|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội muốn đưa Hòa Lạc lên thành phố, những dự án hạ tầng nào đang tạo 'cú hích' cho nơi đây?

15:55 | 13/10/2021
Chia sẻ
Cùng với ba huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu đưa Hòa Lạc lên thành phố mới của khu vực phía Tây nhằm hoàn thiện mô hình “Thành phố trong Thành phố”. Với sự xuất hiện của nhiều dự án hạ tầng đã tạo nên "cú hích" trong triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút nhà đầu tư lớn tại khu vực này.

Sở hữu quỹ đất lớn lên đến 17.000 ha, Hòa Lạc được đặt mục tiêu trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm Hà Nội. Ngoài ra, theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hòa Lạc cũng nằm trong số các địa phương được đặt mục tiêu lên thành phố mới, cùng với ba huyện phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.

Việc xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở được kỳ vọng giúp Hòa Lạc đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh.

Tiêu biểu như quy hoạch mở rộng tuyến quốc lộ 21, tổng chiều dài là 29,3 km, tốc độ thiết kế 80 km/h, sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023, cùng việc bố trí các tuyến xe buýt đi lại giữa trung tâm thành phố và Hòa Lạc.

Quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn 2050 cũng sẽ có nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị vệ tinh như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt sẽ có các tuyến Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc -Xuân Mai. 

Tuyến Metro số 5 khởi công năm 2022 

Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc được UBND Hà Nội đề xuất thi công từ năm 2022, hoàn thành năm 2026, đây sẽ là tuyến đường sắt xuyên tâm, kết nối trung tâm thủ đô với các đô thị dọc đại lộ Thăng Long. 

Với chiều dài lên tới 38,43 km và tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng, Dự án metro số 5 chính là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong số 8 tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030.

Hà Nội đưa Hòa Lạc lên thành phố, những dự án hạ tầng nào đang tạo "cú hích" cho nơi đây? - Ảnh 1.

Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc được UBND Hà Nội đề xuất thi công từ năm 2022. (Đồ họa: Alex Chu).

Điểm đầu tuyến ở nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Đoạn đi ngầm kéo dài từ đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia (tổng chiều dài đi ngầm là 6,5 km).

Sau khi đi ngầm qua vành đai 3, tuyến sẽ đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa dải phân cách của đại lộ Thăng Long. Từ đây, tuyến số 5 sẽ đi thẳng theo dải phân cách giữa, vượt qua các nút giao bằng cầu vượt.

Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình), tuyến đi trên giải phân cách giữa của dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình (tổng chiều dài đi trên mặt đất là 29,93 km, chỉ có 2 km đi trên các cầu vượt).

Dự kiến, tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Tuyến metro số 5 sau khi hoàn thiện sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với tuyến số 2,3,4,6,7,8 cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.

Nhiều dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông

Siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô lên tới hơn 17.000 ha được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô. Đây được định hướng là đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm. Nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng phát triển đại đô thị thông minh trong tương lai, hàng loạt các tuyến đường tại Hòa Lạc đang được triển khai.

Điển hình như dự án quy hoạch mở rộng Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai có tổng chiều dài là 29,3 km, tiêu chuẩn đường trục chính đô thị với tốc độ thiết kế 80 km/h.

Dự án được chia là hai giai đoạn, giai đoạn 1A (triển khai năm 2016-2018) với quy mô 4 làn xe (24m), đưa vào khai thác từ năm 2019; giai đoạn 1B (từ năm 2019-2022) với quy mô 6 làn xe (44m), đưa vào khai thác từ năm 2023.

Ngoài ra, cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình có tổng chiều dài dự án gần 23 km, tổng vốn đầu tư 6,745 tỷ, tốc độ thiết kế 100 km/h, giúp giao thông giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc vô cùng thuận tiện, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài 16 km và đoạn đi qua TP Hà Nội gần 7 km. Hiện tại, tuyến đường có quy mô hai làn xe.

Hiện dự án có 4 phương án đầu tư, trong đó, phương án 4 được đánh giá có tính khả thi cao. Phương án này có quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe, đồng thời xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai).

Hà Nội đưa Hòa Lạc lên thành phố, những dự án hạ tầng nào đang tạo "cú hích" cho nơi đây? - Ảnh 2.

Hệ thống các tuyến đường chính đi qua khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Trong tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố đề nghị cho ý kiến, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có dự án cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

Công trình theo quy hoạch dài khoảng 6,7 km, điểm đầu Km0 00 giao cao tốc Đại Lộ Thăng Long với quốc lộ 21, điểm cuối Km6 700 giao điểm đầu đường cao tốc Hà Nội - Hoà Bình.

Xây dựng đường cao tốc đô thị với quy mô 6 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên với hai làn xe cơ giới mỗi bên; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông,... đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố bố trí 3.500 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Hà Nội cho biết đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía tây và kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 3.167 km, nối liền hai đầu Bắc Nam của nước Việt Nam, đi qua 30 tỉnh thành trong cả nước trong đó có Hòa Lạc. Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng quốc gia bởi nó ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và chính trị, an ninh, quốc phòng. Dự kiến, sau năm 2030, đường Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp trở thành cao tốc Bắc Nam nhánh Tây.

Bên cạnh đó, với dự án Đại lộ Thăng Long hay Đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Hòa Lạc có thể dễ dàng kết nối với trung tâm thành phố. Tuyến đường dài 29 km được thiết kế cho xe chạy với vận tốc từ 80 km/h đến 100 km/h, lưu lượng thông xe từ 1.500 đến 2.000 xe/ngày đêm với mức vốn đầu tư 7.527 tỷ đồng.

Đại lộ Thăng Long có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội vì đây là con đường nằm ở vị trí đầu mối, nối trực tiếp Hòa Lạc đến trung tâm Hà Nội. 

Đồng thời, sẽ là huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học ở khu vực Hòa Lạc. Đây cũng là con đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Hà Nội đưa Hòa Lạc lên thành phố, những dự án hạ tầng nào đang tạo "cú hích" cho nơi đây? - Ảnh 3.

Trục đường Hồ Tây - Ba Vì đoạn nối từ Vành đai 4 kéo dài đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Hà Nội đưa Hòa Lạc lên thành phố, những dự án hạ tầng nào đang tạo "cú hích" cho nơi đây? - Ảnh 4.

Đoạn đường Hồ Tây - Ba Vì nối với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn).

Theo quy hoạch của Hà Nội, tuyến đường trục Hồ Tây - Ba Vì cũng sẽ đi qua đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đây là trục đường được kỳ vọng khi hình thành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc tại nhiều "điểm đen" giao thông trên các con phố như Hoàng Công Chất, Quốc lộ 32, Phạm Văn Đồng...

Định hướng quy hoạch Trục Hồ Tây - Ba Vì là tuyến đường giao thông (đối ngoại, hướng tâm) gắn kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội.

Tuyến đường khi hình thành sẽ giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông trên tuyến QL32 hiện nay. Riêng đối với đoạn trong khu vực đô thị trung tâm của tuyến đường trục Hồ Tây - Hòa Lạc - Ba Vì, khi đầu tư xong sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc phát huy hiệu quả kết nối loại hình giao thông đường bộ với đường sắt đô thị.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tốc độ đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở ngày càng gia tăng mạnh mẽ thì chỉ khoảng 2-3 năm nữa, Hòa Lạc sẽ lấp đầy các nhà máy. 

Có thể thấy, được quy hoạch đồng bộ chi tiết, cùng với sự thúc đẩy xây dựng và thu hút đầu tư của Chính phủ và TP Hà Nội vào phân khu công nghệ cao, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang từng bước hiện diện rõ nét hơn. Đây là những nhân tố tích cực trở thành đòn bẩy thúc đẩy các dự án khu nhà ở, khu dân cư,… đang dần hình thành ở khu vực này. 

Phương Trang