|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Made in Vietnam': Tại sao là 30% chứ không phải 40%?

16:17 | 25/09/2019
Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Công Thương, hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu trong sản phẩm là 30% thì được coi là hàng hóa "Sản xuất tại Việt Nam". Con số này được xác định dựa trên qui định về qui tắc xuất xứ khi xuất khẩu các mặt hàng.

Tránh gây mâu thuẫn giữa các qui định

Trả lời câu hỏi tại sao hàm lượng giá gia trị gia tăng trong sản phẩm phải trên 30% chứ không phải trên 40% mới được ghi trên nhãn là "Sản xuất tại Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết con số 30% là dựa trên các hiệp định thương mại tự do và qui định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

12

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư qui định cách xác định sản phẩm, hàng hoá là hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Nhạc Dương

Tại Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư qui định cách xác định sản phẩm, hàng hoá là hàng hoá, sản phẩm của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam hôm 25/9, Thứ trưởng Khánh nói hiện nay Việt Nam đã có qui định về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu.

"Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, 100% hàng hóa xuất khẩu đều đã có qui định về xuất xứ, qui định thế nào là sản phẩm của Việt Nam. Ví dụ Nghị định 31 và Thông tư 05 qui định hàng hóa của Việt Nam khi được xuất khẩu sang tất cả thị trường, kể cả những nước không có FTA với Việt Nam", Thứ trưởng cho hay.

Nghị định 31 và Thông tư 05 qui định chỉ cần 30% hàm lượng nội địa hàng Việt Nam đã được ghi là hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam. Chúng ta vẫn chưa có qui định cụ thể về xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Thứ trưởng nhận định đây là "bánh răng" còn thiếu.

"Quan điểm của Bộ Công Thương khi xây dựng "bánh răng" qui định về định nghĩa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tiêu thụ ở thị trường nội địa phải khớp với các "bánh răng" còn lại, tránh tình trạng các "bánh răng" mâu thuẫn với nhau" Thứ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra cũng có trường hợp một sản phẩm khi xuất khẩu được coi là hàng Việt Nam nhưng ở thị trường nội địa thì lại không. Nguyên nhân là do sản phẩm đó được xuất khẩu sang các nước thuộc khối đã kí kết FTA ví dụ CPTPP hay EVFTA... nên hưởng qui tắc cộng gộp xuất xứ.

Trong trường hợp nhỏ hàm lượng giá trị gia tăng nhỏ hơn 30%, doanh nghiệp không thể trên nhãn là sản xuất tại Việt Nam. Lúc đó, doanh nghiệp phải tự xác định để ghi nhãn sản xuất tại quốc gia nào, theo nghị định 43.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh Thông tư qui định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Dự thảo thông tư qui định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam qui định cách tính hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) như sau:

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-25 lúc 14

Công thứ tính trực tiếp

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-25 lúc 14

Công thức tính gián tiếp

"Đây chỉ là Thông tư giúp doanh nghiệp ghi nhãn chính xác hơn cho sản phẩm của mình, tránh được nguy cơ bị cáo buộc là gian lận xuất xứ, loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm, đội lốt hàng Việt Nam", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Khó khăn trong xác định giá trị chất xám trong sản phẩm

Tại Hội thảo, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nêu vấn đề nếu sữa bột nhập khẩu về Việt Nam sau đó doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu để pha trộn tỉ lệ dinh dưỡng cho từng loại sữa khác nhau thì được coi là "sản xuất tại Việt Nam" hay không?

Ông Trung cho biết, nếu chỉ xét về giá trị nguyên liệu thì hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm sữa không nhiều, dưới 30%. Tuy nhiên, giá trị chất xám để nghiên cứu tỉ lệ pha chế trong sữa lại rất lớn. 

Phản hồi ý kiến trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết "Dường như trườnh hợp này là qui tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy. Nói cách khác chỉ khi nào sữa bột sản xuất tại Việt Nam thì lúc đó mới coi là sản xuất từ Việt Nam. Hàm lượng chất xám bao nhiêu rất khó đánh giá.

Nếu như nay mai qui định được mở rông, có thể doanh nghiệp sẽ được ghi "Chế biến tại Việt Nam từ nguyên liệu nhập khẩu", theo Thứ trưởng.

H.Mĩ