|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2019, Trung Quốc làm gì để phá 'vòng vây' của Mỹ?

20:15 | 24/12/2018
Chia sẻ
Những khác biệt tư tưởng cốt lõi giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Vì thế, cuộc chiến thương mại và cạnh tranh vị trí thống trị về công nghệ hiện nay cũng sẽ không kết thúc sớm.
nam 2019 trung quoc lam gi de pha vong vay cua my
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ còn kéo dài. (Ảnh: SCMP)

Theo phân tích của hãng phân tích tình báo Stratfor, Trung Quốc đã nhận ra rằng tấn công kinh tế chỉ là một khía cạnh trong kế hoạch lâu dài của Mỹ nhằm kiềm chế trỗi dậy của Bắc Kinh, nên chính phủ Trung Quốc không nuôi ảo tưởng rằng họ có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay một cách dễ dàng, hoặc không phải chấp nhận những nhượng bộ lớn hơn cả cái giá của chiến tranh thương mại.

Giữa một bên là đòi hỏi của Mỹ về việc mở rộng thị trường với một bên sự cần thiết phải cách cách trì trệ trong nước, Bắc Kinh cũng cần phải tự cải thiện khả năng cạnh tranh của mình, mở cửa thêm nền kinh tế và tự khẳng định họ là người bảo đảm cho thương mại tự do trong bối cảnh gia tăng chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

Vì thế, trong năm 2019, Bắc Kinh sẽ tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghệ với các cường quốc khác nhằm ngăn chặn Mỹ cắt đứt các chuỗi cung ứng quan trọng và thuyết phục các đồng minh của Mỹ không xúc tiến những thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc.

Trọng tâm của Mỹ

Washington chỉ còn 2 vòng lựa chọn nữa trước khi tiến đến mức áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi giai đoạn đình chiến áp thuế được kéo dài thêm, Mỹ sẽ vẫn duy trì nhiều nỗ lực nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm việc tấn công vào những ngành công nghiệp liên quan đến chương trình Made in China 2025 của Trung Quốc; thách thức cách làm thương mại, hạn chế tiếp cận thị trường và ép buộc chuyển giao sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Mỹ sẽ bắt tay với các đồng minh để đối phó với tình trạng đánh cắp bí mật thương mại; cải tiến các quy tắc thương mại quốc tế để thách thức, hoặc ở mức độ nào đó là cô lập hệ thống kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.

Mỹ cũng sẽ tìm cách thuyết phục các đối tác thương mại của Trung Quốc như Nhật Bản và EU không ký thỏa thuận với Bắc Kinh. Ngay cả việc Washington muốn cải tổ hoặc dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng là một phần trong nỗ lực tìm kiếm công cụ tốt hơn để thách thức Trung Quốc.

Vì thế, theo Stratfor, trong năm 2019, Trung Quốc sẽ tập trung vào 3 cách tiếp cận nhằm quản lý những thách thực hiện nay và trong tương lai từ Mỹ, đó là: ưu tiên đàm phán và đối thoại với Mỹ; vừa thúc đẩy tự do hóa vừa nâng cao khả năng tự lực; tìm kiếm thêm thị trường nước ngoài.

Ưu tiên đàm phán với Mỹ

Bắc Kinh đã trả đũa Mỹ bằng 2 vòng áp thuế, và bắn tín hiệu về ý định sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc trở thành con tin. Nhưng gần đây, chính phủ Trung Quốc có cách tiếp cận khôn ngoan hơn đối với cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ, duy trì đối thoại và bảo đảm rằng cách phản ứng của họ sẽ hỗ trợ con đường cải cách và những lợi ích kinh tế trong nước.

Chiến lược ngắn hạn của Trung Quốc sẽ là sẵn sàng đối thoại và duy trì quan hệ qua các kênh kinh tế. Bắc Kinh phải làm điều này một phần vì các thách thức kinh tế trong nước: nền kinh tế Trung Quốc đang chịu gánh nặng nợ nần và thị trường bất động sản có tính đầu cơ cao. Áp lực bên ngoài từ Mỹ càng làm trầm trọng hơn các thách thức sẵn có và hạn chế lựa chọn chính sách của Bắc Kinh.

Lựa chọn chính sách ngắn hạn của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức độ áp lực về thuế mà thương mại mà Mỹ gây ra. Nếu Washington áp đầy đủ các biện pháp thuế, số lượng người thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ tăng thêm 5,5 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội giảm khoảng 1 điểm phần trăm và dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đang có nhà xưởng ở Trung Quốc phải chuyển sang nước khác.

Viễn cảnh đó sẽ gây áp lực khiến Bắc Kinh vừa phải duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế vừa phải hạn chế tín dụng để ngăn chặn rủi ro mắc nợ thêm. Những hạn chế về chính sách sẽ khiến Trung Quốc phải dùng các công cụ ít mong muốn hơn, như mở rộng thâm hụt tài khóa, để giảm nhẹ tác động của tình trạng tiêu dùng ít đi và kích thích khu vực kinh tế tư nhân.

Để đối với Mỹ, Trung Quốc đã đề xuất nhập thêm nhiều mặt hàng từ Mỹ như nông sản, than, dầu và khí tự nhiên; mở rộng tiếp cận thị trường và nâng cao bỏa vệ sở hữu trí tuệ. Một cách gián tiếp, lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực khẳng định với thế giới rằng họ cam kết mở cửa thêm thị trường bằng cách tăng cường nhập khẩu, hiện đại hóa các khu tự do thương mại ở Thượng Hải và Hải Nam, và tăng cường tự do hóa ngành giáo dục và y tế.

Tuy nhiên, cho đến nay những cam kết đó chỉ được triển khai một cách thận trọng và chưa đủ để thuyết phục Washington dừng tăng thuế. Nhưng thay vì gây sức ép lên các doanh nghiệp Mỹ để trả đũa, Bắc Kinh vẫn duy trì cam kết mở cửa với các doanh nghiệp nước ngoài.

Xây dựng 2 mặt trận

Việc Trung Quốc cam kết tiếp tục cải cách thị trường không chỉ liên quan nhiều đến áp lực bên ngoài ngày càng tăng mà cả nhu cầu phải cải tổ nền kinh tế trong nước, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả và một số ngành đang cần hợp tác quốc tế.

Bắc Kinh hiểu rằng các chính sách bảo hộ của họ mâu thuẫn với mục tiêu tạo ra một ngành công nghiệp cạnh tranh hơn và tạo ra giá trị lớn hơn.

Dù ưu tiên đàm phán với Mỹ và tiếp tục tự hóa hóa trong một số ngành như tài chính, công nghệ cao, viễn thông và năng lượng, Bắc Kinh sẽ vẫn ưu tiên nhiệm vụ tăng cường tự lực trong một số ngành khác.

Cụ thể, Trung Quốc thấy khó có thể đáp ứng nhiều đòi hỏi của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Nỗi lo sợ Mỹ có thể cắt đứt các chuỗi cung ứng công nghệ, như việc Mỹ cấm xuất khẩu thiết bị bán dẫn cho hãng viễn thông ZTE, sẽ khiến Bắc Kinh quyết tâm hơn để theo đuổi mục tiêu tự cường trong những ngành công nghệ chiến lược như thiết bị bán dẫn, công nghệ sinh học, hàng không và thông tin.

Trước sức ép của Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hợp tác với các cường quốc công nghệ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Israel; đồng thời tăng cường hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài.

Tìm thêm thị trường

Để đối phó với các chính sách thương mại của Mỹ, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phá vỡ vòng vây của Mỹ cùng các đồng minh và các tổ chức thương mại quốc tế.

Những mục tiêu đó sẽ khiến Trung Quốc càng ưu tiên phát triển quan hệ với các quốc gia trong sáng kiến Vành đai Con đường. Các quốc gia trong sáng kiến này chiếm đến 27,3% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018, vượt qua giá trị thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Tất nhiên, thị trường ở các nước trong sáng kiến này không thể thay thế Mỹ, nhưng đối với Bắc Kinh, Vành đai Con đường, cũng như khả năng tiếp cận nhiều hơn về đường bộ và đường biển, giúp họ đối phó với bất kỳ chiến lược vây hãm nào của Mỹ ở dọc bờ biển phía đông. Dù vấp phải phản ứng tiêu cực ngày càng nhiều hơn từ các nước trong phạm vi Vành đai Con đường, Bắc Kinh sẽ vẫn thúc đẩy sáng kiến này và thuyết phục thêm nhiều quốc gia tham gia.

Trung Quốc cũng sẽ cố đẩy nhanh quá trình đàm phán các thỏa thuận khác, như hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như đàm phán với những đối tác thương mại chủ chốt khác như Nhật Bản và Hàn Quốc; tăng cường đối thoại với các nước phát triển khác như Anh và Canada...

Trung Quốc phải lường trước tất cả những thách thức sẽ đến khi thương mại giảm sút và cạnh tranh sức mạnh ngày càng gay gắt với Mỹ. Và trong năm 2019, Bắc Kinh chắc chắn sẽ làm rất nhiều cách để hạn chế tác động tiêu cực và suy trì sức sống cho nền kinh tế của họ.

Xem thêm

Bình Giang