Ngắm đô thị vệ tinh Hòa Lạc hơn 17.000 ha vừa được duyệt qui hoạch
Ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 705/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, TP Hà Nội đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000.
Theo qui hoạch, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có vị trí địa giới hành chính thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội). Phía bắc giáp với trục Hồ Tây – Ba Vì, phía đông là sông Tích, còn phía Tây và Nam giáp với tỉnh Hòa Bình.
Về tính chất và chức năng, đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng...
Hòa Lạc cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, đô thị khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.
Theo qui hoạch được phê duyệt, đô thị Hòa Lạc được phân thành 7 phân khu chức năng gồm: Khu vực ĐH Quốc gia Hà Nội; Khu Công nghệ cao; Khu vực Đô thị sinh thái; Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch (bố trí trung tâm y tế theo qui hoạch); Khu vực sân bay Hòa Lạc; Khu vực nông nghiệp (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô); Khu vực Viên Nam (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô).
Dự báo, đến năm 2025, dân số Khu đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người; đến năm 2030 và những năm tiếp theo tối đa khoảng 600.000 người; trong đó, tỉ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 85%.
Dưới đây là hình ảnh đô thị vệ tinh Hòa Lạc qua một số phân khu chức năng.
Phân khu công nghệ cao
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nằm ở phía Bắc trục đường Đại lộ Thăng Long (hai bên đại lộ), diện tích phần lớn thuộc huyện Quốc Oai và Thạch Thất.
Đây là khu vực được xây dựng hạ tầng kĩ thuật, giao thông khá sớm, đã và đang thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến đầu tư như Vingroup, FPT, Viettel, VNPT, Nidec…
Tính đến hết năm 2019, nơi đây đã thu hút được 91 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng kí là khoảng 86.367 tỉ đồng.
Khu công nghệ cao là phần diện tích màu đỏ, quy mô 1.350,3ha. Hiện đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng, đang thu hút các nhà máy của nhiều tập đoàn lớn về xây dựng
Đây được xem là trung tâm công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, sinh học, cơ điện tử, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới... và danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Hiện tại, hạ tầng khu công nghệ cao đã được cơ bản hoàn thiện và tiếp tục thu hút nhiều dự án nhà máy công nghệ cao xây dựng.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc 1 nằm ở phía bên phải Đại lộ Thăng Long chiều từ Hà Nội đi Hòa Lạc. Khu vực này có địa giới từ Đại lộ Thăng Long, xã Hạ Bằng (Thạch Thất). đường QL21A và trục Hồ Tây - Ba Vì.
Hình ảnh hạ tầng giao thông hoàn thiện ở khu công nghệ cao Hòa Lạc 1.
Hình ảnh khu công viên phần mềm ở khu công nghệ cao Hòa Lạc 1.
Hiện tại, ở khu công nghệ cao Hòa Lạc 1 cũng đã có trường ĐH FPT, TH School.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc 1 hiện cũng đang có nhiều dự án khác.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc 1 cũng là nơi tọa lạc của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 nằm đối diện với khu 1 qua Đại lộ Thăng Long, khu vực này có địa giới chủ yếu thuộc xã Phú Cát, Quốc Oai. Hiện tại khu vực này mới chỉ có một trục đương chính dẫn vào và có ít đơn vị đầu tư.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 đối diện với khu 1 qua Đại lộ Thăng Long và hiện mới có một trục đường chính.
Trên thực tế, trục đường chính dẫn vào khu vực này từ Đại lộ Thăng Long cũng vẫn chưa hoàn thiện.
Đây là hình ảnh khu tổ hợp của Hà Nội Telecom đã xây dựng nhiều năm nay ở khu công nghệ cao Hòa Lạc 1.
Ngoài ra, khu vực này cũng đang xây dựng thêm nhà máy.
Phân khu Đại học Quốc gia
Phân khu Đại học Quốc gia ở Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc được qui hoạch và xây dựng trên diện tích khoảng 1.137ha, thuộc địa phận huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km.
Khu Đại học Quốc gia gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 887ha, khu các cơ sở nghiên cứu cao cấp khoảng 112ha và khu tái định cư khoảng 113,7ha. Quy mô khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên.
Đáng chú ý là theo qui hoạch sẽ có 8 trường đại học, 5 khoa trực thuộc, 5 viện nghiên cứu trực thuộc, 10 trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và trung tâm nghiên cứu liên hợp, 10 đơn vị phục vụ và các trung tâm phục vụ khác…đã và đang được xây dựng.
Phân khu Đại học Quốc gia ở Khu đô thị Hòa Lạc hiện có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên khu vực này mới chỉ có nhà công vụ số 1; khu nhà của ban quản lí dự án, một kí túc xá đáp ứng chỗ ở cho 2.000 sinh viên, sau được chuyển cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng khai thác.
Hạ tầng đường giao thông khá hoàn thiện nhưng các dự án xây dựng khác rất hiếm.
Nhiều đoạn đường trong phân khu không có người lui tới.
Phân khu chuỗi đô thị, nhà ở (khu đô thị sinh thái và một phần khu đô thị Phú Cát - Hòa Thạch)
Tại Khu đô thị Hòa Lạc, phần lớn quĩ đất nhằm phát triển đô thị sinh thái, được xác lập 3 khu vực chức năng gồm: đô thị sinh thái (Hl3) quy mô 666,86ha, đô thị sinh thái HL4 (1753,53ha), đô thị sinh thái HL5 (1031,87ha) và khu đô thị Phú Cát – Hòa Thạch quy mô 970,65ha.
Hiện tại, khu vực này đã và đang có khá nhiều dự án BĐS được lập qui hoạch, tạo thành chuỗi các đô thị sinh thái và nhà ở.
Về cơ bản, khu vực này mới chỉ có công trình giáo dục, quốc phòng.
Phần lớn các khu vực qui hoạch đô thị, nhà ở mới chỉ nằm trên qui hoạch.
Phân khu Y tế (một phần khu đô thị Phú Cát - Hòa Thạch)
Phân khu y tế thuộc địa bàn xã Hòa Thạch và xã Phú Cát với qui mô khoảng 200ha. Phía Đông giáp với tuyến đường vành đai khu công nghệ cao 42m (hiện đang thi công xong khoảng 2km từ Đại Lộ thăng long vào). Phía Tây giáp với tuyến đường Quốc lộ 21A có mặt cắt ngang theo qui hoạch là 80m.
Phía Bắc và Phía Nam giáp với tuyến đường quy hoạch 42m. Ngoài ra, trong khu tổ hợp còn có các tuyến đường đô thị quy hoạch xuyên tâm có mặt cắt từ 24 – 42m.
Theo định hướng quy hoạch, Tổ hợp Y tế Hòa Lạc có chức năng chính về dịch vụ, y tế, sử dụng trang thiết bị kĩ thuật cao, hỗ trợ liên thông về kĩ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu.
Hiện nay phần lớn diện tích đất quy hoạch Tổ hợp y tế này là đất nông nghiệp. Nhiều bệnh viện lớn có kế hoạch xây dựng cơ sở 2 tại Tổ hợp ý tế Hòa Lạc như bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện phụ sản Trung ương, viện Mắt Trung ương, viện huyết học Truyền máu Trung Ương, bệnh viện Răng hàm mặt.
Phân khu y tế hiện vẫn là khu vực cánh đồng lúa của người dân.
Video toàn cảnh siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Trao đổi với tờ Hà Nội mới vào cuối tháng 6/2020, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Quản lí Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đã thu hút được 94 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 89.300 tỉ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động.
Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đã có mặt tại đây, như: Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techno (Nhật Bản), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) và các tập đoàn: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT…
Tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động đang học tập, làm việc.
Khu đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học, trang thiết bị y tế, công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa…
Nhiều sản phẩm công nghệ cao, như công nghệ 4G, 5G, rada cảnh giới biển, thiết bị y tế kĩ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… đã được sản xuất tại đây.