Na Uy có những qui định gì về bao gói và nhãn mác?
Qui định về nhãn mác
Theo thương Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Na Uy, với tư cách là một quốc gia thành viên EEA, áp dụng các yêu cầu ghi nhãn sản phẩm của EU. Bên cạnh đó, Na Uy cũng có các qui định riêng. Những qui định liên quan đến nhãn mác bao gồm:
- Ghi nhãn đa ngôn ngữ được cho phép, nhưng ít nhất phải có tiếng Na Uy.
- Tất cả hàng hóa nhập khẩu cũng như chứng từ vận chuyển phải hiển thị đơn vị đo lường và trọng lượng.
- Nếu hàng hoá yêu cầu phải có xuất xứ, thì xuất xứ phải được đóng dấu trên sản phẩm hoặc hiển thị trên nhãn hàng hoá.
- Việc sử dụng nhãn sinh thái không phải bắt buộc nhưng được khuyến khích. Tiêu chí khí thải carbon phải được thể hiện trên nhãn sinh thái.
- Các sản phẩm phải được dán nhãn nếu hơn 2% bất kì thành phần nào có nguồn gốc từ công nghệ sinh học.
- Tất cả thực phẩm đóng gói sẵn phải được ghi rõ ràng tên, thành phần, trọng lượng và khối lượng, thời gian lưu giữ, bất kì hướng dẫn thích hợp nào về việc lưu trữ và ngày tiêu thụ cuối cùng. Tất cả các sản phẩm phải hiển thị tên và địa chỉ của nhà sản xuất và nhập khẩu.
- Đối với bao bì hàng hoá sử dụng chất liệu gỗ, cần phải ghi nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế ISPM 15.
Danh mục sản phẩm phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU
Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.
- Thuỷ sản.
- Thực phẩm.
- Giày dép.
- Các sản phẩm liên quan đến năng lượng.
- Các sản phẩm thịt.
- Các sản phẩm dệt.
- Săm lốp.
- Rượu vang.
Qui định về bao gói
Na Uy tuân theo các qui định của EU liên quan đến bao gói. Mục đích chính của đóng gói là để bảo vệ chất lượng ban đầu và vệ sinh của sản phẩm, cho tới khi chúng đến tay người tiêu dùng.
Có nhiều yêu cầu pháp lí khác nhau đối với đóng gói cho các loại hàng khác nhau, tùy theo nó được dùng cho sản xuất công nghiệp hay cho con người. Mục đích vẫn là bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Một nhóm những Chỉ thị của EU qui định loại chất liệu bao gói được dùng khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Chỉ thị Đóng gói có những điều khoản về ngăn chặn chất thải bao gói, về tái sử dụng và về thu gom và tái chế chất thải bao gói.