|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Minh Phú thực hiện hóa mục tiêu tạo ra cuộc cải cách nuôi tôm với 'công nghệ 2 - 3 - 4'

11:43 | 06/08/2019
Chia sẻ
'Vua tôm' Minh Phú hi vọng công nghệ nuôi tôm mới của mình, được hỗ trợ tài chính sau khi Công ty Mitsui mua cổ phần, sẽ tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong lĩnh vực nuôi tôm.
thuy-san-15456436898231770074164-crop-1548303597868748937993

Nguồn: Seafood Source

Minh Phú đã kí thỏa thuận bán 35,1% cổ phần cho Công ty Mitsui (Nhật Bản) trong tháng 5. 

Tháng 6, công ty cho biết phần lớn trong số 3.038 tỉ đồng (tương đương 130 triệu USD) mà họ nhận được từ thỏa thuận sẽ được phân bổ để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình, theo Seafood Source.

Hiện tại, Minh Phú đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tôm nguyên liệu thông qua nguồn cung riêng, phần còn lại đến từ nông dân địa phương và nhập khẩu. 

Công ty muốn tăng tỉ lệ cung cấp nguyên liệu của riêng mình lên khoảng 20% vào cuối năm nay và lên 50% trong những năm tới.

"Công nghệ 2 - 3 - 4" là gì? 

"Công nghệ canh tác của chúng tôi là chìa khóa trong kế hoạch mở rộng công ty, điều này sẽ thay đổi căn bản sự tăng trưởng của Minh Phú trong tương lai gần", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Minh Phú, ông Lê Văn Quang cho biết.

Ông Quang cho biết công ty đang xây dựng các ao mới làm bằng thép, ống nhựa và vải bạt mà công ty gọi là "công nghệ 2 - 3 - 4". 

Trong đó, "2" có nghĩa là tôm được nuôi trong hai giai đoạn khác nhau với giai đoạn đầu tiên lên đến 30 ngày trong ao giống và khoảng 80 ngày trong ao nuôi lớn hơn. 

"3" đề cập đến thời gian thu hoạch với một nửa số tôm trong mỗi ao được thu hoạch sau khoảng hai tháng với kích cỡ tương đương 65 - 70 con/kg. 

Khoảng 45% tôm còn lại sẽ được thu hoạch trong khoảng 25 ngày sau vụ thu hoạch đầu tiên khi tôm đạt kích cỡ 40 - 45 con/kg. Số tôm còn lại được thu hoạch sau khoảng 115 ngày khi chúng đạt kích cỡ 20 - 25 con/kg. 

"4" đề cập đến 4 nguyên tắc chính mà công ty tuân thủ: đảm bảo nguồn cá giống sạch, nguồn nước an toàn sinh học, môi trường xung quanh được bảo vệ và không sử dụng sản phẩm kháng sinh nào.

Tháng 12 năm ngoái, Minh Phú đã kí hợp đồng mua các sản phẩm ống thép và nhựa từ Công ty thép Hòa Phát và nhà sản xuất nhựa hàng đầu Công ty cổ phần nhựa Tiên Phong.

Mở rộng qui mô nuôi trồng

Tháng 5, sau khi hoàn tất việc mua lại cổ phần, phía bên Mitsui cho biết họ sẽ giúp Minh Phú đạt được tốc độ tăng trưởng hơn nữa thông qua ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, gồm cả trí tuệ nhân tạo trong ao nuôi. 

Công nghệ mới này sẽ được áp dụng tại hai vùng nuôi chính là Minh Phú Lộc An ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Minh Phú Kiên Giang ở tỉnh Kiên Giang, theo ông Quang.

Tại Lộc An, Minh Phú có kế hoạch bắt đầu nuôi tôm thông qua phương pháp "2 - 3 - 4" trên tất cả 1.500 ao vào năm 2021. Hoạt động xây dựng trang trại diện tích 302 ha đang được hoàn thành. 

Tại Kiên Giang, do điều kiện thời tiết bất lợi và thực tế việc giao dịch cổ phiếu với Mitsui mất nhiều thời gian hơn dự kiến, việc xây dựng bị chậm trễ. Tuy nhiên, Minh Phú đang có kế hoạch bắt đầu nuôi tôm trong khoảng 1.000 ao với diện tích 600 ha vào năm 2021. 

Ban giám đốc của công ty, hiện có thêm hai đại diện từ Mitsui, sẽ sớm thảo luận về kế hoạch mở rộng năng suất nuôi tôm ở Kiên Giang với mục tiêu mở hơn 4.000 ao trên 2.500 ha vào năm 2025, ông Quang cho biết.

Mục tiêu sản lượng

Năm nay, Minh Phú đặt mục tiêu sản xuất 5.760 tấn tôm với "công nghệ 2 - 3 - 4" từ các trại nuôi tôm của Lộc An và 4.320 tấn tôm từ Kiên Giang. 

Ở cả hai trang trại Lộc An và Kiên Giang, Minh Phú vẫn vận hành các trang trại truyền thống với sản lượng dự kiến đạt 10.760 tấn tại Lộc An và 8.000 tấn tại Kiên Giang.

Tuy nhiên, các khu vực canh tác truyền thống của công ty sẽ dần được thay thế bằng công "nghệ 2 - 3 - 4" vì sản lượng từ công nghệ mới rất lớn, cao hơn tới 15 lần so với phương pháp truyền thống, ông Quang cho biết.

Sản lượng tôm trung bình từ một ao áp dụng công nghệ mới là 32 tấn/năm nhưng Minh Phú sẽ hi vọng sản lượng sẽ tăng lên 40 tấn/năm.

Một trang trại áp dụng phương pháp truyền thống có thể nuôi từ 60 - 100 con/m2 nhưng đối với "công nghệ 2 - 3 - 4", con số này được nâng lên 300 - 350 con/m2. 

Ngoài ra, tỉ lệ sống theo phương pháp truyền thống là 60 - 70% tổng số tôm nuôi, nhưng với công nghệ mới tỉ lệ sống tăng lên hơn 90%.

Ngoài ra, Minh Phú đang có kế hoạch chuyển giao công nghệ mới cho nông dân địa phương. 

Những người có sẵn đất canh tác sẽ bắt đầu đóng góp liên doanh với Minh Phú góp vốn đầu tư tương đương với giá trị của đất và số tiền còn lại có được thông qua các khoản vay ngân hàng. 

Nông dân sẽ được trực tiếp quản lí việc canh tác cùng với các công nhân kĩ thuật từ Minh Phú. Tôm sẽ được bán cho Minh Phú theo giá thị trường và lợi nhuận được chia giữa công ty và nông dân. 

Minh Phú đang thảo luận với một số ngân hàng địa phương để thu xếp tài trợ cho việc canh tác chung và với các công ty bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm cho các ao nuôi.

"Điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin với các ngân hàng và công ty bảo hiểm để họ đồng ý tài trợ và cung cấp bảo hiểm cho nông nghiệp. 

Khi vấn đề này được giải quyết, mọi thứ sẽ trở nên rất dễ dàng", ông Quang cho biết sẽ chuyển sang đàm phán với các ngân hàng nước ngoài nếu các ngân hàng địa phương không quan tâm.

Ông hi vọng nông dân sở hữu ít nhất một ha đất ở vùng nuôi được chính quyền đồng bằng sông Cửu Long chấp thuận sẽ có thể hợp tác với Minh Phú để nuôi tôm bằng cách sử dụng "công nghệ 2 - 3 - 4". 

Tuy nhiên, ông thừa nhận chi phí đầu tư đối với công nghệ canh tác mới cao hơn nhiều vì vậy không phải nông dân nào cũng có thể tham gia dự án.

"Khi chúng tôi thành công với mô hình hợp tác này, sản lượng tôm nuôi ở Việt Nam sẽ tăng vọt, khiến giá giảm", sản phẩm tôm từ Việt Nam sẽ rất cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Hiện giá tôm Việt Nam tương đối cao so với thế giới nhưng ông Quang tin rằng bước đột phá công nghệ sẽ cách mạng hóa cách nhận thức và tiêu thụ tôm trên toàn thế giới.



Linh Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.