Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm, những con số cao chưa từng thấy
VietinBank báo lãi hơn 5.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm | |
Giám đốc phân tích SSI: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 40% trong 2018 |
Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018 (Ảnh minh họa) |
Vietcombank đứng đầu lợi nhuận sau thuế, BIDV mất khỏi top 3
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2017 và quý I/2018, trong quý II hoạt động của các ngân hàng tiếp tục khởi sắc.
Theo thống kê của người viết trong 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế của 22 ngân hàng đạt hơn 37.173 tỷ đồng, tăng đến 53% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 (Đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: QT tổng hợp) |
Xét về quy mô, Vietcombank giữ vị trí quán quân với lợi nhuận gần 6.440 tỷ đồng; tiếp sau đó VietinBank với 5.265 tỷ đồng. Đáng chú ý, Techcombank đã vượt BIDV và lọt vào top 3 ngân hàng có mức lợi nhuận sau thuế lớn nhất hệ thống.
Trong khi đó, xếp cuối bảng về lợi nhuận sau thuế là Ngân hàng VietABank, Bản Việt và NCB với mức lợi nhuận sau thuế lần lượt 98,8 tỷ, 44 tỷ và 12,5 tỷ đồng. Các vị trí này không có sự thay đổi so với năm trước khi NCB vẫn tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất trong khảo sát.
Như vậy, nếu xét về con số tuyệt đối, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đứng đầu là Vietcombank gấp đến 530 lần lợi nhuận NCB; con số này của cùng kỳ năm ngoái là khoảng hơn 800 lần.
Sự tăng tốc lợi nhuận của những "hạt tiêu"
Các “ông lớn” như Vietcombank, Vietinbank , BIDV có được lợi thế về quy mô để tạo ra lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thì các ngân hàng TMCP Nhà nước này lép vế hẳn so với những ngân hàng TMCP ngoài quốc dân.
Tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Quý II, Viet Capital Bank là ngân hàng duy nhất báo lỗ với khoảng 28 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trong quý I đã "cứu" kết quả nửa đầu năm, giúp ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. |
Theo tính toán, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các ngân hàng được khảo sát đạt đến 53,1%. Phần lớn ngân hàng đều tăng trưởng hai con số và có gần 10 ngân hàng tăng trưởng ba con số.
Đứng đầu là tăng trưởng lợi nhuận của Viet Capital Bank khi đạt 238,5%; tiếp sau đó là VietBank với 210%; VIB gần 201%. Ngoài ra, OCB, SCB, HDBank, Eximbank, NCB, Techcombank, TPBank và Sacombank là những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao hơn bình quân.
Sự tăng trưởng lợi nhuận của những ngân trên phần lớn đến từ tăng nhanh của lợi nhuận hoạt động cho vay. 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Viet Capital Bank, VIB và OCB đã tăng trưởng lần lượt 53%, 55%, 58% . Đặc biệt, thu nhập từ hoạt động cho vay của SCB tăng hơn 200%.
Ngoài cho vay, lợi nhuận mảng chứng khoán đầu tư cũng là một nhân tố giúp các ngân hàng nhỏ bứt phá. Cụ thể, mảng chứng khoán đầu tư của OCB lãi gần 638 tỷ đồng, gấp 18 lần cùng kỳ năm trước; VietBank từ lỗ gần 52 tỷ trong nửa đầu năm trước sang lãi hơn 32 tỷ trong năm nay. Viet Capital Bank lãi từ chứng khoán đầu tư gần 39 tỷ đồng, tăng 38%.
Theo khảo sát, chỉ có duy nhất 1 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong 6 tháng là LienVietPost Bank với 22,7%. Nguyên nhân là do biến động của mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư quý II lỗ tới 108 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 292 tỷ.
"Ông lớn" VietinBank là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất với 9,4%, chưa bằng 1/5 mức tăng bình quân. Bên cạnh đó, dù tăng trưởng hai con số nhưng BIDV, Vietcombank vẫn thấp hơn bình quân khi đạt lần lượt 43,7% và 52,2%.
Chi phí dự phòng rủi ro tiếp tục ăn mòn lợi nhuận các ngân hàng
So với cùng kỳ năm trước, có 15/22 ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm nay. Tổng chi phí dự phòng các ngân hàng trích lập khoảng 31.925 tỷ đồng; tăng 6.142 tỷ đồng (tương ứng gần 24%).
Chi phí dự phòng rủi ro các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018 (đơn vị: tỷ đồng) |
Chi phí dự phòng trong nửa đầu năm nay lấy đi khoảng 41,4% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Mặc dù giảm xuống so với mức trích lập của năm trước (46,6%) nhưng đây vẫn là một tỷ lệ khá cao khiến tăng trưởng lợi nhuận một số ngân hàng bị ảnh hưởng.
Tỷ trọng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng /Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2018. (Nguồn: QT tổng hợp) |
Cụ thể, BIDV đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lớn nhất hệ thống với gần 15.044 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng đến 58% lên gần 10.007 tỷ đồng đã khiến lợi sau thuế chỉ còn 4.062 tỷ đồng, chưa bằng 2/3 lợi nhuận Vietcombank và mất đi top 3 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế lớn nhất hệ thống về tay Techcombank.
Trường hợp của Sacombank, dù lợi nhuần thuần hoạt động kinh doanh đạt hơn 1.510 tỷ đồng; tăng gần 130% nhưng chi phí trích lập dự phòng gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận sau thuế Sacombank chỉ còn 768 tỷ đồng.
Một số ngân hàng cũng đã trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp nhiều lần cùng kỳ như VietBank 14 lần; OCB 4 lần; SCB 3,6 lần…
Chi phí dự phòng rủi ro "ngốn" khá nhiều lợi nhuận các ngân hàng nhưng điều này cũng cho thấy tấm đệm phòng ngừa rủi ro "dày" hơn, giúp ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu.
Mặt khác, đây là một khoản mục chi phí không bằng tiền mặt và đơn thuần là một nghiệp vụ kế toán, vì vậy dòng tiền hay thanh khoản của các ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của chi phí này.