Loạt thị xã sẽ lên TP: Kỳ Anh hút mạnh FDI nhờ có khu kinh tế, Phú Mỹ làm nhiều dự án hạ tầng nối cảng biển
Thị xã Kỳ Anh nổi bật với KKT Vũng Áng
Được thành lập vào năm 2015, thị xã (TX) Kỳ Anh là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh và bền vững nhất của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. Tháng 7/2020, TX Kỳ Anh đã được công nhận là đô thị loại III. TX hiện đang tiếp tục phấn đấu trở thành TP vào năm 2025.
Trên địa bàn TX Kỳ Anh nổi bật với Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng có hạt nhân chính là cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ), một trong 8 KKT trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Với địa thế thuận lợi, hiện nay, KKT Vũng Áng có 84 dự án trong nước với tổng mức vốn đăng ký 48.700 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đăng ký 13,6 tỷ USD. Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, KKT Vũng Áng đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 3,5 - 5,5 tỷ USD.
Các dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động tại KKT Vũng Áng như Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Tổng kho Xăng dầu - Dầu khí Vũng Áng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn An Việt Phát,…
Trong đó, dự án Khu liên hiệp Gang thép và Cảng biển nước sâu Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư, vốn đầu tư 1,56 tỷ USD cũng đã hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia tháng 12/2013.
Các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng trở thành nguồn đóng góp chủ đạo vào ngân sách. Trung bình mỗi năm, KKT Vũng Áng đóng góp xấp xỉ 60% tổng thu toàn tỉnh. Theo thông tin từ Ban Quản lý KKT tỉnh, trong năm 2021, Ban đã cấp phép đầu tư 10 dự án trong nước với số vốn đăng ký 11.713 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hai dự án lớn gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD theo hình thức BOT đã phát lệnh khởi công vào tháng 10/2021 và dự án Nhà máy Sản xuất Pin VinES của Tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 4.000 tỷ đồng, khởi công vào tháng 12/2021 đã chính thức đặt dấu mốc mới cho sự phát triển của KKT Vũng Áng nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Ngoài ra, trên địa bàn TX Kỳ Anh còn có Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương lớn nhất Việt Nam đủ điều kiện cho tàu 300.000 tấn hoạt động. Cảng nước sâu Vũng Áng nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ ngắn nhất thông ra các hải cảng quốc tế của khu vực Miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Đây cũng chính là động lực cho sự hợp tác giữa đầu tư quốc tế, cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.
Bên cạnh đó, TX Kỳ Anh còn sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi khi nằm giữa hai sân bay quốc gia, cách sân bay Vinh 100Km, cách sân bay Đồng Hới 60km. Các tuyến giao thông chính của quốc gia đều chạy qua như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước.
Ngoài ra, theo Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan.
Trong thời gian tới đây, KKT Vũng Áng nói riêng và TX Kỳ Anh nói chung sẽ càng có nhiều tiềm năng phát triển, thu hút nhà đầu tư hơn nữa khi 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chính thức được khởi động.
Trong đó, có 90 km cao tốc 4 làn xe đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh và 58 km cao tốc nối Hà Tĩnh với Quảng Bình. Cụ thể, dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.403 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài 54 km, với tổng mức đầu tư 10.185 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án thành phần thứ ba Vũng Áng - Bùng có chiều dài 58 km, tổng mức đầu tư 11.785 tỷ đồng sau khi hoàn thành cũng giúp kết nối tỉnh Hà Tĩnh nói chung và KKT Vũng Áng, TX Kỳ Anh nói riêng với tỉnh Quảng Bình.
Thị xã Phú Mỹ của Bà Rịa - Vũng Tàu sắp đầu tư trung tâm logistics hơn 19.000 tỷ đồng
Sở hữu vị trí chiến lược là cửa ngõ ra biển Đông, cách TP HCM chưa đến 50 km qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng quốc lộ 51, TX Phú Mỹ của Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang là khu vực đón làn sóng đầu tư hạ tầng giao thông đồng loạt, từng bước hoàn thiện dần tiêu chí để hướng tới lên thành phố trước năm 2025.
Bên cạnh các dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, trong tương lai TX Phú Mỹ còn được hưởng lợi từ các dự án sắp triển khai như: Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai dài 57,7 km; Cầu Phước An nối Vũng Tàu - Đồng Nai bắt qua sông Thị Vải dài 3,76 km; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với chiều dài 77,6 km; Đường Vành đai 4,…
Mục tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là hoàn thành dự án cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cùng với nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt kết nối tới Cái Mép - Thị Vải.
Với ba tuyến giao thông kết nối này, đường vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được thông thoáng, tạo tiền đề cho sự phát triển của TX Phú Mỹ nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.
Việc sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của TX Phú Mỹ. Đến nay cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến đạt gần 10km.
Tháng 10/2020, cảng đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn. Tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 10%/năm.
Để Cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển đúng với vị trí, vai trò tiềm năng, lợi thế được xác định, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là 1 trong 42 dự án trọng điểm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ với tổng mức đầu tư khoảng 19.200 tỷ đồng trong đó chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án có diện tích khoảng 1.763 ha, bao gồm: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ (984,24 ha); diện tích mặt nước (455,77 ha); đất dự trữ kho năng lượng sạch (197,65 ha); diện tích mặt nước tiềm năng (125,34 ha).
Đến nay, đã có 5 nhà đầu tư quan tâm và gửi hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, gồm: CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco và CTCP Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (liên danh Geleximco - ITC); Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; CTCP IMG Innovations; CTCP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương; CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group).
Bên cạnh hệ thống cảng biển, chỉ riêng tại Phú Mỹ đã có hệ thống KCN lên đến 5.000 ha với hàng loạt nhà máy lớn đã được xây dựng. Nơi đây thu hút một lượng lớn người lao động bao gồm các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà đầu tư…
Theo báo cáo của văn phòng UBND tỉnh, khu vực này hiện có hơn 80.000 lao động. Trong đó, lao động đến từ các địa phương khác chiếm đến 90%.