|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Wefit thay đổi chính sách khiến 60 buổi tập còn 6 buổi, khách hàng tố công ty lừa đảo, đòi chấm dứt hợp đồng và kêu gọi kiện ra tòa

17:34 | 06/03/2020
Chia sẻ
Chính sách mới của WeFit khiến thời gian tập 2 năm của hội viên chỉ còn 4 tháng và họ chỉ có lựa chọn duy nhất là tuân thủ sự thay đổi. Thực tế ấy khiến các hội viên cảm thấy đây là hành vi lừa dối khách hàng và đòi WeFit hoàn tiền.

WeFit (tên mới là WeWow) công bố những thay đổi trong chính sách sử dụng trên fanpage mang tên "WeFit - Tập luyện mọi lúc mọi nơi". 

Đơn phương thay đổi điều khoản sử dụng

Trong thông báo, WeWow thừa nhận họ chưa cố gắng đủ lớn để đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và đối tác. 

"Chúng tôi thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong việc cấu trúc gói sản phẩm và giám sát vận hành, khiến những khó khăn về dòng tiền gây ra nhiều bất tiện cho khách hàng và đối tác. Chúng tôi còn rất nhiều thứ cần phải hoàn thiện, và sẽ bắt đầu từ việc sửa chữa những sai sót này", thông báo nhấn mạnh.

Nhằm khắc phục các lỗ hổng hệ thống và hướng đến một mô hình bền vững, WeWow thay đổi cách thức sử dụng sản phẩm WeFit từ ngày 17/3.

Cách thức sử dụng cũ là khách hàng đặt lịch tập luyện thoải mái trong thời hạn gói sản phẩm đã mua, không giới hạn tổng số lượt tập. Tuy nhiên, các phòng tập vẫn giới hạn số lượt tập của khách hàng trong một tháng.

Wefit thay đổi chính sách khiến 60 buổi tập còn 6 buổi, khách hàng tố công ty lừa đảo, đòi chấm dứt hợp đồng và kêu gọi kiện ra tòa - Ảnh 1.

Thành lập từ tháng 9/2016, WeFit sớm trở thành startup dẫn đầu trong lĩnh vực lifestyle, mang đến cho người dùng phong cách tập luyện, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tiện dụng. Ảnh: WeFit

Với cách thức sử dụng mới, mỗi lịch tập trên hệ thống tương đương với một số điểm nhất định. Khách hàng cần nạp điểm trước vào tài khoản theo các gói WeFit để đặt lịch. Sau mỗi lần đặt lịch thành công, tài khoản của khách hàng sẽ tự động trừ số điểm tương ứng.

Một số khách hàng VIP nhận định cách sử dụng mới khiến thời gian tập 2 năm của họ chỉ còn 4 tháng. Trong trường hợp khách hàng chọn phòng tập cụ thể Fit24, 60 buổi tập sẽ chỉ còn 6 buổi.

Phản ứng tiêu cực của hội viên

Đến 18h ngày 6/3, thông báo của WeFit đã thu hút hơn 1.400 lượt bình luận. "Hạn sử dụng dài mà số buổi tập ít tôi tập kiểu gì", "Thay đổi chỉ có lợi cho WeFit chứ không có lợi cho hội viên", "Lừa đảo trắng trợn", "Qui ra điểm rất đắt", "Kiểu này chỉ khách hàng thiệt", "Từ tập luyện không giới hạn thành có giới hạn", "Hối hận thực sự khi mua thẻ" là những nhận xét của hội viên.

"Ban đầu hội viên mua thẻ theo tháng và tập không giới hạn, giờ hội viên phải đổi điểm, và hết điểm sẽ nghỉ tập", một người có tên Hoàng Tuấn Minh lập luận.

"1 ngày 7 điểm, một tháng 210 điểm. Chi phí mỗi tháng là 500.000 đồng, chia cho 210 điểm tương đương 2.380 đồng mỗi điểm ( tính chẵn). Hội viên tập 1 buổi 20 điểm tương đương 47 ngàn đồng, tập 10 buổi hết 470 ngàn đồng. Wefit khéo tính, từ không giới hạn số lượng và số bộ môn giờ đây chúng tôi, những khách hàng cũ, phải tiết kiệm từng buổi tập, chưa kể việc qui đổi hết sức vô lí và thiệt thòi", một hội viên có tên Hoàng Phong viết.

Một hội viên có tên Trần Hương khẳng định đây là hành vi lừa đảo trắng trợn của WeFit, và kêu gọi mọi người cùng kiện "để đội WeFit đi tù".

Trịnh Thắng, một hội viên khác, đề nghị Bộ công thương vào cuộc xử lý các sai phạm của WeFit về hành vi lừa dối khách hàng. "Các phòng tập đã hủy liên kết mà WeFit vẫn đăng lên web để lòe thiên hạ", anh Thắng nhấn mạnh.

Nhiều người nói WeFit vẫn phải giữ nguyên chính sách với khách hàng cũ, còn chính sách mới chỉ có hiệu lực với khách hàng mới từ ngày áp dụng.

Vài người kể rằng, khi họ tới phòng tập gần nhà, nhân viên phòng tập thông báo họ đã ngừng hợp tác với WeFit vì WeFit không thanh toán trong mấy tháng.

"Sao không thấy phương án trả lại tiền nhỉ? Khôn thế này ai chả làm được", một người có tên Hoàng Thiên Hương bình luận. Chị Hương kể rằng chị tới một phòng tập bên quận Long Biên không có buổi tập của WeFit vì đã ngừng hợp tác, nhưng WeFit vẫn cố tình công bố phòng tập đó trong danh sách đối tác, rồi đổ lỗi cho phòng tập không đăng lịch tập.

"Làm thế này là lừa người ta rồi ông Khôi ạ. Khó khăn thì cố gắng vay tiền, bán tài sản, thực hiện đúng cam kết, chứ đừng bùng", một người tên Nguyễn Tiến Trung bình luận.

Thịnh suy là chuyện bình thường. Giờ chỉ là kẻ "Ăn mày Dĩ vãng" tiếc nuối về một thời hoành tráng và tung tăng cùng wefit suốt từ đầu 2017 đến gần đây. Suốt mấy năm "ăn chơi" ấy, tôi cũng thấy bất ngờ với sự hào phóng và dễ dãi đến thái quá của các bạn.


Wefit - Ảnh 1.

Một ảnh quảng cáo trên fanpage của WeFit. Ảnh: WeFit

Một người phân tích việc thay đổi điều khoản sử dụng của WeFit có thể dẫn đến khủng hoảng bởi các lí do việc tự ý thay đổi thỏa thuận hay điều khoản sử dụng mà không vì lý do chính đáng (lý do khó khăn kinh tế vì chiến lược kinh doanh hay quản trị sai lầm không phải là một lý do chính đáng) là sự vi phạm cơ bản nhất của một thỏa thuận dân sự.

Hơn nữa, nếu theo góc độ WeFit là người bán sản phẩm/dịch vụ thì người tiêu dùng luôn luôn được bảo vệ và hưởng phần ưu tiên.

"Vì vậy, việc thay đổi thỏa thuận đơn phương và ép buộc bên còn lại sử dụng hay tuân theo là vi phạm nghiêm trọng, trước khi quyết định, các bạn đã thử đặt câu hỏi về rủi ro, nếu khách hàng toàn bộ đều yêu cầu bồi thường, thì hậu quả sẽ thế nào", người này đặt câu hỏi.

Đinh Trọng Hiếu, một người trong nhóm, nói Wefit muốn thay đổi phương thức dịch vụ thì tạo ra gói mới, khách hàng sẽ cân nhắc xem có phù hợp không để mua dịch vụ. Anh cho rằng WeFit "úp sọt" khách hàng và kinh doanh theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó".

"Vì cách thay đổi này là rất lớn với cả người dùng và Wefit, tôi yêu cầu Wefit đưa thêm lựa chọn cho khách hàng: Hủy dịch vụ, nhận lại tiền tương ứng với khoảng thời gian còn lại", anh Hiếu bình luận.

Cửu Dương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.