|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh, nếu bỏ lỡ Việt Nam sẽ không còn cơ hội sửa sai'

09:28 | 05/06/2021
Chia sẻ
Thị trường xe điện trên thế giới được dự báo sẽ cán mốc 803 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 22,6%, theo Allied Market Research.
‘Chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh, nếu bỏ lỡ Việt Nam sẽ không còn cơ hội sửa sai' - Ảnh 1.

Tesla Model S 2021 - phiên bản nâng cấp của Tesla Model S, chiếc xe mở đầu cuộc cách mạng ô tô điện trên thế giới. (Ảnh: Car and Driver).

Tháng 6/2012, Tesla đã mở đầu cuộc cách mạng xe điện bằng việc tung ra mẫu Model S - rất nhanh chóng một năm sau Tesla Model S đã vươn lên trở thành một trong ba mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới. Với giá hơn 70.000 USD, chiếc xe điện này vẫn chưa khi nào hết hot tại các thị trường phát triển.

Kể từ thời điểm đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trên thế giới đã có một bước đi dài. Năm ngoái, bất chấp sự sụt giảm doanh số của dòng xe du lịch do đại dịch COVID-19, trên toàn cầu vẫn có 3,1 triệu chiếc xe điện được bán ra, tăng 39% so với năm trước đó, theo Canalys. Và dự báo năm 2021, con số này sẽ vượt mốc 5 triệu chiếc, tương đương 7% số xe mới bán ra trên toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Vietnamnet, chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú nhận định: “Chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh. Bỏ lỡ chuyến tàu duy nhất này, Việt Nam sẽ mãi tụt hậu và không bao giờ còn cơ hội sửa sai”.

Ồ ạt các chính sách ưu đãi xe điện

Để khuyến khích người dân thay thế xe xăng bằng xe điện, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hàng loạt các chính sách như hỗ trợ tiền mặt, giảm thuế, phí, đỗ xe miễn phí…

Tại Đức, nếu mua một chiếc Hyundai Kona bản chạy điện giá 48.000 euro, chính phủ sẽ tặng luôn 11.000 Euro vì đã chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. Các hãng xe khác cũng tương tự, số tiền được hỗ trợ phụ thuộc vào giá trị ban đầu của chiếc xe, thường giao động trong khoảng 5.625 - 11.000 euro và được khấu trừ dần. Đây là chính sách miễn thuế lưu hành hàng năm trong vòng 10 năm cho xe điện của Chính phủ Đức.

Sự phát triển và đổi mới của công nghệ trên ô tô điện cũng thực sự thần tốc. Chậm chân một ngày, doanh nghiệp nói riêng và cả nền sản xuất và công nghệ của một quốc gia có thể bị bỏ lại phía sau.
Chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh. Bỏ lỡ chuyến tàu duy nhất này, Việt Nam sẽ mãi tụt hậu và không bao giờ còn cơ hội sửa sai.

  • Chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú

Hay như tại Pháp, người dân sở hữu xe xăng có tuổi đời khoảng 10 năm nếu chuyển đổi sang xe điện sẽ được chính phủ cấp một khoản tiền thưởng trị giá 10.000 euro, trong đó phần tiền thưởng cho việc mua xe điện là 6.000 euro và phần thưởng bổ sung là 4.000 euro. Chính sách này được Pháp duy trì từ năm 2008 đến nay.

Tại Nhật Bản, ngay từ những năm 1996, một chương trình ưu đãi xe điện đã được khởi động. Theo đó, với người dân mua một chiếc xe điện tiêu chuẩn mới hoàn toàn sẽ nhận về 100.000 yên hoặc 50.000 yên cho một mẫu xe điện mini.

Nếu người tiêu dùng phải loại bỏ một chiếc xe xăng đã qua sử dụng có tuổi đời 13 năm trở lên để mua xe điện sẽ được nhận 250.000 yên đối với xe tiêu chuẩn và 125.000 yên nếu là xe mini.

Về phía các nhà sản xuất, chính phủ mỗi nước cũng có những ưu đãi riêng cho ngành chế tạo xe điện nhằm giúp các công ty bắt kịp cuộc đua công nghệ. Đơn cử như tại Thái Lan, quốc gia có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, xe điện hóa đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2009.

Từ năm 2004, nước này đã áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô dựa trên mức phát thải CO2 thay vì dung tích động cơ như Việt Nam hiện nay. Chính sách phát triển xe điện quốc gia của Thái Lan dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại đây, các nhà cung ứng linh phụ kiện trong nước để hướng tới trở thành nhà sản xuất xe điện toàn cầu.

Hay như Malaysia, toàn bộ dòng xe điện sẽ được áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cố định 10%, thấp hơn rất nhiều nếu so với con số 60% - 105% đối với các loại xe xăng hiện tại. Việc áp dụng các mức cố định thay vì căn cứ theo mức phát thải CO2 giúp nước này giảm chi phí kiểm định và tránh phức tạp trong khâu quản lý.

Tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện thay vì tập trung ưu đãi vào người mua xe cũng là chiến lược phát triển ngành ô tô điện của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua. Bằng việc loại bỏ các thuế, phí không cần thiết đồng thời kìm hãm sự thâm nhập thị trường của các hãng xe điện nước ngoài vào thị trường tỷ dân, hiện Trung Quốc đang sở hữu trong tay một loạt các thương hiệu xe điện có tiếng như BYD, Geely hay SAIC,…

“Chúng ta đã tụt hậu quá xa trong cuộc chơi xe điện”

Trong chuyến thăm cơ sở sản xuất xe bus điện Proterra ở South Carolina, Tổng thống Joe Biden đã phải thốt lên: “Chúng ta đang tụt hậu quá xa so với Trung Quốc trong cuộc chơi xe điện. Mỹ sẽ còn rất nhiều việc phải làm để dành lại ngôi vị dẫn đầu”. 

Mặc dù Mỹ là quê hương của Tesla, song nhà máy lớn nhất của Tesla lại được đặt tại ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc. Theo Canalys, năm 2020, tại Trung Quốc đã có hơn 1,3 triệu chiếc xe điện được bán ra, trong khi tại Mỹ, con số này chỉ dừng ở mức 328.000 chiếc.

Trong những năm qua, với hàng loạt các chính sách ưu đãi cho người mua xe cũng như hỗ trợ nhà sản xuất, châu Âu đã trở thành nơi có tốc độ phát triển xe điện nhanh nhất thế giới. Trong năm 2020, doanh số xe điện châu Âu tăng 137% đạt 1,4 triệu xe, trong khi mức tăng ở Trung Quốc chỉ là 12% và Mỹ tăng 4%.

Tổng cộng đã có khoảng 65 mẫu ôtô điện mới được tung ra ở thị trường châu Âu trong năm ngoái, nhiều gấp đôi con số ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, số mẫu xe điện mới dành cho châu Âu dự kiến là 99 mẫu, trong khi thị trường Mỹ chỉ có 15 mẫu trong năm ngoái và 64 mẫu dự kiến trong năm nay.

Có thể thấy, chậm chạm trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy xe điện đã khiến Mỹ, một trong những cường quốc sản xuất và tiêu thụ ô tô, phải ngậm ngùi đi sau Trung Quốc và châu Âu trong cuộc cách mạng xe điện.

Riêng tại Việt Nam, hiện nay chưa có một chính sách cụ thể nào cho dòng xe điện. Gần đây nhất, VinFast - hãng xe nội địa của Việt Nam, đã đề xuất thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. 

Trước đề xuất của VinFast, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện nội dung đánh giá về chính sách ưu đãi cho ô tô điện. 

Trước đó, trong một cuộc gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp với Thủ tướng chính phủ, CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang cũng bày tỏ mong muốn có cơ chế ưu đãi đối với xe điện để doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi hơn, đặc biệt trong một lĩnh vực có quá nhiều sự cạnh tranh như ngành ô tô.

Đầu năm nay, sau một thời gian phát triển các dòng xe chạy xăng, VinFast đã trình làng ba mẫu ô tô điện SUV gồm VF31, VF32, VF33 với kế hoạch mở bán trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Canada. Trong đó, sớm nhất tháng 11 năm nay hãng xe bàn giao xe điện VinFast e34 (VF31) đầu tiên cho người dùng tại Việt Nam.

Chí Dũng