|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn

09:58 | 19/05/2019
Chia sẻ
Chính quyền nhiều xã ở tỉnh Nam Định đang loay hoay tìm địa điểm tiêu huỷ lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi. Cùng cực, có xã khẳng định sẽ bỏ tiền ngân sách mua đất để chôn lợn. Tình hình bệnh dịch ngày một căng thẳng.

Loay hoay chôn lấp

Tổng đàn lợn của huyện Trực Ninh dao động khoảng 80.000 con. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn mang tính nông hộ, nhỏ lẻ. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Nam Định xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào giữa tháng 3/2019.

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn - Ảnh 1.

Ánh mắt xót xa của người dân khi nhìn đàn lợn bị đem đi tiêu huỷ. Ảnh: Hưng Giang.

Sau hơn 2 tháng bị dịch "tấn công", đã có 1/2 tổng đàn lợn của huyện Trực Ninh buộc phải tiêu hủy. Tính đến ngày 14/5, huyện Trực Ninh đã phải tiêu hủy 35.140 con lợn, tổng trọng lượng là trên 1.800 tấn (tại 7.756 hộ, 329 xóm). Hiện số lượng tiêu hủy vẫn tăng theo từng ngày.

Chia sẻ với PV NNVN, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Trực Ninh cho hay, dịch bệnh đang diễn hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều địa phương, số lượng lợn đã tiêu hủy lên đến hàng nghìn con. Trong đó, điển hình xã Trực Thắng (tiêu hủy 4.109/7.883 con), Trực Đại (4.875/12.371 con), Việt Hùng (2.440/ 4.619 con)… Dịch đã phủ kín 21/21 xã, thị trấn của huyện Trực Ninh.Sau hơn 2 tháng bị dịch “tấn công”, đã có 1/2 tổng đàn lợn của huyện Trực Ninh buộc phải tiêu hủy. Tính đến ngày 14/5, huyện Trực Ninh đã phải tiêu hủy 35.140 con lợn, tổng trọng lượng là trên 1.800 tấn (tại 7.756 hộ, 329 xóm). Hiện số lượng tiêu hủy vẫn tăng theo từng ngày.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, UBND huyện đã hỗ trợ các xã, thị trấn hàng nghìn lít thuốc sát trùng, vật tư phục vụ tiêu hủy lợn, chế phẩm EM xử lý hố chôn tiêu hủy lợn…

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn - Ảnh 2.

Giật điện chết lợn trước khi đem đi tiêu huỷ. Ảnh: Hưng Giang.



Bên cạnh đó, BCĐ huyện đã phân công 21 cán bộ huyện về 21 xã, thị trấn để trực tiếp tham gia chỉ đạo. Thành lập tổ công tác thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch được duyệt.

Ông Tùng cho biết thêm, do số lượng lợn tiêu hủy mỗi ngày một tăng lên nên nhiều địa phương trong huyện thiếu hụt quỹ đất tiêu hủy lợn. Để có diện tích đất tiêu hủy những đàn lợn dịch tiếp theo, các địa phương đã buộc phải mua thêm diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để mua được diện tích đất thuận lợi cho việc tiêu hủy cũng gặp không ít khó khăn.

Mệt mỏi lắm rồi…

Đó là lời tâm sự của các cán bộ, công nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống và tiêu hủy lợn dịch. Đã hơn 1 tháng nay, ông Trần Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Trực Ninh không có một ngày nghỉ ngơi. Vào các dịp nghỉ lễ, ông vẫn phải làm việc bình thường. Công việc cứ nối tiếp từ ngày này qua ngày khác.

Từ khi DTLCP xuất hiện tại xã Trực Đại (địa phương có tổng đàn lớn nhất huyện - PV), ông Lâm được UBND huyện phân công về địa phương giám sát, chỉ đạo việc tiêu hủy lợn.

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn - Ảnh 3.

Xe gom lợn chết rong ruổi khắp xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ảnh: Hưng Giang.


Có mặt tại xã Trực Đại, trưa 15/5, trời nóng, oi bức nhưng bộ phận tham gia công tác tiêu hủy lợn vẫn tích cực làm việc. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, ông Lâm phân trần: “Chúng tôi mệt mỏi, oải lắm rồi! Mệt rã người. Hơn tháng nay anh em chưa có ngày nghỉ”.

Trưa cùng ngày, gia đình ông Nguyễn Văn Thẩm ở xóm 4, xã Trực Đại đã báo cáo chính quyền tới chở 2 con lợn nái trọng lượng 132kg đi tiêu huỷ. Trước đó, chiều 14/5, lợn có dấu hiệu bỏ ăn, nằm một chỗ. “Hai con lợn nái nhà tôi nuôi được hơn 1 năm qua. Hiện cả hai con đang chửa lứa thứ hai, cuối tháng này là sẽ đẻ. Nếu chăm tốt, số tiền bán lợn con mỗi năm cũng được hơn chục triệu. Giờ thì…”, ông Thẩm chua xót nói.

Trong khi đó, ông Chu Đức Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Đại cũng lắc đầu ngao ngán vì quá mệt mỏi trước “đại dịch” lợn càn quét qua địa phương. Hơn 1 tháng nay, ông và nhiều cán bộ trong xã chạy đôn chạy đáo, từ xóm nọ qua xóm kia để ghi nhận thực tế, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã.

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn - Ảnh 4.

Bãi xử lý rác thải xã Trực Đại được tận dụng để chôn lợn dịch. Ảnh: Hưng Giang.



Theo ông Chỉnh, toàn xã có 1.602 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn toàn xã là trên 12 nghìn con. Ngày 1/4, UBND xã chính thức công bố DTLCP trên địa bàn. Đến hết ngày 14/5, toàn xã đã tiêu hủy 4.875 con với trọng lượng gần 300 tấn. Thiệt hại nhiều tỷ đồng. Hiện số lượng lợn bỏ ăn, ốm mệt vẫn tăng theo từng ngày.

Ông Chỉnh chia sẻ, để có nhân công tiêu hủy lợn ốm, chính quyền xã đã phải thuê 350 nghìn đồng/ngày/người. Lúc cao điểm, phải thuê đến 15 nhân công/ngày. Riêng tiền thuê máy múc để đào hố là hơn 3 triệu đồng/ngày. Số tiền chi phí cho việc tiêu hủy quá lớn, trong khi đó quỹ dự phòng của xã lại rất ít, không đủ cho việc chi trả. Giờ chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của huyện, tỉnh.

Riêng chỗ chôn lấp, xã phải đưa ra 3 hướng để lấy ý kiến người dân. Một là tại bãi xử lý rác thải, hai là bãi tha ma, phương án ba là xã bỏ ngân sách mua đất để tiêu huỷ lợn. Cuối cùng, xã này đã phải sử dụng bãi xử lý rác thải làm địa điểm tiêu huỷ lợn.

Nam Định: Bàn chuyện mua đất chôn lợn - Ảnh 5.

Chủ tịch xã Trực Đại khẳng định, nếu cần sẽ bứng cây xanh để lấy chỗ chôn lợn. Ảnh: Hưng Giang.


Tâm sự với chúng tôi, anh Phạm Văn Thuận, cán bộ thú y xã Trực Đại bảo, mệt mỏi, kiệt sức đến mức chán nản nhưng vì trách nhiệm, công việc nên vẫn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “Thực sự, hiện tại, tôi quá mệt mỏi, kiệt sức. Nhiều lúc, nghe điện thoại nóng cả máy, mỗi ngày tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại từ người dân báo về việc lợn chết. Nắm bắt tình hình, anh em cán bộ lại xuống tận nhà để ghi nhận, hướng dẫn, chỉ đạo chôn lấp. Có hôm, tối khuya mới về tới nhà”.

“Vợ tôi bị ốm, nằm viện gần 20 ngày trên thành phố Nam Định, nhưng không có thời gian lên chăm. Trong thời gian vợ điều trị tại viện, duy nhất tôi lên thăm vợ được 1 lần, được khoảng nửa ngày là phải về luôn. Con cái cũng mặc phó cho ông bà chăm sóc hộ…”, anh Thuận than thở.

"Với số lợn chết nhiều như thế, chúng tôi đã đào tới 45 hố để chôn lợn. Nếu tình hình diễn biến như hiện nay, chỉ khoảng 15 ngày nữa là xã hết lợn. Chỗ đất trống trong bãi rác đã gần quá tải, cần thiết chúng tôi sẽ bứng toàn bộ cây xanh trong khuôn viên đễ đào hố chôn lợn", Phó Chủ tịch UBND xã Trực Đại Chu Đức Chỉnh chán nản nói.


Kế Toại - Mai Chiến