Đáng chú ý, tại thị trường UPCoM không có cổ phiếu nào bị bán ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên 11/8.

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.