|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mĩ phẩm hữu cơ, bán hàng online: Bí quyết để chiếm lợi thế trên thị trường làm đẹp

14:56 | 25/08/2019
Chia sẻ
Không chỉ chuộng mỹ phẩm hữu cơ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang chuyển sang hình thức online.

Xu hướng mỹ phẩm hữu cơ "lên ngôi"

Theo ước tính của các đơn vị nghiên cứu thị trường, đến năm 2020, mức tiêu thụ mĩ phẩm ngày càng tăng nhanh. Số lượng người mua mĩ phẩm có thể lên đến 33 triệu người. 

Ước tính này dựa trên kết quả của tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên 6 - 7% hàng năm và một thế hệ trẻ chiếm 60% dân số.

Các đơn vị nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tìm đến những sản phẩm organic, tự nhiên nhiều hơn. 

Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam ngày càng gay gắt nên việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng là một yếu tố hàng đầu để công ty chiếm lợi thế trong thị trường.

87bbf05963578409dd46

Các sản phẩm mỹ phẩm đang hướng đến tự nhiên, có nguồn gốc hữu cơ. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Vũ Duy Quang, Tổng giám đốc Công ty Gene World chia sẻ, nhận thấy xu hướng quan tâm ngày càng tăng từ thị trường Việt Nam và người tiêu dùng dành cho các sản phẩm tự nhiên, hữu cơ nên doanh nghiệp đã định hướng sản xuất mỹ phẩm theo xu hướng này.

"Doanh nghiệp tham gia thị trường mỹ phẩm từ năm 2013 với dòng sản phẩm tế bào gốc và nhận được sự ủng hộ của khách hàng, doanh nghiệp tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên, hữu cơ…", ông Quang cho biết.

Ông M. Gandhi, Tổng Giám Đốc khu vực Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Công ty INFORMA MARKETS tại châu Á, đơn vị tổ chức Mekong Beauty và Vietbeauty 2019 cũng thừa nhận: "Một số thương hiệu nội địa đã và đang bắt đầu nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu bằng cách làm việc với các đối tác quốc tế của họ".

60cb5221c12f26717f3e

Triển lãm Mekong Beauty và Vietbeauty 2019 chính thức khai mạc tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Diễn ra từ ngày 22 - 24/8, Triển lãm Mekong Beauty và Vietbeauty 2019 thu hút sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore, Thụy Sĩ, Anh…tập trung trưng bày đa dạng các sản phẩm và công nghệ tiên tiến về lĩnh vực làm đẹp, mỹ phẩm.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu như trước đây các công nghệ làm đẹp được ưa chuộng với các loại hóa mỹ phẩm nhờ những hiệu quả nhanh chóng mà nó mang lại. Thì gần đây, xu hướng làm đẹp với các sản phẩm chiết xuất thiên nhiên lại được ưa chuộng hơn cả. 

Các hợp chất hóa học dần được thay thế bằng nguyên liệu tự nhiên, thuần khiết như tinh dầu thảo mộc, trái cây, nhụy hoa nghệ tây, ngọc trai, tảo biển, mật ong… Các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên không qua xử lí hóa chất, không chứa thành phần nhân tạo, chất tạo màu, chất cồn nên đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng.

2bf17b6ae8640f3a5675

Người tiêu dùng được giới thiệu và trải nghiệm thử sản phẩm ngày tại triển lãm. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Bart Verheyen, Giám đốc Thương mại, Công ty MEDiCARE, cho biết MEDiCARE mong muốn kết nối với những doanh nghiệp và thương hiệu làm đẹp có nhu cầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, tiếp cận, tìm hiểu về những sản phẩm, thương hiệu, công nghệ làm đẹp của các nước trên thế giới.

Theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), tổng giá trị mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng từ dưới 500 triệu USD trong năm 2011 lên thành 1,1 tỉ USD trong năm 2016 và dự tính sẽ đạt mức 2.2 tỉ USD trong năm 2020.

Đây là tiềm năng và cũng là lực đẩy giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng đầu tư vào sản xuất để đưa ra sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người Việt.

Kinh doanh mỹ phẩm online nhiều tiềm năng

Dự báo về thị trường bán lẻ và xu hướng tiêu dùng mới nhất của Nielsen Việt Nam cho biết, thị trường hàng hóa tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực. Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến 3 vấn đề hàng đầu là sức khoẻ, học hành của con cái và giá leo thang. 

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, tỉ lệ thời gian trung bình người dân đang dùng internet là 6 giờ 24 phút trong một ngày, thời gian trung bình lên mạng xã hội là 2 giờ 32 phút.

Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp ứng dụng công nghệ số trong nhiều hình thức tương tác, khuyến mãi, giảm giá và tạo không gian giải trí cho người tiêu dùng trong thời gian mua sắm. 

Đặc biệt, nhà sản xuất sẽ có thể giảm khâu trung gian và chuyển sang mua – bán trực tiếp đến người tiêu dùng cuối.

Bà Hoàng Thu Thúy, đại diện Công ty cổ phần công nghệ Haravan chia sẻ: "Doanh nghiệp cần sử dụng những công cụ trực tuyến để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.

Trong đó, mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức online và offline (O2O) dựa trên công nghệ số mà chủ yếu là nền tảng Mobile là mô hình phù hợp với nhiều ngành hàng, lĩnh vực và vận hành O2O là một trong những chiến lược tất yếu với mọi doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu".

Theo bà Thúy, với thói quen truyền thống, người tiêu dùng mua tại cửa hàng và mua thông qua kênh quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên,  trong bối cảnh kênh kinh doanh thương mại điện tử phát triển như hiện nay, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online để phù hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng của người dân. 

adb4573fc431236f7a20

Các sản phẩm mỹ phẩm hiện nay thường được bán ở cả kênh online và offline để tiếp cận nhanh chóng với khách hàng. Ảnh: Như Huỳnh.

Còn theo ông Phạm Ngọc Liêm, Giám đốc phụ trách Tiki Live, Công ty cổ phần Tiki, hiện nay ứng dụng Tiki Now cho phép khách hàng nhận hàng trong vòng 2 giờ, giúp kênh kinh doanh thương mại điện tử gần gũi với người dân hơn. Còn Tiki Media giúp nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị bán hàng quảng bá sảng phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng… 

Trên thực tế, một số doanh nghiệp tại Việt Nam, sau 6 tháng ứng dụng kinh doanh online đã có doanh thu tăng lên 10% và sau 1 năm tăng đáng kể sau khi tham gia bán hàng online. Thậm chí có những doanh nghiệp, hiện nay kênh bán hàng online chiếm 60% doanh thu hàng tháng. 

Ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn và sáng tạo Công ty Centdegres Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay là thời điểm quan trọng để các sản phẩm làm đẹp Việt Nam tạo ra những thương hiệu trên thị trường, nhất là mang đến cho người tiêu dùng câu chuyện riêng biệt về thương hiệu. Cùng với đó, doanh nghiệp cần giới thiệu sự độc đáo của thương hiệu và khách hàng nhận ra giá trị thương hiệu mang đến cho họ. 

Phương thức tương tác với người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng và là một cách tốt nhất để giữ chân khách hàng. Đặc biệt, cần chiến lược để thương hiệu trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng, để khi người tiêu dùng có nhu cầu về một sản phẩm nào đó, họ sẽ nhớ đến thương hiệu của doanh nghiệp đầu tiên. 

Chính vì vậy, ông Patrick Mui cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn vào chiến lược nhận diện thương hiệu sản phẩm bằng chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp bán lẻ cần hiểu rõ phương thức tiếp cận khách hàng để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng. Trong đó, có thể kể đến cách phân phối hàng, giao hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng, thói quen tiêu dùng khách hàng online… được ứng dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí nhất.



Như Huỳnh