[Sai lầm kinh điển của startup] Học viên tập quá chăm và dấu chấm hết của WeFit
Mới đây, trên mạng xã hội bàn tán xôn xao chủ đề doanh thu phòng gym chủ yếu đến từ việc hội viên lười đi tập. Đây là chuyện không hề mới khi cuộc sống bận rộn khiến quỹ thời gian của nhiều cá nhân bị thu hẹp và khó lòng duy trì tần suất tập gym đều đặn. Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta từng chứng kiến WeFit - một startup điển hình trong làng khởi nghiệp Việt Nam điêu đứng vì hội viên "quá chăm tập", dẫn tới kết cục là phá sản.
WeFit được thành lập từ năm 2016 và tới năm 2019 đổi tên thành WeWow. Mô hình của WeFit là phát triển một ứng dụng chia sẻ phòng tập các môn thể thao, thể hình, chăm sóc sắc đẹp. Người dùng sẽ mua gói thành viên để được dùng dịch vụ của tất cả các phòng tập, cơ sở trong danh sách đối tác của WeFit với khẩu hiệu "luyện tập mọi lúc mọi nơi".
Với mô hình nói trên, WeFit đã gây tiếng vang trong giới khởi nghiệp, đã có lúc startup này chứng kiến mức tăng trưởng trung bình tháng đạt 40%. Đầu năm 2018, CEO Founder Nguyễn Khôi đã được Forbes vinh danh trong danh sách 30 Under 30.
Năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, WeFit bắt đầu vướng vào "bê bối" khi nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền. Đến tháng 5/2020, WeFit tuyên bố phá sản.
Khách hàng quá "chăm" tập
Mô hình của WeFit, tương tự ClassPass - một startup Mỹ được mệnh danh là "Uber trong ngành thể hình". Điểm chung của hai startup này là việc họ cung cấp những buổi tập không giới hạn cho tất cả người dùng. Chỉ với một khoản tiền phí hàng tháng, người dùng của WeFit hoàn toàn có thể tập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào tại các phòng tập đối tác của startup này.
Ông Tuấn Hà, CEO Vinalink cho rằng WeFit học ClassPass với hình thức đóng một khoản phí thành viên và khách được tập không giới hạn. "Họ có thể thấy sai lầm của ClassPass nhưng không rút kinh nghiệm từ sớm hoặc nghĩ rằng sẽ tránh được ở thị trường Việt Nam", ông Tuấn Hà nhận xét.
WeFit đã sai lầm khi lý tưởng hóa thị trường Việt Nam. Trên lý thuyết, mô hình của WeFit sẽ thành công nếu như khách hàng lười biếng và không đi tập đều đặn - một hiện tượng khá phổ biến. Tuy nhiên, không chỉ chăm chỉ, người dùng của WeFit còn biết cách tận dụng kẽ hở trong quản trị của WeFit, họ chia sẻ tài khoản cho nhiều người sử dụng.
"Nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng, đỉnh điểm là 202 lần/tháng", CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng chia sẻ hồi đầu tháng 3/2020 trong tâm thư gửi khách hàng và đối tác.
Sai lầm khi quá lý tưởng hóa thị trường Việt Nam
"Chúng ta có thể thấy WeFit như một nhà bán buôn, đứng ra trung gian thu tiền của khách hàng để trả cho các phòng tập. Điều này dẫn đến tình trạng chi phí trả cho phòng tập lớn hơn cả phí thu khách hàng, chưa tính đến chi phí vận hành, phát triển app... và việc nhiều người đi tập, thậm chí là booking ảo đã khiến WeFit mất kiểm soát, dẫn tới kiệt quệ về tài chính", ông Long Phan, CEO Founder AFA Group phân tích.
Ông Long cho rằng WeFit dùng nguồn vốn huy động được để đốt tiền mở rộng thị trường bằng mọi giá và đây là điểm sai lầm trong mô hình kinh doanh của các startup. Vị chuyên gia không khuyến khích định hướng chấp nhận bán dưới giá thành để mở rộng, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, nơi mà tính trung thành của khách hàng là rất thấp.
Năm 2017, sau một năm thành lập, WeFit có 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng, 600 đối tác ở Hà Nội và TP HCM, doanh thu đạt 700.000 USD. Tiếp đó, quỹ ESP Capital đã đầu tư 155.000 USD cho WeFit. Đến đầu 2019, startup này tiếp tục công bố gọi thêm một triệu USD từ CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác.
Nhận được nguồn vốn đầu tư lớn, WeFit đã mạnh tay đốt tiền. Năm 2018, có thời điểm ứng dụng thu chỉ 2,6 triệu cho một gói tập không giới hạn trong 3 tháng tại TP HCM. Mỗi tháng, khách hàng còn được tặng 3-4 buổi spa miễn phí. Người đăng ký trong thời gian ưu đãi còn được tặng túi thể thao đựng đồ tập. Các chương trình ưu đãi tương tự được ứng dụng thường xuyên chạy liên tục trong năm. Để tăng hấp dẫn, WeFit còn liên tục mở rộng mạng lưới đối tác.
Ngoài luyện tập thể hình, WeFit còn có bơi và các dịch vụ làm đẹp. "Bơi chính là vấn đề. Họ có thể lười tập nhưng đi bơi thì rất thích, nhất là được bơi miễn phí tùy ý nên công ty phải trả đối tác nhiều hơn", ông Tuấn Hà đánh giá.
Cú last hit mang tên COVID-19
Kể từ khi nhiều nhà cung cấp bắt đầu tố WeFit chậm thanh toán tiền, ứng dụng này bắt đầu siết lại các giới hạn của mình từ giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu 2020. Sau khi nắm quyền điều hành từ nhà sáng lập Khôi Nguyễn, CEO Nguyễn Hải Đăng đã bỏ việc không giới hạn mà mỗi gói giá trị được quy thành điểm. Mỗi buổi tập, người dùng sẽ bị trừ vào số điểm đó.
Tuy nhiên, những thay đổi không những không cứu vớt con tàu đắm WeFit mà nó còn nhấn chìm startup này sâu hơn trong khủng hoảng. Người dùng cảm thấy khó chịu với chính sách siết chặt của ứng dụng, cho rằng WeFit "lừa đảo" và họ rời bỏ ứng dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ kinh doanh cũng gặp khó với việc mở rộng khách hàng vì niềm tin của thị trường đã giảm, cộng thêm việc WeFit "không còn ngon như trước nữa".
Khoảng thời gian vượt khủng hoảng của WeFit trùng với thời điểm đại dịch COVID-19 ở Việt Nam trở nên phức tạp với đỉnh điểm là ca bệnh số 17. WeFit đã thông báo tạm đóng toàn hệ thống, đảm bảo giãn cách xã hội, chủ động phối hợp thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan ban ngành để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Ngày 4/5, startup này thông báo mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phản ánh không book được lịch, hoặc sau khi book đến phòng tập lại được thông báo phòng tập đã ngưng liên kết, lỗi do WeFit không update.
Ngày 11/5/2020, Founder Khôi Nguyễn thông báo đến người dùng và hệ thống đối tác là vốn hoạt động của họ đã cạn kiệt và buộc phải tuyên bố phá sản. "Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình. WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h ngày 11/5/2020", ứng dụng WeWow liên kết với WeFit gửi thông báo tới người dùng.
Cạn kiệt dòng tiền cộng thêm áp lực từ đối tác đã đẩy WeFit tới cảnh phá sản. Theo ông Long Phan, mô hình kinh doanh sai lầm cộng thêm quản lý khách hàng yếu kém, sử dụng dòng vốn không phù hợp mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại cho một startup điển hình, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam như WeFit.