Cổ phiếu dược tăng trần 5 phiên sau tin nhập khẩu vắc xin COVID-19: Doanh thu khủng nhất trên sàn, nữ chủ tịch nổi tiếng giới chứng khoán và BĐS
Cổ phiếu tăng kịch trần 5 phiên sau tin nhập khẩu vắc xin COVID-19
Tuần giao dịch (9 - 13/8), cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex gây bất ngờ với 5 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Theo đó, giá cổ phiếu VMD tăng từ 24.700 đồng/cp lên 34.500 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ tăng gần 40%.
Ghi nhận trong tuần, một số cổ phiếu khác nhóm dược phẩm cũng tăng giá mạnh với thanh khoản đột biến như PPP của Dược phẩm Phong Phú hay CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha.
Cụ thể, giá cổ phiếu PPP tăng hơn 26% từ 11.500 đồng/cp lên 14.500 đồng/cp. Còn với CDP, mã này tăng giá từ 13.100 đồng/cp lên 18.500 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ 41,2%. Cả hai cổ phiếu này đều tăng kịch trần hai phiên cuối tuần.
Diễn biến trái chiều, một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành dược phẩm như DHG, IMP, DHT giao dịch không mấy khởi sắc tuần này.
Trở lại thông tin về Y Dược phẩm Vimedimex, doanh nghiệp này niêm yết trên HOSE vào ngày 30/9/2010. Trong những năm đầu lên sàn, VMD giao dịch tương đối sôi động. Nhưng sau đó cổ phiếu này giao dịch với thanh khoản thấp, trung bình vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
Tháng 6 vừa qua, mã này cũng từng có chuỗi tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp, đẩy giá từ 26.000 đồng/cp lên 36.300 đồng/cp. Tuy vậy, với thanh khoản đỉnh điểm cũng chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên, cổ phiếu VMD không được nhiều nhà đầu tư chú ý.
Lý giải đợt tăng giá lần này, cổ phiếu VMD nổi sóng sau thông tin nhập khẩu vắc xin COVID-19 về Việt Nam của công ty. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu vắc xin Sputnik V về Việt Nam.
Liên quan đến hoạt động nhập khẩu vắc xin, bà Trần Mỹ Linh, Tổng Giám đốc của Y Dược phẩm Vimedimex đã có những chia sẻ cụ thể trong bài phỏng vấn của VOV mới đây.
Cụ thể, Công ty Royal Strategics Partners (UAE) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Y Dược phẩm Vimedimex 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.
"Hiện nay, các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu kịp thời", Tổng Giám đốc Y Dược phẩm Vimedimex trả lời phỏng vấn.
Chủ sở hữu Y Dược phẩm Vimedimex: Người phụ nữ quyền lực lĩnh vực y dược, chứng khoán, bất động sản
Trước những động thái trên, nhiều nhà đầu tư không khỏi tò mò về chủ sở hữu và hoạt động kinh doanh của đơn vị sắp nhập khẩu hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 trên.
Theo tìm hiểu, Y Dược phẩm Vimedimex có cơ cấu cổ đông tương đối cô đặc. Tại ngày 30/6/2021, 5 cổ đông lớn sở hữu 75,3% vốn điều lệ của công ty. Trong đó, hai tổ chức là CTCP Dược Phẩm Vimedimex 2 và Tổng Công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN) sở hữu lần lượt là 45,34% và 10,23% vốn.
Ba cổ đông lớn còn lại là ông Trần Kiên Cường, ông Lê Xuân Tùng và bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu lần lượt 7,12%, 7,39% và 5,23%. Ông Lê Xuân Tùng là con trai là Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT của Y Dược phẩm Vimedimex. Bà Trần Thị Đoan Trang từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị của công ty từ ngày 13/2/2020.
Giới thiệu trên website của Y Dược phẩm Vimedimex, bà Nguyễn Thị Loan không chỉ là chủ tịch HĐQT của Y Dược phẩm Vimedimex mà còn giữ cương vị tương tự tại Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, Dược phẩm Vimedimex 2.
Không chỉ trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, bà Nguyễn Thị Loan từng được biết đến với vai trò lãnh đạo của loạt công ty trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Loan tham gia vào HĐQT của Ngân hàng TPCP Việt Á (Mã: VAB) và đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT.
Trong lĩnh vực chứng khoán, bà Loan là Chủ tịch HĐQT của hai đơn vị là Chứng khoán Hòa Bình (Mã: HBS) và Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Quốc tế. Chứng khoán Hòa Bình hiện là cổ đông lớn của Quản lý quỹ Quốc tế.
Ở lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, nơi bà Nguyễn Thị Loan làm chủ tịch đang sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland. Công ty bất động sản này phát triển các dự án như Iris Garden, Eden Rose, The Emerald...
Doanh thu vượt 18.000 tỷ đồng, lớn nhất các công ty dược phẩm niêm yết
Trở lại hoạt động kinh doanh của Y Dược phẩm Vimedimex, hai lĩnh vực chính của công ty là sản xuất và phân phối dược phẩm. Công ty đang có 4 công ty con là Công ty TNHH - Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex (Hà Nội), Công ty TNHH Dược Phẩm Vimedimex (TP HCM), Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương (TP HCM) và Công ty TNHH MTV Dược liệu Vimedimex.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đang có doanh thu lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của đơn vị này là 7.642,6 tỷ đồng.
Nói về quy mô doanh thu, giá trị bán hàng và cung cấp dịch vụ của Y Dược phẩm Vimedimex liên tục tăng trưởng kể từ khi niêm yết. Sau 10 năm niêm yết, quy mô doanh thu của công ty gấp hơn 3 lần, hiện lớn nhất trong các công ty dược phẩm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 của công ty là 18.168 tỷ đồng, tương đương mức 18.260 tỷ đồng của năm 2019.
Tương quan so sánh, doanh thu của Y Dược phẩm Vimedimex nhiều hơn tổng doanh thu loạt công ty dược phẩm lớn cộng lại như Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Pymepharco (Mã: PME), Traphaco (Mã: TRA), Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1, Dược Hà Tây (Mã: DHT)...
Mặc dù vậy, với mô hình của công ty phân phối dược phẩm, biên lợi nhuận ròng của công ty rất thấp. Lợi nhuận sau thuế hàng năm của Y Dược phẩm Vimedimex chỉ quanh 30 tỷ đồng. Năm 2020, công ty báo lãi 37,3 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, lãi sau thuế của công ty đạt 19,2 tỷ đồng.
Với lợi nhuẩn tương đối ổn định, Y Dược phẩm Vimedimex duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20% (tức 2.000 đồng/cp) mỗi năm giai đoạn 2013 - 2020.