|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Luật sư nói WeFit vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi đổi chính sách khiến thời gian tập 2 năm chỉ còn 4 tháng

16:19 | 09/03/2020
Chia sẻ
Một luật sư nhận định sự thay đổi chính sách về thanh toán, đặt lịch tập của WeFit vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và hội viên có thể yêu cầu công ty sửa lại điều khoản.

WeFit là ứng dụng liên kết các phòng tập ở khu vực Hà Nội và Hồ Chí Minh, tạo thành một hệ thống cho khách hàng lựa chọn, đặt lịch tập tự do trong thời hạn đã mua trên tất cả các phòng tập gym, bể bơi, spa thuộc hệ thống mà WeFit đã liên kết. 

Mới đây, WeFit đã thay đổi chính sách cơ bản về việc thanh toán, đặt lịch tập, khiến nhiều hội viên bức xúc. Theo đánh giá của người tiêu dùng, chính sách mới của WeFit khiến thời gian tập 2 năm của hội viên chỉ còn 4 tháng, và người sử dụng dịch vụ buộc phải tuân thủ.

Luật sư nói WeFit vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi đổi chính sách khiến thời gian tập 2 năm chỉ còn 4 tháng - Ảnh 1.

Thành lập từ tháng 9/2016, WeFit sớm trở thành startup dẫn đầu trong lĩnh vực lifestyle, mang đến cho người dùng phong cách tập luyện, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tiện dụng. Ảnh: WeFit

Liên quan đến vụ việc, Luật sư, Tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh – cố vấn cao cấp của Công ty Luật TNHH TGS – thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Hành vi của Ban quản trị WeFit đã vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. 

Cách thức sử dụng cũ là khách hàng đặt lịch tập luyện thoải mái trong thời hạn gói sản phẩm họ đã mua, không giới hạn tổng số lượt tập. Tuy nhiên, các phòng tập vẫn giới hạn số lượt tập của hội viên trong một tháng. 

Với cách thức sử dụng mới, mỗi lịch tập trên hệ thống tương đương với một số điểm nhất định. Khách hàng cần nạp điểm vào tài khoản theo các gói WeFit để đặt lịch. Sau mỗi lần đặt lịch thành công, tài khoản của khách hàng sẽ tự động trừ số điểm tương ứng. 

Hợp đồng sử dụng dịch vụ giữa WeFit và hội viên

Để nắm rõ hơn về việc xác lập giao dịch ban đầu giữa WeFit và người tiêu dùng, Luật sư Khánh phân tích rằng, muốn đăng ký sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng và thực hiện mua các gói tập trên ứng dụng, sau đó là đặt lịch để luyện tập. 

Câu hỏi đặt ra là hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa khách hàng với WeFit tồn tại hay không? Luật sư Khánh việc xác lập một "Hợp đồng" không chỉ là một văn bản lập và có chữ ký của các bên. 

Ngoài hợp đồng thông thường, trên thực tế và trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định về việc giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử và các hình thức khác ngoài ra pháp luật cũng quy định về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. 

Hợp đồng theo mẫu là loại hợp đồng mà bên cung cấp dịch vụ soạn thảo sẵn và người tiêu dùng chỉ có thể đọc và lựa chọn đồng ý giao kết hay không giao kết. 

Đối phương thức giao dịch xác lập với WeFit, đây là hình thức xác lập giao dịch bằng phương tiện điện tử và có điều kiện giao dịch chung. 

Luật sư nói WeFit vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi đổi chính sách khiến thời gian tập 2 năm chỉ còn 4 tháng - Ảnh 2.

Luật sư, Tiến sĩ Luật học Lê Ngọc Khánh – cố vấn cao cấp của Công ty Luật TNHH TGS. ẢNh: HTV

Cụ thể, khi hội viên đăng ký tài khoản trên ứng dụng hoặc là mua gói dịch vụ thì sẽ có một "Điều khoản sử dụng" hoặc "Lưu ý sử dụng" hay dưới một vài tên gọi hay hình thức khác qui định tất cả những điều kiện, nội dung như trong một bản hợp đồng. Khách hàng thực hiện giao dịch là mặc nhiên đồng ý với các nội dung đó. 

Hình thức này rất dễ bị lợi dụng để chuộc lợi, ép buộc, lừa dối người tiêu dùng phải "kí kết" một hợp đồng bất lợi. Do đó pháp luật cũng có những quy định liên quan để kiểm soát. Điều 18, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 qui định:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng điều kiện giao dịch chung có trách nhiệm thông báo công khai điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch với người tiêu dùng.

2. Điều kiện giao dịch chung phải xác định rõ thời điểm áp dụng và phải được niêm yết ở nơi thuận lợi tại địa điểm giao dịch để người tiêu dùng có thể nhìn thấy."

Luật sư Khánh cho rằng, theo điều 18, có vẻ rất mông lung và khó để xác định khái niệm "đã thông báo", và "thông báo rõ ràng"? Hơn nữa, người sử dụng dịch vụ đăng ký qua phương tiện điện tử thường bỏ qua những "Điều khoản sử dụng" khi chúng hiện không đầy đủ trên màn hình máy tính hoặc điện thoại.

Điều 19 cũng quy định về việc kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với loại hợp đồng này, theo đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

"Nhưng ngành nghề kinh doanh không thiết yếu không chịu sự điều chỉnh, và không bị kiểm soát. Dù bất cứ ngành hàng, dịch vụ nào đều có nguy cơ gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, vậy có nên chăng chúng ta cần kiểm soát toàn bộ các giao dịch có điều kiện chung?", luật sư Khánh đặt vấn đề.

Điều khoản sử dụng dịch vụ của WeFit cho phép công ty tự ý sửa nội dung

Đối với điều khoản sử dụng mà WeFit công bố trên trang web chính thức WeFit.vn có 10 điều khoản cơ bản, và người tiêu dùng phải chấp nhận các điều khoản đó khi họ "trót" đăng ký dịch vụ và thanh toán. Một điều khoản qui định như sau:

"Điều 2: Thay đổi nội dung và điều khoản sử dụng

Ban quản trị WeFit có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều khoản sử dụng này vào bất cứ thời điểm nào bằng cách gửi thông báo tới Khách hàng. Khách hàng được xem là đã nhận được thông báo nếu:

Các thông báo này đã được đưa lên website chính thức của WeFit cho dịch vụ tại WeFit.vn Các thông báo này đã được gửi tới địa chỉ thư điện tử (email) mà Khách hàng đăng ký khi bắt đầu quá trình sử dụng dịch vụ; được gửi, thông báo, cập nhật qua ứng dụng WeWow.

Nếu khách hàng không muốn tiếp tục sử dụng gói sản phẩm theo Điều khoản sử dụng mới, Khách hàng có thể chấm dứt tài khoản của mình bằng cách liên hệ với BQT WeFit. Trường hợp tiếp tục sử dụng dịch vụ thì được hiểu Khách hàng đã hoàn toàn tự nguyện đồng ý, chấp nhận cũng như tuân thủ các nội dung thay đổi đó".

Như vậy, theo các điều khoản WeFit soạn thảo, công ty có thể tự ý thay đổi điều khoản sử dụng, tức là thay đổi điều khoản hợp đồng/điều kiện giao dịch chung mà không cần sự cho phép, thỏa thuận của bất kì ai mà chỉ cần thông báo hợp lệ. Luật sư Khánh nhấn mạnh đây là điểm vô lý và pháp luật không cho phép.

Điểm c, Khoản 1, Điều 16 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qui định các điều khoản cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng; cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đều bị coi là vô hiệu. 

Do vậy, người tiêu dùng không cần thực hiện theo các điều khoản này, có nghĩa là việc tự ý thay đổi hợp đồng, điều kiện giao dịch chung của WeFit là hành vi trái luật, thậm chí trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng.

Với hành vi này, WeFit đương nhiên phải đối mặt với những chế tài nhất định. Theo Điều 14 Nghị định 19/2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi giao kết điều kiện giao dịch chung với người tiêu dùng có điều khoản không có hiêu lực từ hai tỉnh, thành trở lên sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc điều chỉnh nội dung điều kiện giao dịch chung và buộc nộp ngân sách lợi ích bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi gây ra.

Nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu sửa đổi điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng mà không thực hiện, bên vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng tới 30 triệu đồng theo Điều 13, Nghị định 19/2012. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có quyền đòi lại quyền lợi của họ bằng cách yêu cầu Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ. Đây này là tổ chức xã hội trực thuộc Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, có vai trò là đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng trên cả nước. 

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi hành vi xâm phạm bằng cách đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự khởi kiện vụ án ra Tòa án/cơ quan có thẩm quyền.

Nhạc Phong