Mỹ tiếp tục dẫn đầu thị trường tiêu thụ tôm của Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết theo thống kê mới nhất của ITC, năm 2020, Mỹ nhập khẩu từ 82 quốc gia, trong đó, Việt Nam là thị trường nguồn cung tôm lớn thứ 4 của Mỹ (sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador).
Năm 2020, Mỹ nhập khẩu 747,2 nghìn tấn tôm với tổng trị giá nhập khẩu là 6,64 tỷ USD, tăng 7% cả về khối lượng và giá trị so với năm 2019.
Giá nhập khẩu tôm trung bình năm ngoái tăng nhẹ so với năm 2019, đạt 8,88 USD/kg. Năm 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 869,8 triệu USD, tăng 33% so với năm trước.
Thị trường Mỹ thu hút đông đảo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, có gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ trong năm 2020, trong đó STAPIMEX, MINH PHU HAU GIANG và VINA CLEANFOOD là ba doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này.
Xuất khẩu tôm trong năm 2020 cũng tăng trưởng dương khả quan liên tục, trong đó, tăng mạnh nhất vào quý 3/2020 với giá trị xuất khẩu, tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt mức cao nhất 118,9 triệu USD.
Dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ thị trường tiêu thụ đã phục hồi sau COVID-19.
Nhìn lại một năm nhập khẩu tôm của Mỹ, vào tháng 4-5/2020, doanh số bán tôm của Mỹ sụt giảm từ 70- 80% do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, doanh số bán tôm bắt đầu tăng nhiều trở lại do nhiều nhà hàng trên khắp nước Mỹ chuyển sang dịch vụ take-away và giao hàng tận nơi (Delivery Services).
Đây là một nỗ lực lớn của các nhà hàng Mỹ, duy trì hoạt động 25% so với các năm trước. Năm 2020, doanh số bán lẻ tôm rất mạnh, lên mức 30-35% tổng doanh thu so với mức 25% của các năm khác.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tôm không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt trong ngành kinh doanh thực phẩm của Mỹ trong năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập bình quân người dân giảm, bất an kinh tế và chính trị đã khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ bị kìm hãm. Nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm tôm bóc bỏ thường được bán cho các nhà hàng giảm, nhập khẩu sản phẩm tôm chế biến tăng 13%.
Ngành tôm Ấn Độ năm 2020 phải đối mặt với nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid, dịch bệnh trên tôm, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm. Bệnh vi bào tử trùng và bệnh phân trắng khiến tôm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn.
Hai bệnh này cùng với virus đốm trắng và dịch bệnh COVID-19 làm giảm lợi nhuận và năng suất, mật độ thả nuôi, tỷ lệ sống và giảm 50% tỷ lệ thành công tại các trại nuôi. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn duy trì được vị trí số 1 tại thị trường Mỹ.
Ngành tôm Ecuador năm 2020 cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá tôm liên tục giảm, vận chuyển, logistics, thị trường bị gián đoạn do dịch COVID-19. Sản lượng tôm nuôi của Ecuador 10 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 7% đạt 563.051 tấn.
Xuất khẩu tôm Thái Lan sang Mỹ năm 2020 giảm do tỉnh sản xuất tôm lớn của nước này bị phong tỏa vì dịch Covid.
nhập khẩu tôm của Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm do chiến tranh thương mại giữa 2 nước vẫn tồn tại. Tháng 11/2020, Mỹ nhập khẩu 585 tấn tôm từ Trung Quốc, trị giá 3 triệu USD, giảm 50% về khối lượng và 47% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.