|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bao giờ người Việt được ăn tôm hùm giá rẻ?

05:05 | 30/07/2019
Chia sẻ
Giá khai nhập khẩu tôm hùm Alaska và giá bán trên thị trường cách xa nhau 6 - 7 lần. Tôm hùm trong nước cũng rớt giá trầm trọng thế nhưng rất khó để người tiêu dùng mua được giá mềm dù sản phẩm này đang ế.
5b4854255dtom_hum_alaska_1__citc

Tôm hùm Alaska bán ở một vựa hải sản đang có giá gần 1 triệu đồng/kg (Ảnh: Độc Lập)

Mỗi ký tôm hùm Alaska nhập khẩu chỉ 170.000 đồng

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, có khoảng 3.785 kg tôm được nhập khẩu về VN từ Nhật Bản và Indonesia dưới tên "tôm hùm Alaska", giá trị ước tính là 27.526 USD. 

Như vậy, tính bình quân mỗi ký tôm hùm Alaska nhập về VN chỉ khoảng 170.000 đồng. Giá này chưa bao gồm các chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu... 

Hiện thuế nhập khẩu đối với tôm hùm có mã HS 030611 theo Hiệp định thương mại ASEAN -Nhật Bản vào VN là 8% thì giá mỗi ký cũng chỉ 191.000 đồng. Mức giá này thậm chí còn rẻ hơn một ký tôm sú đang bán ở các chợ tại TP.HCM thông thường trên 200.000 đồng.

Giá nhập khẩu rẻ vậy nhưng khảo sát hôm qua (28.7) tại một số vựa hải sản tại TP.HCM cho thấy giá tôm hùm Alaska (hay còn gọi là tôm hùm Canada) cao hơn gấp 6 - 7 lần. Tại một vựa hải sản ở Q.Tân Bình, TP.HCM, giá tôm hùm cỡ nhỏ khoảng 0,5 kg/con là 890.000 đồng/kg. 

Riêng tôm cỡ lớn từ 1 kg/con trở lên thì giá bán ra là 990.000 đồng/kg. Người bán cho biết giá này cũng đã rẻ hơn trước nhiều. 

Cách đây khoảng 5 tháng khi vào chính vụ đánh bắt loại hải sản này thì đồng loạt giá bán giảm còn 890.000 - 900.000 đồng/kg cho các kích cỡ. 

“Em cũng mới đọc thông tin tôm hùm Alaska nhập về VN chỉ có giá 170.000 đồng/kg. Làm gì có giá đó chị ơi. Hoặc đó là tôm đã chết ngộp họ ướp đông, là hàng xả thôi. Hàng sống luôn có giá ở mức trên 900.000 đồng/kg”, người bán nói. 

Tương tự, tại trang thương mại điện tử Lotte.vn, tôm hùm Alaska sống được bán giá 990.000 đồng/kg, trong khi tôm hùm baby có giá 650.000 đồng/kg... Giá sản phẩm này khi được chế biến ở các nhà hàng hải sản đa số không dưới 1,5 triệu đồng/kg.

Theo lý giải của một chủ vựa hải sản tại Q.7, TP.HCM, hiện nay nguồn cung ứng tôm hùm nói chung và tôm hùm Alaska khá dồi dào vì có nhiều đơn vị nhập khẩu. 

Thị trường tôm hùm hiện khá đa dạng với nhiều mức giá khác nhau trong đó có nhiều loại tôm nhập khẩu giá thấp hơn, chỉ xoay quanh mức 600.000 - 700.000 đồng/kg nên thu hút được người tiêu dùng. Còn tôm hùm xanh hay tôm hùm bông của VN giá cao hơn, ở mức gần 1 triệu đồng/kg.

Khai báo thấp để trốn thuế?

Không chỉ tôm hùm Alaska nhập khẩu giá rẻ, tôm hùm trong nước cũng đang rớt giá mạnh do Trung Quốc ngưng mua. 

Nhiều người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa than lỗ nặng vì giá chỉ còn một nửa so với năm trước, khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg tôm hùm xanh. Thế nhưng đến tay người mua, giá vẫn gấp đôi, gấp ba lần chứ không hề rẻ.

Xoay quanh chuyện con tôm hùm Alaska có giá nhập khẩu thấp hơn nhiều so với giá bán trên thị trường, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho rằng có thể là loại tôm bị đông lạnh, chất lượng không như tôm sống được bán giá cao. 

Nếu không thì nhiều khả năng các đơn vị nhập khẩu hạ giá khai báo để nộp thuế ít hơn. Với mức giá thấp khó chấp nhận đó, cơ quan hải quan phải kiểm tra để nhà nước không bị thất thu thuế. 

Thậm chí có thể thông qua các thương vụ VN ở nước ngoài để nắm bắt thông tin về giá cả của các sản phẩm này. Bởi trên thực tế, nhiều hàng hóa tiêu dùng được nhập khẩu về VN với giá khai báo hải quan rất thấp nhưng giá bán đến tay người tiêu dùng cao ngất ngưởng. 

Đó là chưa kể hàng hóa bị chi phí gia tăng ở các khâu trung gian quá lớn và người tiêu dùng hoàn toàn bị thiệt.

Dẫn chứng cụ thể về thông tin cá tra ở khu vực ĐBSCL hiện có giá chỉ 20.000 đồng/kg và còn bị “ế” thì tại siêu thị ở Hà Nội giá bán vẫn 77.000 đồng/kg, ông Phú nói, sản phẩm hải sản luôn phức tạp vì liên quan đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... 

Thậm chí ngay trong nước thì giá nhiều hàng hóa ở địa phương này cũng khác xa tỉnh thành khác, rất lộn xộn.

“Sắp tới đây khi nhiều hiệp định thương mại đã ký, ở VN sẽ có nhiều sản phẩm khác được nhập khẩu như cá tuyết, tôm hùm... Người dùng sẽ có thêm cơ hội để thử các đặc sản của nơi khác. 

Vì vậy bảng giá để tính thuế của hải quan phải được cập nhật thường xuyên. Đó cũng là một cơ sở để người tiêu dùng tham khảo thêm khi mua các sản phẩm nhập khẩu”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay đa số các nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường Mỹ vào VN đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó các nhóm hàng tăng mạnh gồm có: ô tô nguyên chiếc tăng 106,9%, đạt 24,16 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 94,7%, đạt 8,77 triệu USD; rau quả tăng 70%, đạt 116,37 triệu USD; thủy sản tăng 66,8%, đạt 46,97 triệu USD; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 66,6%, đạt 5,04 triệu USD...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

An Yến

Khai thông rào cản đầu tư, Việt Nam sẽ bứt phá trong thu hút làn sóng FDI mới
GDP của Việt Nam đã tăng dần trong những năm gần đây. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua trong khu vực. Phân tích GDP theo ngành, sản xuất chế tạo là một trong những lĩnh vực đóng góp chính cho GDP của Việt Nam, chiếm khoảng 25% GDP và là ngành lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.