|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mảng đồ uống là động lực tăng trưởng chính của Masan trong 6 tháng đầu năm

19:33 | 30/07/2019
Chia sẻ
Mảng đồ uống là động lực tăng trưởng chính của Masan trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng này tăng tới 26% trong khi thực phẩm, thức ăn chăn nuôi duy trì và khoáng sản đi xuống do bất lợi thị trường.
msg180253-153251012977540379795

Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng 20%

Quí II năm nay, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã: MSN) đạt doanh thu hợp nhất 9.250 tỉ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái; biên lãi gộp duy trì ở mức 29%.

Chi phí hoạt động không biến đổi nhiều, doanh thu chính giảm 94% chỉ còn 87 tỉ đồng do không còn thu nhập từ phát hành cổ phiếu quĩ công ty liên kết (cụ thể là Ngân hàng Techcombank) và doanh thu khác (bán trái phiếu chuyển đổi Techcombank), chi phí tài chính giảm 30% còn 557 tỉ đồng do giảm chi phí lãi vay của các trái chủ. Kết quả, Masan lãi thuần 1.192 tỉ đồng trong quí, giảm 50% so với quí II/2018. 

Tuy nhiên nếu xét chỉ tiêu lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh chính phân bổ cho cổ đông, không bao gồm các khoản doanh thu một lần, Masan Group đạt 1.000 tỉ đồng, tăng trưởng 37% trong quí II. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masan đạt doanh thu thuần 17.411 tỉ đồng, tương đương năm ngoái, lãi thuần 2.192 tỉ đồng, giảm 36%. Lãi hoạt động kinh doanh chính phân bổ cho cổ đông công ty 1.900 tỉ đồng, tăng 20%. 

Cơ cấu các bộ phận cho thấy, doanh thu mảng thực phẩm, đồ uống đạt 7.979 tỉ đồng, tăng nhẹ 6%; doanh thu từ MEATLife 6.741 tỉ đồng; doanh thu khoáng sản 2.690 tỉ đồng, giảm 17%... 

Biên lãi gộp mảng thực phẩm, đồ uống lên tới 41%; biên lãi gộp MEATLife 17%; biên lãi gộp mảng khai khoáng hơn 27%...

msn

BM tổng hợp

Động lực tăng trưởng đến từ mảng đồ uống

Trong nửa đầu năm 2019, mảng đồ uống của Masan Consumer tăng trưởng hơn 26%; ngành gia vị thực phẩm tiện lợi tăng nhẹ, danh mục cao cấp là động lực chính; trong khi đó ngành thịt chế biến mới đi vào triển khai cuối năm 2018 tăng trưởng 68%. 

Tỷ suất lợi nhuận của các sản phẩm mới ban đầu thấp hơn, giá nước mắm thô cao hơn và chính sách điều chỉnh giá mì là nguyên nhân khiến biên lãi gộp sụt giảm. 

Theo Masan, dự kiến nửa cuối năm 2019, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng trở lại hai con số do sự hồi phục của các thương hiệu cốt lỗi, công thêm việc ra mắt các sản phẩm mới như nước tăng lực Compact... 

Masan MEATLife giữ được doanh số nhờ tăng trưởng thức ăn gia cầm, thức ăn thủy sản thay thế cho sự sụt giảm 17% của thức ăn heo. 

Việc tăng tốc thương hiệu thịt MEATDeli tron nửa cuối năm 2019 với mục tiêu 500 điểm bán, doanh thu từ 500 - 1.000 tỉ đồng dự kiến sẽ thúc đẩy trở lại nhu cầu thức ăn heo của Masan MEATLife. 

Hoạt động kinh doanh của Masan Resources giảm 17% trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do thị trường vonfram khó khăn, giá giảm cộng thêm việc tồn kho đồng. Masan cho rằng, thị trường vonfram đã chạm đáy và dự kiến hồi phục trong quí III, ngoài ra công ty cũng có kế hoạch làm giảm tồn kho đồng trong 6 - 12 tháng tới.  

Tổng tài sản của Masan tại thời điểm 30/6 đạt hơn 68.000 tỉ đồng, trong đó tiền mặt gần 5.000 tỉ đồng, giá trị hàng tồn kho tăng 38% lên 6.000 tỉ đồng. 

Khoản mục đầu tư vào công ty liên kết tăng 1.000 tỉ đồng so với đầu năm, lên mức 16.300 tỉ đồng. Lượng tăng này đến từ giá trị của 20% cổ phần Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), ngoài ra Masan hiện đang sở hữu 24,9% tại CTCP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), 32,8% cổ phần tại CTCP Thực phẩm Cholimex…

Nợ phải trả cuối kỳ 31.993 tỉ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn 12.028 tỉ đồng, tăng 30% so với đầu năm; nợ vay dài hạn 11.793 tỉ đồng, giảm 1.000 tỉ đồng. Kết thúc quí II, Masan Group ghi nhận 17.924 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 


Đông A