|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt thị xã, huyện sẽ lên TP: Thủy Nguyên sắp có dự án 10.000 tỷ, La Gi hút đầu tư từ các 'ông lớn' BĐS công nghiệp

15:46 | 16/02/2022
Chia sẻ
Với mục tiêu trở thành thành phố thuộc tỉnh, trong những năm qua, Phổ Yên (Thái Nguyên) hay Thủy Nguyên (Hải Phòng), La Gi (Bình Thuận) đã nhanh chóng được dồn lực đầu tư vào hạ tầng, thu hút loạt dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Thủy Nguyên - nơi đặt Trung tâm hành chính mới của Hải Phòng 

Theo quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc quốc gia 2021 - 2030, đô thị Thủy Nguyên, Hải Phòng được dự kiến phân loại là đô thị loại II trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhằm đảm bảo tiến độ lên thành phố trước năm 2025, những năm qua Hải Phòng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lớn, tạo động lực vững chắc để Thủy Nguyên trong tương lai phát triển như: Trung tâm Hành chính - Chính trị; Cầu Hoàng Văn Thụ; Cầu Nguyễn Trãi; Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; Khu đô thị VSIP hơn 1.000 ha theo tiêu chuẩn Singapore, xanh, sạch, gần gũi với thiên nhiên.

Loạt địa phương quy hoạch lên TP: Phổ Yên 'lột xác' với dự án của Samsung, La Gi đón dòng vốn lớn từ bất động sản  - Ảnh 2.

Công trình cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm nối trung tâm TP với huyện Thủy Nguyên, mở ra không gian phát triển kinh tế cho huyện Thủy Nguyên. (Ảnh: Báo Quốc tế).

Bên cạnh cầu Hoàng Văn Thụ với mức đầu tư 2.300 tỷ đồng đã khánh thành cuối 2019, Hải Phòng đang triển khai xây dựng cầu Nguyễn Trãi với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Cầu thiết kế hai nhịp dây văng dài 1.451 m bắc qua sông Cấm. Cầu Nguyễn Trãi dự kiến khởi công trong năm 2021 và hoàn thành trước năm 2024.

Sau khi hoàn thành, cầu Nguyễn Trãi kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các KCN chính trên địa bàn thành phố. Đồng thời, liên kết Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc Sông Cấm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủy Nguyên trong tương lai.

Đáng chú ý, Thủy Nguyên sẽ là nơi xây dựng Trung tâm hành chính rộng 324 ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng của TP Hải Phòng. Dự án sẽ khởi công quý I, II/2022, hoàn thiện và đi vào hoạt động cuối năm 2024.

Loạt thị xã, huyện sẽ lên TP: Thủy Nguyên sắp có dự án 10.000 tỷ, La Gi hút đầu tư từ các 'ông lớn' BĐS công nghiệp - Ảnh 2.

Phối cảnh Trung tâm hành chính 10.000 tỷ đồng nằm tại Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hải Phòng).

Trước đó, hàng loạt các công trình dự án lớn được khẩn trương hoàn thành, đưa vào hoạt động như các tuyến đường Đỗ Mười, Trần Kiên; cầu Hợp Thành, Cầu Dinh; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đường 359 giai đoạn 2… Tất cả sẵn sàng, sớm đưa Thủy Nguyên trở thành thành phố trong thời gian sớm nhất.

Hải Phòng hiện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng thuộc các KCN như VSIP, KCN Nam cầu Kiền, KCN Thủy Nguyên. Đặc biệt, TP Hải Phòng cũng đang đề nghị triển khai Trung tâm thương mại AEON MALL Hải Phòng thứ hai trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Tập đoàn Vingroup sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng dự án công viên chủ đề VinWonder Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nhằm hướng tới khai trương, vận hành vào năm 2023.

La Gi hút dự án bất động sản công nghiệp quy mô lớn

Với vị trí nằm giữa hai TP du lịch nổi tiếng Phan Thiết và Vũng Tàu, thị xã La Gi đã sớm vươn mình và dần trở thành hạt nhân chính trong phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh Bình Thuận. Năm 2018, thị xã được công nhận là đô thị loại III và dự kiến trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 sẽ lên TP trực thuộc tỉnh.

Để đẩy nhanh lộ trình nâng cấp La Gi lên TP, Bình Thuận hiện đang tập tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao khả năng kết nối vùng của thị xã La Gi.

Thị xã La Gi hưởng lợi từ nhiều tuyến đường giao thông hiện hữu như quốc lộ 55 nối ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng, hay ĐT.709 - tuyến đường du lịch kết nối La Gi với huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Loạt địa phương quy hoạch lên TP: Phổ Yên 'lột xác' với dự án của Samsung, La Gi đón dòng vốn lớn từ bất động sản  - Ảnh 3.

Nắm bắt thời cơ từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bình Thuận đã cho triển khai hai trục đường kết nối thẳng từ cao tốc đến La Gi. (Đồ họa: Thanh niên).

Thêm vào đó, nhiều dự án xây dựng đường ven biển, cao tốc mang tầm quốc gia đã được khởi công, hứa hẹn tăng tính kết nối từ các TP lớn đến La Gi. Trong đó phải kể đến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến Hàm Kiệm - Bến Thành, dự án nâng cấp 8 tuyến đường nội tỉnh...

Trước đó, Bình Thuận đã triển khai hai dự án đường ven biển với kinh phí gần 1.600 tỷ đồng để phát triển du lịch, gồm: Đường ven biển 719B đoạn Kê Gà - Phan Thiết và dự án nâng cấp, mở rộng đường 719 hiện hữu đoạn Kê Gà - Tân Thiện.

Bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ, La Gi còn nằm tại trung điểm giữa hai sân bay lớn là Long Thành và Phan Thiết. Hiện nay cả hai dự án đều đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Riêng dự án sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Với chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, La Gi đã và đang thu hút dòng vốn đầu tư với loạt dự án tỷ đô. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thị xã La Gi hiện có 40 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích khoảng 565 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.411 tỷ đồng.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư du lịch, khu vực Nam Bình Thuận hiện đang được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án bất động sản công nghiệp quy mô lớn.

Cụ thể, KCN - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty thuộc tập đoàn Sembcorp Development (Singapore). Dự án có quy mô 4.984 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 18.840 tỷ đồng.

Bên cạnh Becamex VSIP Bình Thuận, Sonadezi cũng sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tân Đức tại La Gi và Hàm Tân với quy mô 300 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận đầu tư.

Một “siêu dự án” khác là chuỗi dự án điện khí LNG của Tập đoàn AES (Mỹ) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,31 tỷ USD,...

Phổ Yên và sự thay đổi nhờ dòng vốn đầu tư của Samsung

Mới đây, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, thị xã Phổ Yên đã chính thức trở thành TP thứ ba của Thái Nguyên. Với vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, việc thành lập TP Phổ Yên được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích để thúc đẩy phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực.

Với việc tập trung thực hiện các tiêu chí về hạ tầng đô thị, Phổ Yên đã nhanh chóng hoàn thành mục tiêu lên TP, thậm chí sớm hơn hai năm so với định hướng (năm 2025).

Riêng trong năm 2021, Phổ Yên đã thông qua bổ sung danh mục đầu tư cho 124 dự án với tổng nhu cầu vốn là hơn 4.621 tỷ đồng. Đồng thời tích cực triển khai 6 dự án với tổng nhu cầu vốn là 906 tỷ đồng, điển hình là dự án xây dựng các tuyến đường nối liền Quốc lộ 3 vào khu dân cư.

Cùng với đó, Phổ Yên cũng đề xuất sớm triển khai các dự án du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng Đông Tam Đảo tại địa bàn Phổ Yên; đường liên kết vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc...

Bên cạnh hạ tầng đô thị, Phổ Yên đẩy mạnh phát triển sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trên địa bàn hiện có ba KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: Yên Bình, Điềm Thụy và Nam Phổ Yên, với tổng diện tích thuộc TP Phổ Yên là 640 ha.

Loạt địa phương quy hoạch lên TP: Phổ Yên 'lột xác' với dự án của Samsung, La Gi đón dòng vốn lớn từ bất động sản  - Ảnh 1.

Công ty Samsung tại Thái Nguyên - một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Samsung).

Đến nay, Phổ Yên đã thu hút được 28 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 6,7 tỷ USD; cùng với 19 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn trên 5.700 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương được Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh, linh kiện điện tử tại KCN Yên Bình.

Sáng 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Cụ thể, Samsung sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD để nâng cấp vốn đầu tư của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Phổ Yên, Thái Nguyên lên 2,27 tỷ USD.

Hàng năm, Samsung Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 24 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động, trong đó 1/3 lao động là người Thái Nguyên với mức thu nhập trung bình đạt 8,5 triệu/người/tháng.

Việc thu hút dự án FDI từ Tập đoàn Samsung cũng là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động thu hút đầu tư tại Phổ Yên nói riêng và toàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, đánh dấu sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang kinh tế công nghệ cao.

Trong năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Phổ Yên ước đạt gần 772.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt hơn 767.000 tỷ đồng (bằng 103% so với kế hoạch) và chiếm 92% giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng toàn tỉnh.

GRDP bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 250 triệu đồng/người/năm và thu ngân sách đạt 2.220 tỷ đồng…

Theo kế hoạch năm 2022, Phổ Yên phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành đạt trên 837.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.900 tỷ đồng,...

Ngoài các địa phương trên, còn có nhiều địa phương khác có mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố thuộc tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 như thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), thị xã Tân Uyên (Bình Dương),....

Phương Trang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.