|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp tuyên bố ra mắt 5 mẫu xe máy điện, cạnh tranh với 'ông lớn' VinFast

21:32 | 16/06/2021
Chia sẻ
CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết sẽ ra mắt 5 xe máy điện, đây cũng là định hướng đầu tư của công ty trong tương lai gần.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (Mã: SHE) cho biết tiếp tục đẩy mạnh đầu tư sản xuất xe máy điện và sẽ cho mắt 5 mẫu xe điện EVgo. 

Công ty đã hoàn thành đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Bắc Ninh và đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, cấp chứng nhận COP về lắp ráp xe máy điện. Giai đoạn 1 có công suất từ 20.000 – 30.000 chiếc mỗi năm.

Năm ngoái, Năng lượng Sơn Hà bắt tay với Tập đoàn Bosch (Đức), công ty cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị sử dụng cho xe điện, để cùng phát triển công nghệ sản xuất xe máy điện EVgo.

Tới cuối tháng 11/2020, công ty ra mắt thị trường và kinh doanh hai mẫu xe EVgo C và EVgo D tại Head EVgo Center tại Hà Nội, đồng thời đang hợp tác với các đơn vị mở điểm bán tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tĩnh...

Thời điểm khánh thành nhà máy đầu tháng 10, ông Đinh Đức Tuấn, Giám đốc Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện EVgo cho biết mục tiêu trong vòng 5 - 10 năm tới sẽ trở thành một trong ba nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10-20% thị phần xe hai bánh trong nước (khoảng 300.000 – 600.000 xe/năm).

Một doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 300 tỷ đồng, đẩy mạnh đầu tư vào xe máy điện - Ảnh 1.

Xe máy điện EVgo của công ty Sơn Hà. (Ảnh: Sơn Hà).

Ông Đinh Đức Tuấn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sơn Hà, nhận định rằng xe máy điện sẽ trở thành phương tiện giao thông cá nhân chính thay thế xe máy sử dụng động cơ đốt trong, đồng thời cũng là định hướng đầu tư đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại cho công ty trong tương lai gần.

Trước Sơn Hà, thị trường xe máy điện ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ và chủ yếu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Mãi tới năm 2018, hãng xe VinFast là doanh nghiệp nội mới gia nhập thị trường, khơi mào cho làn sóng sản xuất kinh doanh xe điện trong nước với sản phẩm đầu tiên là Klara.

Tiếp đó, hãng xe Honda cũng ra mắt và chạy thử xe máy điện, hay tập đoàn MBI Hàn Quốc ra mắt ba mẫu xe điện vào thị trường Việt Nam. Ngay cả công ty startup mới thành lập như Dat Bike cũng nắm bắt cơ hội và gia nhập thị trường xe máy điện năm 2018.

Làn sóng tham gia vào lĩnh vực xe điện của các doanh nghiệp trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường trở thành vấn nạn và các quốc gia đang tìm cách khuyến khích sử dụng các nguyên liệu xanh thay thế. Trong đó, xe máy điện là một trong những phương tiện có thể làm giảm đáng kể lượng khói bụi ở khắp các thành phố châu Á.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Absolute Reports, từ 2013 đến 2018, doanh số xe máy điện toàn cầu tăng trưởng ổn định 4,6% mỗi năm. Doanh số thực tế năm 2017 đạt hơn 17,3 triệu xe và tăng lên mức hơn 18 triệu xe trong năm 2018. 

Dự tính với tốc độ tăng trưởng hiện tại 4,6%, doanh số xe máy điện toàn cầu sẽ chạm ngưỡng hơn 23 triệu xe vào năm 2024.

Còn theo thống kê của MotorCycles Data, VinFast đứng đầu trong số các hãng xe điện và ước tính mỗi tháng nhà sản xuất này đạt doanh số khoảng 10.000 chiếc xe, năm 2020 có thể đạt trên 100.000 chiếc, tăng gấp đôi với năm 2019.

Khảo sát của Frost & Sullivan (Mỹ), có 33% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đều trả lời rằng họ nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu ra mắt. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá sẽ là một thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp xe điện.

Năm 2021, CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà dự kiến đạt doanh thu 300 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận theo kế hoạch là 20 tỷ đồng trong năm nay. Mức cổ tức dự kiến 20%.

Công ty cũng dự định sẽ tăng vốn từ gần 66 tỷ lên gần 80 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu ESOP.

Tường Vy

Thống đốc: Vẫn phải duy trì room tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định lạm phát
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã bỏ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này. Tuy nhiên, chưa thể bỏ biện pháp room tín dụng với các TCTD khác nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định lạm phát.