|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mặt hàng vải của Việt Nam được miễn thuế mới khi nhập khẩu vào Indonesia

22:40 | 02/06/2020
Chia sẻ
Bộ Tài chính Indonesia quyết định áp thuế suất mới trong thời gian từ tháng 5/2020- 11/2022 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự gia tăng các mặt hàng vải, sợi và rèm cửa nhập khẩu.

Bộ Tài chính Indonesia vừa quyết định áp thuế suất mới trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2022 nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự gia tăng các mặt hàng vải, sợi và rèm cửa nhập khẩu.

Tuy nhiên, một số quốc gia được miễn áp dụng thuế suất mới, như sợi tổng hợp và rèm cửa nhập khẩu từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc, cũng như các loại vải nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam.

Theo Nghị định số 56/2020 của Bộ Tài chính Indonesia, mức thuế tự vệ ở mức 1.405 rupiah (0,93 USD)/kg trong khoảng thời gian từ ngày 27/5 - 8/11/2020; 1.193 rupiah/kg trong khoảng thời gian từ ngày 9/11/2020 - 8/11/2021; và 979 rupiah/kg trong khoảng thời gian từ ngày 9/11/2021 - 8/11/2022.

Năm 2019, Chính phủ Indonesia đã áp thuế bổ sung tạm thời đối với hàng dệt may nhập khẩu lên tới 67,7% nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thượng nguồn trong nước trước sự gia tăng hàng nhập khẩu và khuyến khích sử dụng các sản phẩm trong nước.

Theo Nghị định số 161/2019, Bộ Tài chính đã áp các mức thuế bổ sung tạm thời đối với các sản phẩm sợi tổng hợp và nhân tạo (trừ chỉ may) nhập khẩu từ mức 1.405 rupiah/kg.

Nghị định số 162/2019 của Bộ Tài chính cũng áp các mức thuế bổ sung tạm thời đối với các sản phẩm vải nhập khẩu từ mức 1.318 - 9.521 rupiah/mét và các mức thuế dao động từ 36,3% đến 67,7%.

Tiếp đó, trong Nghị định số 163/2019, Bộ này áp các mức thuế bổ sung tạm thời lên tới 41.083 rupiah/kg đối với các sản phẩm rèm cửa, mành mành, màn ngủ và các mặt hàng nội thất nhập khẩu khác.

Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Moody cảnh báo rằng tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ khiến các mặt hàng sợi, vải và hàng may mặc của Trung Quốc chuyển hướng sang Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, qua đó phá vỡ sự ổn định cung cầu và gây tổn thương cho các nhà sản xuất địa phương.

Hiện Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng dệt may Trung Quốc, cao hơn mức 10-15% mà Indonesia đang áp dụng.

Hữu Chiến