Mổ xẻ nguyên nhân khiến giá vàng lên 'cơn điên' và vẫn chưa có dấu hiệu dừng
Giá vàng giao ngay đang ở mức 2.047,90 USD/ounce theo Kitco, vàng giao tháng 10 đạt 2.048,20 USD, ghi nhận vào lúc 11h00 (giờ Việt Nam) hôm nay (7/8).
Theo tờ Washington Post, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, vàng được giao dịch ở mức giá 2.052 USD/ounce, tương ứng với mức tăng 72% kể từ đợt tăng giá hồi mùa thu năm 2018 và tăng 35% so với thời điểm đầu năm nay.
Thực tế, giá vàng đã có dấu hiệu “lên cơn sốt” tại thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19, khi nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ấn, bảo toàn tài sản an toàn.
Tháng 2/2020, tập đoàn Goldman Sachs từng dự báo giá vàng sẽ vượt mốc 1.800 USD/ounce nếu như dịch bệnh diễn biến xấu. Tuần trước, giá vàng cán ngưỡng 1.981 USD/ounce, vượt qua mức kỉ lục 1.921 USD/ounce được thiết lập hồi năm 2011.
Giới phân tích căn cứ vào các mặt hàng kim loại quí như vàng và bạc để có được đánh giá chuẩn xác về triển vọng kinh tế trong con mắt của nhà đầu tư, đặc biệt là trong các giai đoạn bất ổn kinh tế, biến động mạnh trên các thị trường tài chính khác.
Với việc Mỹ lâm vào suy thoái kinh tế sâu, hàng chục triệu người mất việc, bùng phát các ca nhiễm mới, số người chết và nhập viện vì COVID-19 tăng, giới đầu tư đang hướng đến một loại tài sản hữu hình nào đó sẽ tồn tại mãi.
Ông Ivan Feinseth, nhà đầu tư trưởng tại tập đoàn Tigress Financial Partners, cho biết ông không phải là người hâm mộ vàng.
Hồi tháng 3, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ rớt điểm mạnh, ông từng hối thúc các nhà đầu tư không bán tháo cổ phiếu. Nhưng giờ môi trường tài chính có khác biệt.
Kinh tế Mỹ suy giảm 9,5% trong quí II (tính theo cách phổ biến của thế giới), là quí có mức suy giảm mạnh nhất trong lịch sử hiện đại nước Mỹ. Có nhiều lo ngại về khả năng suy thoái mạnh hơn nếu các nỗ lực hồi phục không thành, Mỹ sẽ quay lại trạng thái đóng cửa diện rộng cùng với các biện pháp giãn cách, bảo vệ an toàn trước COVID-19.
“Nơi trú ẩn an toàn duy nhất hiện nay mà chúng ta có là vàng”, ông Feinseth nhận định, với lí do nhu cầu tìm đến kim loại quí này ngày một lớn, ai cùng tìm đến vàng và trên thị trường hàng hóa điều này lại được tiếp thêm động lực bởi đặc trưng xu thế.
Dưới đây là 5 lí do khiến giá vàng tăng vọt.
Nơi trú ẩn an toàn
Nhu cầu về vàng thường tăng vọt trong thời kì xuất hiện khủng hoảng, bất trắc, nhất là khi thị trường chứng khoán lao dốc, như từng diễn ra hồi đầu năm nay.
Tháng 3 vừa qua, giá vàng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm khi đại dịch tại Mỹ lan tràn mạnh, cùng với đó là quan ngại về năng lực của các hệ thống tài chính, đặc biệt là các ngân hàng trung ương trong vực dậy nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Chia sẻ với người viết, TS. Thái Lâm Toàn, chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Hàng ngày và đặc biệt là trong những thảm họa như đại dịch COVID-19, nhiều người học cách bảo vệ tài sản của họ với các loại tài sản an toàn. Một trong những cách này là mua vàng và lưu trữ nó.
Việc này đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về vàng. Theo qui luật cung cầu, khi cầu cao, giá phải tăng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, khi đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến lan rộng và chưa có đấu hiệu chậm lại, do đó giá vàng sẽ ngày một tăng".
Một câu nói phổ biến trong giới tài chính đó là vàng luôn là tài sản an toàn và là nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư khi khủng hoảng kinh tế, chính trị, bạo loạn xảy ra.
Theo đó, TS Toàn cho rằng điều này đúng và đã nhiều lần lặp đi lặp lại trong lịch sử. Điển hình như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giá vàng đã vọt lên 1.900USD/ounce vào tháng 11/2011.
Tính ổn định
Vàng có đặc tính nổi bật là khả năng “miễn nhiễm” trước lạm phát và những bất trắc nói chung. Kim loại quí này tương đối ổn định trong dài hạn và giá trị ít khi bị giảm do các tác động bên ngoài hay biến động của những đồng tiền khác.
Đồng USD yếu đi
Đồng USD mất giá và sự yếu đi của đồng bạc xanh khiến nó trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ, khiến vàng “rẻ hơn” tính theo đồng nội tệ của các nước khác. Ông Feinseth cũng cho biết mối liên hệ giữa đồng USD và lãi suất giảm, coi đây là chỉ dấu nhà đầu tư sẽ quan tâm đến vàng.
Còn theo TS Thái Lâm Toàn, USD và vàng luôn là hai đối thủ cay đắng không bao giờ đi trên cùng một con đường. Khi vàng lên, đồng USD xuống và ngược lại.
Chẳng hạn, vào năm 2019, khi chỉ số đồng USD đóng cửa với mức tăng hàng năm nhỏ nhất từ trước đến nay là + 0,24%, vàng đã tăng 18%.
Cả hai tương quan nghịch với nhau đến 2/3 thời gian. Cứ như vậy, khi các nhà đầu tư chuyển sang vàng, đồng USD lao dốc. Tương tự, khi đồng USD tăng vọt, vàng suy yếu.
Lợi suất trái phiếu thấp
Kể từ tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã duy trì mức lãi suất gần bằng 0 để giữ ổn định thị trường tài chính, khiến mức chi phí lãi vay ở mức thấp nhất có thể nhằm tạo động lực cho hồi phục kinh tế.
FED cũng quyết định tung hàng trăm tỉ USD để mua trái phiếu. Điều này khiến lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, đẩy vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
"Hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới giữ vàng như một tài sản dự trữ. Khi họ cảm thấy rằng họ cần dự trữ nhiều hơn, họ mua nhiều vàng hơn.
Kể từ năm 2017, xu hướng mua của Ngân hàng Trung ương đang là xu hướng tăng. Do đó, rất nhiều vàng đã được mua từ các thị trường và nhu cầu của nó tăng lên, dẫn đến việc vàng tăng giá", TS Toàn nhận định.
Vai trò của truyền thông
Giá càng tăng, giới phân tích và nhà đầu tư lại càng nói nhiều về vàng. Truyền thông tài chính đưa tin mạnh hơn về kim loại quí này. Chính điều này cũng làm tăng mức độ quan tâm của nhà đầu tư với vàng. Đó là lí do khiến nhiều nhà phân tích dự đoán giá vàng còn tăng nữa.
Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) mới đây đưa ra dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào quí I/2021 với xác suất 40%, gắn với tình trạng hỗn loạn kinh tế sâu sắc trên phạm vi toàn cầu.
Nhấn mạnh về nguyên nhân vàng tăng giá dữ dội, chuyên gia kinh tế Thái Lâm Toàn cho hay: "Không có yếu tố duy nhất nào ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng. Thay vào đó, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố".
Theo đó, chuyên gia này bổ sung thêm lí do khiến vàng tăng không ngừng những ngày gần đây. Đó là việc khai thác mỏ vàng.
"Khi ngành công nghiệp khai thác phát triển, các mỏ vàng đang dần trở nên cạn kiệt. Điều này công ty lần lượt phải tìm kiếm các mỏ khai thác mới.
Nếu chi phí thăm dò và đào tăng lên, giá vàng sẽ tăng lên. Chính thế, giá sản xuất vàng tại các mỏ mới có thể sẽ đắt hơn tại các mỏ cũ".
Ngoài ra, ông cho rằng vàng cũng giống như tất cả các mặt hàng khác, bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Vì thế, khi lạm phát tăng, giá thiết bị khai thác vàng, lao động và các mặt hàng liên quan khác tăng lên. Và tất yếu dẫn đến giá vàng cũng tăng khi được khai thác trong thời kì kinh tế không thuận lợi.
"Trong báo cáo quí II của ngân hàng ANZ, báo cáo cho biết giá vàng đang bị định giá ở mức thấp. Tôi cho rằng giá vàng có thể lên đến 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay.
Và nếu bạn theo dõi bước chân của quĩ đầu tư SPRD Gold Trust bạn sẽ thấy từ đầu năm 2020 đến nay, quĩ này liên tục mua vào mặt hàng kim loại quí này.
Tuy nhiên bạn cũng không nên dành quá nhiều tài sản để đầu tư vào kim loại này, bạn cũng nên tham gia cả các kênh đầu tư khác, vì không ai "bỏ hết trứng vào cùng một giỏ" như vậy sẽ rất rủi ro", chuyên gia Thái Lâm Toàn dự báo và khuyến cáo với nhà đầu tư.