Chủ tịch Sao Ta: Xuất khẩu tôm kỳ vọng tăng tốc trong quý III, bù đắp cú bước hụt về doanh số
Số liệu xuất khẩu tôm tháng 6 đang cho thấy tia sáng trong bức tranh trầm lắng của ngành nửa đầu năm. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP),xuất khẩu tôm trong tháng 6 ước đạt 341 triệu USD,cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trướcđạt gần 1,6 tỷ USD.
Nhận định về con số này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, cho biết mức giảm của ngành tôm đang dần thu hẹp qua các tháng, điều này được coi như tia sáng trong bức tranh đầy u ám của ngành từ cuối quý III/2022 đến nay.
“Tín hiệu tích cực này diễn ra trong bối cảnh chưa có lợi thế rõ ràng, tuy nhiên thực tế sẽ dần nhận diện ra các yếu tố tạo nền cho sự phục hồi ban đầu”, ông Hồ Quốc Lực nhận định.
Theo phân tích của Chủ tịch Sao Ta, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, điều này khiến nông dân không còn động lực thả nuôi cho vụ mùa mưa, vốn dĩ đã khó khăn hơn. Việc giá tôm thương phẩm trong nước giảm thấp có thể là nền tảng cho sự gia tăng tiêu thụ, xuất khẩu.
Tình trạng giảm sản lượng cũng xảy ra ở các nước như Ecuador và Ấn Độ. Sản lượng tôm nuôi năm 2023 của Ấn Độ dự kiến giảm 20-30% do người nuôi giảm thả giống. Còn tại Ecuador, mặc dù kết quả sản lượng khả quan nhưng đã có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ.
“Giá tiêu thụ thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, điều này cho thấy giá không thể giảm hơn nữa. Đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, đây cũng là nền tảng để tăng tiêu thụ, xuất khẩu”, ông Lực chia sẻ.
Ông Lực cho hay, thông thường đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ, còn Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Tuy nhiên theo tình hình thả nuôi, tôm thương phẩm của các nước đều giảm mạnh. Theo quy luật cung cầu, các hệ thống phân phối sẽ tính toán tăng mua dự trữ và tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chủ tịch Sao Ta cũng chỉ ra yếu tố thúc đẩy đến xuất khẩu tôm khác là mùa cao điểm tiêu thụ tôm vào quý III và quý IV. Ông cho hay tháng 7 có ngày Quốc Khánh Mỹ, tháng 8 rơi vào mùa lễ hội ở Nhật, mùa Noel và năm mới… Giai đoạn này, hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp, trong khi đó hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm của Việt Nam.
“Quý III là quý tăng tốc của ngành thủy sản ta nói chung, của con tôm nói riêng. Các doanh nghiệp chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Hy vọng quý này sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ”, Chủ tịch Sao Ta kỳ vọng.