|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Trung Quốc chưa được cấp giấy phép nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam

14:38 | 25/11/2023
Chia sẻ
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết doanh nghiệp của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy phép nào được cấp.

Trung Quốc tiêu thụ 99% tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam

Từ tháng 8 đến nay, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc "tắc đường", khiến nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi gặp khó khăn.

Tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”, ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản - Du lịch Vân Phong cho biết HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất khẩu do chưa đáp ứng được thủ tục, giấy tờ.

Ông Võ Văn Thái đề xuất Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan làm việc với phía Trung Quốc để có thể sớm hoàn thiện thủ tục, xuất khẩu hàng hóa trở lại.

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Bàn về vấn đề này, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tôm hùm (tôm hùm xanh và tôm hùm bông) của Việt Nam, chiếm 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022 do những yêu cầu mới của thị trường 1,4 tỷ dân.

Theo đó, từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.

Đối với tôm hùm bông tự nhiên, cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Tôm hùm hợp lệ cho xuất khẩu sang Trung Quốc phải bắt nguồn từ con giống F2. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên, mang về nuôi cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên.

"Doanh nghiệp của Trung Quốc muốn nhập khẩu tôm hùm bông phải xin giấy phép Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy phép nào được cấp", ông Bá Anh nói.

Còn nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng, đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.

Hiện, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nuôi đăng ký theo biểu mẫu. Sau khi nhận được thông tin, phía hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt chính thức các cơ sở nuôi, cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường này.

Việt Nam hiện có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Theo ông Bá Anh, Việt Nam hiện có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm, nằm trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Để tôm hùm thuận lợi xuất khẩu vào Trung Quốc, các cơ sở nuôi, bao gói cần đảm bảo hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương.

Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận, bao gồm 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống.

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y, cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi.

Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư, danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu…

Việt Nam chưa chủ động được nguồn giống tôm hùm

Liên quan đến vấn đề con giống tôm hùm, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 81 triệu con giống tôm hùm. 6 tháng năm 2023, con số khoảng 59 triệu con.

Ông Khôi cho rằng ngành tôm hùm gặp khó khăn khi một số nước ban hành lệnh cấm xuất khẩu khiến nguồn cung thiếu ổn định.

Bên cạnh đó, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus – WSSV trong tháng 7 vừa qua. Những lô hàng tôm nhiễm bệnh này có thể gây ra rủi ro cho người nuôi.

Giống tôm hùm ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Philippines, Myanmar. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam) 

Tại hội nghị, ông Võ Văn Gia, Viện phó Viện Nuôi trồng thủy sản 3 thông tin tính đến tháng 11, nhóm nghiên cứu của Viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông trắng đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi. Tỷ lệ sống hiện tại của ấu trùng là 0,5%.

Ông Gia cho rằng tỷ lệ sống 0,5% là tín hiệu đáng mừng, khi trên thế giới chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông thương phẩm.

Để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải thử nghiệm đến giai đoạn 12. Lãnh đạo Viện kỳ vọng trong vòng một năm tới, các vấn đề về thức ăn, môi trường sẽ được xử lý, Việt Nam có thể sản xuất con giống tôm hùm bông trắng.

Cục Thủy sản cho biết Thể tích lồng nuôi tôm hùm khoảng 4 triệu m3 lồng, sản lượng 2.500 tấn. Tổng số cơ sở nuôi biển thống kê chưa đầy đủ tính đến hết năm 2022 khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. 

Hoàng Anh