|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

McKinsey: Thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên không có chiều ngược lại

10:50 | 17/07/2019
Chia sẻ
Vào thời điểm Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thế giới lại càng "gắn kết" với họ về mặt kinh tế hơn và có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu mối quan hệ này gặp trục trặc.
104865369-IMG_1178

Ảnh: Getty Images

Trung Quốc không dễ bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thuế quan với Mỹ

Các phát hiện của McKinsey được công bố khi Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm với Mỹ. Tranh chấp này đã gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như công nghệ và an ninh.

Theo CNBC, các nhà kinh tế thường dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc, thay vì Mỹ, sẽ gánh chịu cú hích lớn từ thuế quan tăng cao. Một phần nguyên nhân là do quốc gia châu Á này phụ thuộc tương đối nặng vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, báo cáo của McKinsey cho thấy tiêu dùng đã đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong suốt 11 trên tổng số 16 quí, từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2018.

Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã và đang giảm phụ thuộc vào thương mại để duy trì tăng trưởng.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy cán cân thương mại của Trung Quốc, hay giá trị của tổng xuất khẩu trừ đi tổng nhập khẩu, "còn làm giảm tăng trưởng kinh tế năm ngoái".

"Tôi nghĩ đó chính là một trong những mục tiêu Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện: Xây dựng một nền kinh tế đa dạng và mạnh mẽ hơn", ông Oliver Tonby, Chủ tịch McKinsey khu vực châu Á, cho hay trên chương trình "Squawk Box" của CNBC.

Người tiêu dùng Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng

Công ty tư vấn McKinsey đã nghiên cứu mối liên hệ giữa Trung Quốc và thế giới thông qua thương mại, vốn và công nghệ.

Họ nhận thấy rằng tầm quan trọng ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất nội địa bán nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước hơn, trong khi xuất ra thế giới ít hơn.

Do đó, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 9% sản lượng của nước này trong năm 2017, giảm từ 17% năm 2007.

Điều đó chỉ ra rằng Trung Quốc ngày càng tự chủ và ít tiếp xúc với phần còn lại của thế giới hơn, theo báo cáo tháng 7 của hãng tư vấn McKinsey and Company.

"Xét theo các điều kiện tương đối, Trung Quốc ngày càng ít gắn kết với thế giới hơn vì động lực chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn là thương mại hay đầu tư nữa, mà là tiêu dùng nội địa", McKinsey viết trong báo cáo.

"Việc Trung Quốc giảm tiếp xúc với thế giới còn phản ánh thực tế rằng nền kinh tế nước này vẫn còn tương đối khép kín so với các nền kinh tế phát triển khác".

Trái lại, phần còn lại của thế giới lại trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Các quốc gia đang giao dịch nhiều hơn với Trung Quốc hoặc nhận nhiều vốn đầu tư hơn từ Bắc Kinh hơn.

Ba nhóm quốc gia có "dây mơ rễ má" với Trung Quốc

McKinsey đã xác định ba nhóm quốc gia tiếp xúc với Trung Quốc nhiều nhất, gồm:

- Các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những nước này liên kết chặt chẽ với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Các quốc gia giàu tài nguyên như Australia, Chile, Costa Rica, Ghana và Nam Phi. Nhóm này đang là đối tác xuất khẩu hàng hóa đến Trung Quốc.

- Các thị trường mới nổi như Ai Cập và Pakistan, hiện nhận nhiều đầu tư từ Trung Quốc.

"Các ngành và quốc gia có mức độ liên kết khác nhau với nền kinh tế Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng ít hoặc nhiều khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới thay đổi", McKinsey nhận định.

"Mức độ gắn kết ngày càng tăng của thế giới đối với Trung Quốc phản ánh tầm quan trọng của đất nước tỉ dân dưới vai trò là một thị trường, nhà cung ứng và cung cấp vốn".

Yên Khê