|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lỗi của mô hình kinh tế chia sẻ là nguyên nhân khiến WeFit phá sản?

15:04 | 11/05/2020
Chia sẻ
Sự phá sản của WeFit là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho các startup vận hành theo mô hình kinh tế chia sẻ với danh xưng "Uber trong lĩnh vực nào đó".

Vài năm gần đây, kinh tế chia sẻ đã trở thành một trong những thuật ngữ "hot" trong cộng đồng khởi nghiệp, từ thế giới tới Việt Nam. Nhiều startup ra đời, ứng dụng mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ trong đủ loại lĩnh vực, từ y tế, làm đẹp tới tuyển dụng.

Hồi tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Mục tiêu của Đề án là tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh truyền thống và hình thức kinh doanh theo kinh tế chia sẻ. Động thái đó cho thấy Việt Nam đang rất kì vọng vào nền kinh tế chia sẻ trong tương lai.

Trước đây, để cắt nghĩa rõ hơn về mô hình kinh tế chia sẻ, các nhà sáng lập thường gọi công ty của họ là "Uber trong lĩnh vực mà công ty hoạt động". Trên thực tế, Uber là công ty có qui mô rất lớn và đó là cách cắt nghĩa dễ hiểu với nhiều người. 

Song chính Uber cũng đang "lạc lối" trên con đường sinh lời. Là một trong những startup đi đầu về ứng dụng kinh tế chia sẻ, nhưng sau 11 năm, Uber vẫn lỗ lũy kế hàng tỉ USD và mức giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Từ việc WeFit phá sản: Phải chăng lỗi từ chính mô hình kinh tế chia sẻ? - Ảnh 1.

Không thể cải tổ sau khó khăn, WeFit buộc phải tuyên bố phá sản. Ảnh: WeFit

Khi WeFit ra mắt vào tháng 9/2016, giới truyền thông từng gọi công ty là "Uber trong lĩnh vực phòng tập". Là trung gian kết nối các chuỗi phòng tập và khách hàng, WeFit nắm trong tay những lợi thế để mở rộng qui mô.

Đầu tiên, tập gym, làm đẹp luôn là một trong những nhu cầu rất lớn. Có thể đây không phải là một nhu cầu phổ biến như đi lại hay gọi món, nhưng khi nhu cầu phát sinh, khách hàng sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để thỏa mãn.

Với việc kết nối nhiều phòng gym trong hệ thống, khách hàng của WeFit có thể sử dụng nhiều hệ thống phòng tập - một yếu tố tiện lợi để tập thể hình ở  mọi nơi.

Nói một cách ngắn gọn, WeFit là một startup rất tiềm năng ở thời điểm ra mắt. Với mô hình kinh tế chia sẻ, khi qui mô và doanh thu tăng lên, hầu như chi phí quản trị và bộ máy không tăng theo cấp số nhân. Do đó về lí thuyết, khi qui mô càng tăng, khả năng sinh lời càng cao.

Dẫu vậy, cuối cùng WeFit vẫn phải tuyên bố phá sản sau khi gặp khủng hoảng về dòng tiền từ đầu năm 2020 và cơn bão COVID-19 đã chấm dứt mọi nỗ lực cứu vãn tình hình.

WeFit hoạt động vô cùng "bài bản" giống như nhiều mô hình kinh tế chia sẻ khác: Gọi vốn, đưa ra các chính sách ưu đãi về giá để lôi kéo khách hàng, mở rộng qui mô, tiếp tục gọi vốn để bù đắp chính sách ưu đãi, giá chờ đến lúc đạt độ phủ sóng thị trường theo đúng kịch bản họ đã tính và có lãi.

Bước cuối cùng là bước khó nhất và nhiều startup theo mô hình kinh tế chia sẻ vẫn đang loay hoay trên con đường sinh lợi. Đến khi các nhà đầu tư ngừng rót vốn, khủng hoảng sẽ xảy ra. Mới đây Uber đã phải sa thải hàng nghìn nhân viên, đồng thời ngừng kinh doanh tại một số quốc gia.

Định nghĩa về mô hình kinh tế chia sẻ không bao gồm việc triển khai các chính sách ưu đãi về giá để thu hút người dùng. Thế nhưng như một sự trùng hợp, hầu hết startup theo mô hình kinh tế chia sẻ ta gặp đều lựa chọn cách "đốt tiền" như vậy để mở rộng qui mô.

Từ việc WeFit phá sản: Phải chăng lỗi từ chính mô hình kinh tế chia sẻ? - Ảnh 2.

Uber gốc còn lỗ cả tỉ USD, nên rất khó để "Uber trong lĩnh vực nào đó" duy trì qui mô và sinh lời. Ảnh: CNBC

Một trường hợp khác là WeWork, kì lân từng được định giá 47 tỉ USD, nhưng rồi khi cạn dòng tiền cũng đứng trước bờ vực phá sản. Rất may là SoftBank đã tung gói cứu trợ để giữ "kì lân" văn phòng chia sẻ. Dẫu vậy, dịch COVID-19 sẽ khiến công ty lao đao khi nhiều văn phòng buộc phải đóng cửa.

Tháng 1/2019, WeFit từng gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Quĩ CyberAgent Capital và KB Investment. Sau hơn 1 năm, công ty đã "đốt" gần cạn số vốn ấy để duy trì hoạt động, bao gồm cả các chi phí để duy trì chính sách giá.

Phải chăng sự thất bại của WeFit đến từ chính mô hình kinh doanh mà công ty đã lựa chọn? Chừng nào những startup kinh tế chia sẻ vẫn còn chưa có lãi, rất ít người tin rằng những "Uber trong lĩnh vực nào đó" lại tạo ra sự khác biệt. WeFit cũng không thoát khỏi qui luật ấy.

Tiểu Phượng