Mốc tiếp theo của giá vàng 55 triệu đồng/lượng có khả thi?
Giá vàng sẽ đi về đâu?
Những ngày gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, đỉnh điểm là hôm nay (22/7) khi giá vàng đã mốc 53 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng có.
Cụ thể, tại 15h10 chiều ngày 22/7, tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC được bán ra 53,1 triệu đồng/lượng và mua vào hơn 52,1 triệu đồng/lượng, tăng 850.000 đồng/lượng mua vào và tăng vọt 1,6 triệu đồng/lượng bán ra so với chiều qua.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng đang niêm yết ở mức 52,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 52,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào tăng 800.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 1,3 triệu đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Tại chuỗi cửa hàng PNJ, giá vàng SJC được mua vào ở mức 52 triệu đồng/lượng và bán ra 52,8 triệu đồng/lượng tăng 820.000 đồng/lượng và 1,3 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua - bán.
Trao đổi với người viết chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước vẫn đang khá ổn định, cung - cầu vẫn đang cân đối và giá vàng tăng chỉ là do ảnh hưởng bởi giá thị trường thế giới.
Ông Hiếu phân tích hiện giá vàng thế giới đang chịu tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 khi số ca lây nhiệm ngày một lớn. Điều này gây hoang mang đối với thị trường tài chính thế giới.
Chính vì thế, các nhà đầu tư coi vàng như kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, chính phủ các nước tăng cường bơm tiền cho nền kinh tế, giảm lãi suất và lượng tiền đi vào lưu thông rất nhiều.
Tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp khi Mỹ kéo Anh về phe của mình để chống lại Trung Quốc. Tất cả vấn đề đó khiến thị trường vàng trở nên sôi động.
Với những lí do trên, ông Hiếu dự báo mốc giá vàng thế giới có thể đạt 1.900 USD/ounce và vàng trong nước lên tới 55 triệu đồng/lượng là hoàn toàn khả thi.
Trong báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo: "Trong quí tới, giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19".
Căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh, các đồng tiền lớn suy yếu, tất cả đẩy nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư tăng cao đã khiến giá vàng chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, VEPR nhận định.
Cẩn thận với chênh lệch mua - bán đang nới rộng
Chênh lệch mua vào - bán ra của giá vàng SJC đã hiện đã lên tới gần 1 triệu đồng và dường như đang có xu hướng nới rộng ra.
Theo ông Hiếu, nhà đầu tư cần thận trọng, biên độ mua - bán càng lớn thì rủi ro càng nhiều cho các nhà mua vàng.
“Nếu biên độ ở khoảng 300.000 - 500.000 đồng/lượng có thể chấp nhận được. Nhưng nếu biên độ lên tới gần 1 triệu đồng/lượng như hiện nay thì nhà đầu tư chú ý, mức độ rủi ro khá cao.
Nếu thời gian tới, biên độ lên tới 3 triệu đồng/lượng thì gần như các nhà buôn vàng đẩy hết rủi ro về cho người mua, khi đó không nên đầu tư vào vàng”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, khác với những lần giá vàng tăng mạnh trước đây, lượng người đi mua vàng cũng không có quá đột biến so với thường ngày.
Tại các cửa hàng bán lẻ khác cũng không có sự đột biến đáng kể so với ngày thường, khi lượng nhân viên áp đảo lượng khách đến giao dịch.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện của Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Doji cho biết lần tăng giá mới này của vàng thực chất vẫn nằm trong xu hướng tăng của vàng suốt từ đầu năm tới nay. Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm.
Giá vàng trong nước cũng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng theo giá vàng thế giới, mặc dù vậy, thị trường cũng không có quá nhiều biến động so với những tuần trước.
Xu thế chung của thị trường diễn biến vẫn bình thường theo cả hai chiều mua bán. Giao dịch mua bán tại Tập đoàn ngày hôm nay cũng không có quá nhiều biến động so với những ngày trước đây.
Tỉ lệ giao dịch mua bán tại DOJI ngày hôm nay cũng ngang bằng với mức trung bình của các ngày trước đó.
Nhà đầu tư cần làm gì trong đợt tăng giá vàng hiện nay?
Đại diện Tập đoàn Doji cho biết theo nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế đưa ra dự báo giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng và bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố như sự bùng phát làn sóng COVID-19 tiếp theo ở nhiều nước trên toàn thế giới, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu thuyên giảm và căng thẳng địa chính trị ở nhiều quốc gia trên thế giới.
“Mặc dù vậy, đầu tư vàng luôn là một kênh đầu tư rất khó nắm bắt và dự đoán cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro, bởi vậy những nhà đầu tư có ý định tham gia vào đầu tư vàng sinh lời cần thận trọng, không nên “bỏ trứng vào một giỏ” và nên phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì dồn “tất tay” vào kim loại quí”, vị này cho biết.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), thời điểm vàng chỉ nên xem vàng là kênh đầu tư chứ không phải là kênh tích trữ bởi giá vàng đang ở ngưỡng kỉ lục và ẩn chứa rủi ro giảm mạnh trong trường hợp thế giới tìm ra vacxin.
Bên cạnh đó, tiền đầu tư vào vàng không phải vốn vay thì vẫn có thể xem vàng là kênh đầu tư hấp dẫn.
“Một số người đầu tư vào vàng trong ngắn hạn là tháng 7 và tháng 8 vẫn có cơ sở. Tuy nhiên, bước sang tháng 9, 10 thì chưa chắc bởi năm nay có yếu tố đặc biệt đó là sắp diễn ra kì bầu cử tổng thống Mỹ (3/11).
Chính sách của tổng thống Mỹ và nền kinh tế nước này ảnh hưởng cực kì lớn đến giá vàng bởi mặt hàng này neo vào diễn biến đồng USD”, ông Hải nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu trong thời gian từ nay đến cuối năm, nếu nhà đầu tư chấp nhận được rủi ro với biên độ +/-10% thì mới nên nghĩ đến việc mua vàng.
“Nếu không chấp nhận được rủi ro đó, tốt nhất không nên “đụng” tới vàng”, ông Hiếu nói.