Mô hình bếp chung sắp bùng nổ tại châu Á?
Bếp chung là gì
Tương tự hầu hết các mô hình kinh doanh khác của các công ty hoạt động trên nền kinh tế chia sẻ, bếp chung được tạo ra để "chia sẻ" những nguồn lực dư thừa.
Tận dụng những nguồn lực này, giá thành sản phẩm bán ra có thể hạ xuống thấp hơn so với kinh doanh truyền thống.
Mô hình bếp chung tận dụng không gian trống ở một địa điểm phù hợp để tạo ra một không gian cho các cửa hàng chuyên bán đồ ăn mang đi. Ý tưởng này đến từ việc nhận thức việc nhiều nhà hàng vẫn chưa tận dụng tối đa không gian và bếp đang có.
Tại Indonesia, Grab manh nha ý tưởng về bếp chung từ tháng 4/2019. Tới tháng 9/2019, Grab bắt đầu mở GrabKitchen phục vụ cư dân địa phương và người lao động văn phòng tại Jakarta.
Mô hình bếp chung với những tiện ích sẽ có cơ hội lớn tại châu Á. Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Tại Việt Nam, mô hình bếp chung của Grab cũng đã triển khai ở Thủ Đức, TP HCM. Đây là nơi có Làng đại học, do đó sẽ là một địa điểm lí tưởng để Grab khai thác.
Trên Shark Tank Việt Nam mùa 3 phát sóng vào tháng 8/2019, nhà sáng lập Thùy Linh cũng đem đến một startup mang hơi hướng bếp chung.
Mặc dù dự án "Tối nay ăn gì" của cô cũng tồn tại những điểm giao hàng để rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển, nhưng việc tham gia vào quá nhiều khâu (chế biến, giao hàng...) khiến cho 4/5 "cá mập" phải từ chối.
"Anh nghĩ em nên nghiên cứu và triển khai một mô hình kinh doanh khác, tiên phong, đại dương xanh cũng trong lĩnh vực phực phẩm. Đó chính là mô hình cloukitchen (bếp chung). Mô hình này đang rất thành công trên thế giới", Shark Bình chia sẻ.
Tiềm năng của bếp chung tại châu Á
Theo công ty nghiên cứu Statistica, thị trường giao thức ăn trực tuyến ở châu Á hiện tại đạt giá trị 58,4 tỉ USD. Trong vòng 4 năm tới, con số này sẽ tăng lên 64,5 tỉ USD trong vòng 4 năm tới. Do đó, vẫn còn rất nhiều "không gian" để mô hình bếp chung chứng minh tiềm năng.
Theo Tập đoàn JLL, mô hình bếp chung đang rất thịnh hành ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai đất nước đông dân nhất châu Á và trên thế giới. Đại diện JLL tại Trung Quốc còn cho hay có tới 62% số người dân ở độ tuổi 29 trở xuống có sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn và xu hướng này còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Indonesia là nước đầu tiên triển khai GrabKitchen. Ảnh: TechInAsia
Không chỉ là cuộc chơi của các hãng giao đồ ăn, nhiều ông lớn trong ngành thực phẩm cũng đã sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi "bếp chung". Việc tận dụng tối đa không gian sẽ làm giảm giá thành của sản phẩm đầu ra - một trong những yếu tố cạnh tranh lớn trong ngành thực phẩm.
Cũng theo JLL, chuỗi gà rán KFC đang muốn triển khai bếp chung tại thị trường Ấn Độ. Bên cạnh KFC, những hãng thực phẩm khác như Punjab Grill, Pino's Pizza, và Zambar cũng đã có kế hoạch để triển khai bếp chung tại đất nước đông dân thứ hai trên thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc Starbuck và Alibaba đã bắt tay nhau để tạo ra thương hiệu Hema hoạt động theo mô hình bếp chung ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu.
"Điều hành nhà hàng trong bếp chung ít phức tạp hơn nhiều so với điều hành một nhà hàng bình thường. Để tiết kiệm chi phí hơn nữa, những chủ bếp có thể đưa ra chính sách chiết khấu dựa trên doanh thu hấp dẫn với người điều hành bếp chung", ông Pranav Nichani, Giám đốc bán lẻ JLL tại Ấn Độ kết luận.