Xuất khẩu tôm đạt đỉnh 5 năm, nhiều tín hiệu tốt ở thị trường Mỹ và Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 4, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 442 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Top 5 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này ghi nhận tăng trưởng 15-91% nhờ nhu cầu thị trường cao và giá xuất khẩu tốt.
Đáng chú ý, Mỹ là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều tôm nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16% trong 4 tháng đầu năm.
Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 291 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ thị trường này cần nguồn thực phẩm cung ứng cho mùa hè và nguồn hàng dự trữ cho mùa thu.
Tôm là sản phẩm thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ bởi dễ chế biến tại nhà và được ưa chuộng trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Mức tiêu thụ tôm trung bình của người Mỹ đạt khoảng 5 pound/người trong năm 2020.
Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ tăng cao, tồn kho nhiều sau khi nhập số lượng lớn những tháng đầu năm, có thể khiến nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 4 và 5 chững lại.
Đứng ở vị trí thứ 4, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu tôm lớn và nhiều tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022.
Riêng tháng 4, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh 128% đạt 81 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 187 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021.
VASEP nhận định dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và chính sách “zero COVID” khiến cho xuất khẩu tôm sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy chế biến tôm tại Trung Quốc phải đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung tôm cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.
Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt và duy trì đà tăng trong nhiều tháng tới.
VASEP nhận định kết quả xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực nhưng thời tiết bất thường làm ảnh hưởng tới nguồn cung tôm nguyên liệu, chi phí đầu vào như xăng dầu, vật tư sản xuất, tôm giống liên tục tăng, làm bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong quý II, kim ngạch xuất khẩu tôm dự báo tiếp tục tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,2 tỷ USD.